• :
  • :

Hoạt động Công đoàn Thủ đô một năm nhìn lại

Năm 2022, các cấp Công đoàn Thủ đô đã nỗ lực, vượt khó, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo để triển khai hiệu quả mọi mặt công tác. Hoạt động của tổ chức Công đoàn đã được cấp ủy, chính quyền, chuyên môn ghi nhận, doanh nghiệp đánh giá cao, người lao động (NLĐ) tích cực ủng hộ; vai trò, hình ảnh của tổ chức Công đoàn ngày càng lan tỏa.

Phát huy vai trò chăm lo, đại diện, bảo vệ người lao động

Đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ là chức năng cốt lõi của tổ chức Công đoàn, chính vì thế, trong năm qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, ngay từ đầu năm, LĐLĐ Thành phố và Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố đã ban hành Văn bản Hướng dẫn liên tịch để hướng dẫn các cấp chính quyền và tổ chức Công đoàn phối hợp chỉ đạo việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và Hội nghị NLĐ theo đúng quy định của Chính phủ.

Kết quả, có 100% đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và gần 80% đơn vị tổ chức Hội nghị NLĐ. Thông qua đó đã phát huy được quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ trong việc tham gia kiểm tra, giám sát, xây dựng cơ quan, doanh nghiệp ngày càng phát triển; góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở.

Hoạt động Công đoàn Thủ đô một năm nhìn lại
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội (đứng thứ tư từ trái sang) và Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trần Thanh Hải (đứng thứ ba từ trái sang) chứng kiến Lễ Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ thành phố Hà Nội và Ban Thường vụ các Quận, Huyện, Thị ủy, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2022 -2025. Ảnh: Mai Quý

Vào dịp “Tháng Công nhân” LĐLĐ Thành phố phối hợp với UBND Thành phố tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND Thành phố với công nhân lao động. Tại Hội nghị đã có 530 ý kiến kiến nghị bằng văn bản và 22 ý kiến, kiến nghị trực tiếp của NLĐ tập trung vào việc giải quyết những nhu cầu thiết thân của NLĐ. Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo lãnh đạo 8 sở, ngành, địa phương giải đáp kiến nghị của công nhân lao động. Nội dung giải đáp đều thỏa đáng, nhận được sự đồng thuận cao của NLĐ...

Trong năm, các cấp Công đoàn tích cực phối hợp với các ngành chức năng để tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động, chế độ chính sách có liên quan đến NLĐ và chính sách đối với lao động nữ tại doanh nghiệp… Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, giải quyết vướng mắc, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Một trong những hoạt động thể hiện rõ nét vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ chính là việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp với nhiều điều khoản cao hơn so với quy định của pháp luật, nâng cao hơn quyền lợi của NLĐ, như: Tiền lương tối thiểu cao hơn 5-7% so với mức lương tối thiểu của Chính phủ quy định, tiền lương thử việc ít nhất bằng 90% mức lương theo hợp đồng lao động; thời gian làm việc 7 giờ/ngày hoặc được nghỉ từ 1-2 ngày thứ 7 trong tháng; NLĐ được hỗ trợ 1 bữa ăn ca trị giá từ 20.000-30.000 đồng...

Tính đến nay, trên địa bàn Thành phố đã có 3.380/5.148 doanh nghiệp ký Thỏa ước lao động tập thể. Sau khi ký kết, Công đoàn phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động để thực hiện Thỏa ước lao động tập thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Song song với các hoạt động trên, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, thiếu, mất việc làm… thông qua việc tổ chức các hoạt động như: Thăm, tặng quà, hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022 với số tiền trên 200 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây, sửa “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 2 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 884 đoàn viên tại 56 Công đoàn cơ sở vay vốn với số tiền 12,85 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình...

Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng đẩy mạnh ký kết chương trình “Phúc lợi đoàn viên” với các doanh nghiệp để đoàn viên, NLĐ được giảm giá từ 10% - 50% và hưởng nhiều ưu đãi khi sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp…

Để chăm lo tốt hơn đời sống tinh thần cho đoàn viên, NLĐ, các cấp Công đoàn đã tổ chức tốt nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nổi bật là các hoạt động như: Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Cúp Báo Lao động Thủ đô; Hội khỏe trong CNVCLĐ Thủ đô; Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát; duy trì hoạt động của các Cụm Văn hóa thể thao, “Tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân”, điểm “Sinh hoạt văn hóa công nhân”…

Đối với đoàn viên, CNVCLĐ là nữ, các cấp Công đoàn đặc biệt quan tâm, chăm lo thông qua việc tổ chức khám sức khỏe, tư vấn, truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, phát thuốc miễn phí; thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho lao động nữ; giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ; tổ chức các hoạt động, phong trào thi đua dành riêng cho nữ giới như: Mít tinh, nói chuyện chuyên đề nhân các ngày của nữ giới (20/10, 8/3), phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”…

Tạo động lực để người lao động cống hiến

Trong năm, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CNVCLĐ, tập trung vào các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, phấn đấu trở thành “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”… Qua đó, tạo động lực để CNVCLĐ hăng hái thi đua, lập nhiều thành tích, có nhiều sáng kiến, sáng tạo, kinh nghiệm nhằm cải tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất.

Thực tế cho thấy, nhiều NLĐ đã có sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng mỗi năm mà còn có ý nghĩa tích cực về mặt xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trên địa bàn Thủ đô.

Hoạt động Công đoàn Thủ đô: Những dấu ấn một năm nhìn lại
Đồng chí Phạm Quang Thanh (thứ 2 từ trái sang) - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội thăm, động viên công nhân lao động Công ty cổ phần Công trình Giao thông Hà Nội đang làm việc tại công trình sửa chữa đường Yên Phụ. Ảnh: Mai Quý

Cùng với việc phát động các phong trào thi đua, các cấp Công đoàn đã kịp thời động viên, khen thưởng NLĐ có thành tích xuất sắc. Năm 2022, đã có 93.973 sáng kiến được công nhận ở cấp cơ sở, 1.704 sáng kiến được công nhận ở cấp trên cơ sở, LĐLĐ Thành phố đã xét chọn và công nhận 100 “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” năm 2022 và quyết định tặng Bằng khen cho 50 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Lao động sáng tạo”; toàn Thành phố cũng đã có trên 56.500 công nhân lao động được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, 1.655 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở, LĐLĐ Thành phố đã tặng Bằng Công nhận cho 100 công nhân đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”.

Hưởng ứng Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực, vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” (Chương trình “1 triệu sáng kiến”) do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, các cấp Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô đã đăng ký phấn đấu đóng góp ít nhất 130.000 sáng kiến trong công tác phòng chống dịch, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn. Kết thúc giai đoạn 1 của Chương trình “1 triệu sáng kiến”, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số lượng người đăng ký tham gia, tỷ lệ sáng kiến tham gia chương trình đạt 108% chỉ tiêu đăng ký, vượt 200% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.

Tiếp tục đổi mới, phát triển tổ chức Công đoàn

Bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” (Nghị quyết số 02), LĐLĐ Thành phố đã xây dựng 10 hoạt động trọng tâm, 10 nhiệm vụ trọng điểm của tổ chức Công đoàn Thủ đô, triển khai thực hiện tới các cấp Công đoàn đảm bảo chất lượng, tiến độ, thời gian và đạt được những kết quả tích cực, có sức lan tỏa cao trong toàn hệ thống.

LĐLĐ Thành phố chỉ đạo các cấp Công đoàn tiếp tục thực hiện 2 Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn cơ sở (CĐCS) doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước” và về “Công tác cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới”; 4 đề án thí điểm, gồm: “Hỗ trợ, khuyến khích phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có từ 25 đoàn viên trở lên”; “Nâng cao hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp”; “Xây dựng, phát hành Bản tin sinh hoạt CĐCS”; “Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ Chủ tịch CĐCS khu vực ngoài Nhà nước thành phố Hà Nội”.

