• :
  • :

HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua các nghị quyết quan trọng

Chiều 8-4, tiếp tục làm việc phiên buổi chiều kỳ họp thứ tư (kỳ họp chuyên đề), HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã nghe báo cáo tổng hợp thảo luận tại tổ, biểu quyết thông qua các nghị quyết chuyên đề.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà và các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố; đại diện các sở, ban, ngành của thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà tổng hợp các ý kiến thảo luận tại tổ

56 ý kiến đóng góp vào 3 nội dung quan trọng

Báo cáo tổng hợp thảo luận tại 5 tổ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, đây là kỳ họp chuyên đề UBND thành phố trình HĐND thành phố 3 nội dung quan trọng với quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn trung hạn 2021-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 để phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Đã có 56 lượt phát biểu, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu HĐND.

Các đại biểu đánh giá cao vai trò của Thường trực HĐND thành phố. Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo sát sao các ban HĐND chuẩn bị nội dung kỳ họp, trong đó có nhiều nội dung phức tạp và nhiều nội dung tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tích cực rà soát nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và tu bổ, tôn tạo di tích cũng như việc xây dựng các nguyên tắc về cân đối nguồn vốn ngân sách các cấp; xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ của ngân sách cấp thành phố cho ngân sách cấp huyện nhằm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục đã nêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 của thành phố.

Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị UBND thành phố sau khi có nghị quyết, cần đầu tư đồng bộ các cơ sở y tế, nhất là trang thiết bị, bác sĩ… nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hiệu quả sau đầu tư; đề nghị rà soát kỹ lưỡng việc đầu tư cải tạo, tu bổ di tích, xếp hạng di tích trên tinh thần phát huy giá trị di tích gắn với tiềm năng du lịch, tránh đầu tư dàn trải, phát sinh khiếu kiện.

Về chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền phê duyệt của HĐND thành phố, đại biểu cho rằng, thời gian qua còn nhiều tồn tại, như: UBND thành phố gửi một số hồ sơ còn chưa bảo đảm thời gian và chất lượng theo quy định. Một số cơ quan thẩm định hồ sơ còn sơ sài, chưa đầy đủ nội dung để bảo đảm đủ cung cấp thông tin cho đại biểu HĐND cũng như các ban HĐND thành phố để thẩm tra...

Về nội dung liên quan đến biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội, hầu hết các đại biểu thống nhất với các giải pháp UBND thành phố đề xuất nhằm nâng cao quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai nói chung và cải cách hành chính trong lĩnh vực này.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông báo cáo, giải trình làm rõ một số ý kiến

Sẽ tăng cường giám sát tiến độ thực hiện các dự án

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông và Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã tiếp thu, giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm.

Liên quan đến các giải pháp thúc đẩy các dự án chậm triển khai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, UBND thành phố đã và đang chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện tổ chức rà soát, kiểm tra, làm rõ các dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn, do đó số lượng các dự án sẽ còn có biến động. Trên cơ sở hồ sơ, pháp lý có liên quan của từng dự án, thời gian tới UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện công khai thông tin về các danh mục dự án để người dân biết, giám sát.

Đối với các ý kiến liên quan đến giải pháp, tổ chức thực hiện, UBND thành phố xin tiếp thu, sau khi HĐND thành phố thông qua Nghị quyết chuyên đề về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện từng khâu, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ để giải quyết dứt điểm.

“Định kỳ, UBND thành phố có báo cáo với HĐND thành phố về kết quả, tiến độ thực hiện Nghị quyết”, đồng chí Nguyễn Trọng Đông nói.

Liên quan đến các ý kiến về các dự án đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn khẳng định, ngay sau kỳ họp, UBND thành phố sẽ hoàn thiện và chính thức ban hành kế hoạch để các đơn vị triển khai thực hiện. Tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, UBND thành phố sẽ rà soát, bảo đảm nguồn cân đối của ngân sách cấp huyện đáp ứng yêu cầu các dự án được triển khai đồng bộ, hoàn thành theo tiến độ, tuyệt đối không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; chỉ triển khai đầu tư xây dựng và bố trí vốn ngân sách thành phố hỗ trợ cho từng dự án cụ thể khi đã bảo đảm thủ tục, nguồn vốn đối ứng của các huyện.

Đặc biệt, UBND thành phố sẽ kiến nghị với các bộ, ngành trung ương về quy chuẩn, tiêu chuẩn trường quốc gia với quận: Diện tích đất, chiều cao, tỷ lệ học sinh/diện tích đất… để triển khai các dự án đạt hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn báo cáo giải trình làm rõ một số ý kiến

Thông qua các nghị quyết quan trọng

Sau khi UBND thành phố tiếp thu, giải trình thêm, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua các Nghị quyết quan trọng, gồm: Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội; Nghị quyết về các giải pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.

Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua việc cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố với 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, tu bổ tôn tạo di tích. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư là 49.202,8 tỷ đồng, thực hiện 1.467 dự án. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, dự kiến đầu tư 41.104 tỷ đồng, thực hiện 1.308 dự án. Số vốn cần bổ sung so với Kế hoạch trung hạn đã dự kiến bố trí là 19.345 tỷ đồng được bổ sung từ các nguồn như tăng thu, thưởng vượt thu năm 2021; nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố, hoặc từ tăng thu, thưởng vượt thu dự toán các năm 2022-2024 hoặc xem xét phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô theo tiến độ thực tế của dự án; phân kỳ thực hiện giai đoạn sau năm 2025 là 8.098 tỷ đồng, 159 dự án. Trong đó, số dự án thực hiện trong cả hai kỳ là 107 dự án.

HĐND thành phố Hà Nội cũng thông qua việc cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và bố trí kế hoạch vốn năm 2022 đối với 8 dự án, số vốn bố trí năm 2022 là 322 tỷ đồng; phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đối với 3 dự án thuộc lĩnh vực giao thông đã có trong danh mục Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, với số vốn bố trí 370 tỷ đồng; phân bổ Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 cho 146 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ cấp huyện thuộc Kế hoạch đầu tư xây dựng 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, tu bổ tôn tạo di tích đã đủ thủ tục đầu tư, điều kiện bố trí vốn hằng năm với tổng kinh phí là 2.000 tỷ đồng.

Các đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua Nghị quyết tại kỳ họp

Về Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, HĐND thành phố đã thông qua việc phê duyệt chủ trương đầu tư 22 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 5.010 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 10.240,8 tỷ đồng.

HĐND thành phố cũng quyết nghị chuyển dự án cải tạo môi trường hồ Tứ Liên để giao chính quyền quận Tây Hồ tiếp tục thực hiện.

Đối với Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tập trung vào 15 giải pháp cụ thể. Trong quá trình thực hiện, UBND thành phố phải tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận đối với từng dự án để xử lý và đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo thẩm quyền bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với HĐND thành phố tại kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm.

Cũng tại kỳ họp này, HĐND thành phố đã xem xét 2 báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 15 năm 2018 của HĐND thành phố về Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo về Đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố đến 2030 và tầm nhìn đến 2050.

Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố cũng báo cáo về Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 1-3-2022 của Thường trực HĐND thành phố về việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 (chưa bao gồm sinh phẩm xét nghiệm phản ứng) trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc thành phố Hà Nội theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ.

Sau một ngày làm việc khẩn trương, trách nhiệm, kỳ họp thứ tư HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã hoàn thành các nội dung đề ra và bế mạc kỳ họp.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu bế mạc kỳ họp

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân Thủ đô, trên cơ sở các báo cáo, tờ trình của UBND thành phố, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND thành phố, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm và biểu quyết thông qua với tỷ lệ thống nhất cao.

“Đây là những nội dung quan trọng, cấp thiết, là căn cứ, cơ sở pháp lý để kịp thời giải quyết các vấn đề dân sinh, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô. Ngay sau kỳ họp, HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm các nghị quyết của HĐND thành phố đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực”, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

Tại kỳ họp, HĐND thành phố đã miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố đối với đồng chí Nguyễn Anh Dũng, nguyên Chánh Văn phòng UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 (đã được điều động, phân công làm Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức); bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026 đối với đồng chí Trương Việt Dũng, nguyên Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, đã được điều động, bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng UBND thành phố.

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh và Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn tặng hoa, chúc mừng hai đồng chí Nguyễn Anh Dũng và Trương Việt Dũng

Lượt xem: 79
Tác giả: Mai Phương Thảo