• :
  • :

Hơn 300.390 người lao động ở Bình Dương bị chậm đóng bảo hiểm xã hội

Tại Bình Dương, tổng số tiền các doanh nghiệp, đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trên toàn tỉnh là 1.016 tỉ đồng, trong đó có doanh nghiệp chậm đóng lên tới 16 tỉ đồng. Việc doanh nghiệp chậm đóng tiền BHXH đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động.

Hơn 300.390 người lao động ở Bình Dương bị chậm đóng bảo hiểm xã hội

Nữ công nhân bị nợ BHXH cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đình Trọng

Hiện nay, Cơ quan BHXH đang phối hợp với các cơ quan để thu nợ BHXH.

Nhiều công ty chậm đóng hàng tỉ đồng tiền BHXH

Trong năm 2023 và đầu năm 2024, tình hình các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị và cơ quan BHXH, tình hình chậm đóng thấp hơn so với chỉ tiêu của BHXH Việt Nam giao. Tuy nhiên, một số đơn vị vẫn còn chậm đóng BHXH cho người lao động, thậm chí có những doanh nghiệp nợ đọng kéo dài gây ít nhiều khó khăn cho cơ quan BHXH trong công tác thu hồi nợ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Hiểu - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến hết quý I/2024, tổng số tiền BHXH chậm đóng toàn tỉnh là 1.016 tỉ đồng, tương ứng 9.543 đơn vị và 300.397 lao động bị chậm đóng BHXH.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp chậm đóng BHXH kéo dài với số tiền lớn. Đơn cử như Công ty CP Xây dựng Công trình và khai thác đá 621 (phường Đông Hòa, thành phố Dĩ An, Bình Dương) chậm đóng tới 16 tỉ đồng; Công ty TNHH May mặc & Giặt tẩy Bến Nghé (phường Thuận Giao, thành phố Thuận An) chậm đóng 9,7 tỉ đồng; Công ty TNHH Stanley Furniture Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 2, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một) chậm đóng số tiền lên tới 7,6 tỉ đồng.

Tăng cường phối hợp với công an thu tiền chậm đóng BHXH

Để thu tiền chậm đóng BHXH, ông Nguyễn Duy Hiểu cho biết, đơn vị đã và đang thực hiện nhiều biện pháp, như tuyên truyền, nhắc nhở nâng cao ý thức chấp hành của chủ doanh nghiệp. Định kỳ hàng tháng, Cơ quan BHXH sẽ phát hành thông báo đôn đốc tiền chậm đóng.

“Ngày 25 hàng tháng, chúng tôi sẽ gửi email đôn đốc nhắc đơn vị trích nộp phát sinh kịp thời trong tháng. Đối với các đơn vị sử dụng nhiều lao động, có số thu lớn, Cơ quan BHXH có kế hoạch tăng cường quản lý, tập trung đôn đốc, làm việc nhắc nhở để thu hồi nợ cũ, chặn nợ mới” - ông Nguyễn Duy Hiểu cho biết.

Đối với đơn vị chậm đóng từ 3 tháng, sẽ áp dụng biện pháp xử lý trách nhiệm của người sử dụng lao động chi trả chi phí khám chữa bệnh cho người lao động (Điểm 3.a, Khoản 28, Điều 1, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014), khi đó thẻ BHYT không có hiệu lực đi khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, hàng tháng cơ quan BHXH sẽ gửi danh sách các doanh nghiệp chậm đóng từ 3 tháng trở lên cho ngành thuế, công an và công đoàn để đề nghị hỗ trợ phối hợp theo dõi đôn đốc đơn vị chậm đóng BHXH

Ngoài ra, BHXH tỉnh và Công an tỉnh Bình Dương đã ký Quy chế phối hợp về việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Cơ quan BHXH tỉnh đã phối hợp với ngành Công an làm việc trong công tác thu hồi tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với 22 đơn vị chậm đóng là 2,779 tỉ đồng (tổng lao động là 279 người), thu hồi được 352,1 triệu đồng.

Phòng Thanh tra Kiểm tra - BHXH tỉnh đã tăng cường thực hiện các cuộc thanh tra đột xuất đối với đơn vị chậm đóng BHXH và xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị chậm đóng kéo dài BHXH.

Người lao động chịu nhiều thiệt thòi

Theo ghi nhận, có trường hợp, doanh nghiệp đã kết thúc HĐLĐ với người lao động, nhưng vẫn chưa đóng và chốt sổ BHXH. Có người phải đi nhiều nơi để nhờ sự hỗ trợ yêu cầu doanh nghiệp chốt và trả sổ BHXH. Việc này khiến người lao động chịu nhiều thiệt thòi, có người ốm đau sinh đẻ, mất việc không được hưởng tiền BHXH, BHYT và BHTN. Hiện nay Trung tâm tư vấn Pháp luật Công đoàn Bình Dương đang hỗ trợ nhiều công nhân lao động kiện các doanh nghiệp ra tòa án để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm về BHXH.