Đảng đoàn, Thường trực LĐLĐ Thành phố đã ký Quy chế phối hợp công tác với 30 Quận, Huyện, Thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy; phát triển Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn Hà Nội thành Trung tâm Tư vấn pháp luật và Hỗ trợ NLĐ Công đoàn Hà Nội; hợp nhất Nhà nghỉ Công đoàn Chùa Hương và Nhà nghỉ Công đoàn Suối Hai thành Nhà nghỉ Công đoàn Hà Nội; chỉ đạo triển khai đề án thí điểm thành lập Văn phòng đại diện Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, đề án thí điểm thành lập Văn phòng hỗ trợ hoạt động Công đoàn và công nhân lao động huyện Thường Tín.

LĐLĐ thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 03/NQ-TLĐ của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (khóa X) về “Tăng cường hoạt động đối ngoại đẩy mạnh hợp tác quốc tế của Công đoàn Việt Nam”. LĐLĐ Thành phố đã tổ chức hội đàm, ký biên bản ghi nhớ quan hệ hợp tác hữu nghị, giai đoạn 2022-2027 với Liên hiệp Công đoàn Thủ đô Viêng Chăn (Lào) và Liên hiệp Công đoàn thành phố Seoul (Hàn Quốc). LĐLĐ Thành phố cũng đã phối hợp Trường Đại học Công đoàn tổ chức Lớp Đào tạo Lý luận Nghiệp vụ công tác Công đoàn cho 25 cán bộ Công đoàn Thủ đô Viêng Chăn, tỉnh Viêng Chăn và tỉnh Luông Pha Băng (Lào); mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Công đoàn Thủ đô các nước, các tổ chức quốc tế và LĐLĐ các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương nhằm trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của cán bộ Công đoàn Thủ đô trong tình hình mới.

7 nhiệm vụ trọng tâm hoạt động Công đoàn Thủ đô năm 2023

Bước sang năm 2023 - năm tổ chức Đại hội Công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2023-2028; năm thứ ba triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị, bám sát chủ đề công tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam là “Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS” và chủ đề công tác của thành phố Hà Nội là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, LĐLĐ thành phố Hà Nội định hướng 7 nhiệm vụ trọng tâm hoạt động của tổ chức Công đoàn Thủ đô năm 2023. Cụ thể:

Thứ nhất: Tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028. Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thực hiện quy tắc ứng xử trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, CNVCLĐ; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, chuyên nghiệp.

Thứ ba: Tham gia xây dựng, triển khai, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích của NLĐ; đặc biệt là các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, về khôi phục và phát triển sản xuất, kết nối thông tin cung cầu lao động, giúp NLĐ có việc làm và ổn định thu nhập. Phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát, tham gia xây dựng chính sách pháp luật có liên quan đến đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn. Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức Công đoàn; hướng các hoạt động về cơ sở và NLĐ.

Thứ tư: Tập trung củng cố, xây dựng CĐCS vững mạnh; đa dạng hóa phương thức vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; tập trung ở doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn, tăng tỷ lệ đoàn viên ở những nơi đã thành lập Công đoàn, nhất là các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp và chế xuất, Cụm công nghiệp và doanh nghiệp có đông công nhân.

Hoạt động Công đoàn Thủ đô một năm nhìn lại
Thông qua việc thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể, quyền lợi của NLĐ được đảm bảo tốt hơn. Ảnh: Mai Quý

Thứ năm: Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ chủ chốt CĐCS; ưu tiên đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng cho đội ngũ Chủ tịch CĐCS nơi có đông đoàn viên, NLĐ, chú trọng tập huấn về kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, kỹ năng đối thoại, thương lượng, đàm phán.

Thứ sáu: Chỉ đạo CĐCS phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Công nhân giỏi”, “Sáng kiến trong CNVCLĐ Thủ đô” góp phần tăng năng suất lao động, hiệu quả công việc.

Thứ bảy: Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài chính Công đoàn nhằm phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

LĐLĐ thành phố Hà Nội đề nghị các Ban LĐLĐ Thành phố; LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở căn cứ nội dung trên và điều kiện tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị để cụ thể hóa nội dung, hướng dẫn các CĐCS trực thuộc triển khai, tổ chức thực hiện, đảm bảo thiết thực và hiệu quả./.

Mai Quý
Lượt xem: 4
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết