• :
  • :

Lực lượng hạt nhân Nga tập trận sau khi được lệnh trực chiến

Tàu ngầm hạt nhân Nga, tên lửa Nga tham gia tập trận sau khi Tổng thống Vladimir Putin đặt lực lượng hạt nhân Nga vào chế độ trực chiến.

Các tàu ngầm hạt nhân Nga đã lên đường tham gia các cuộc tập trận ở Biển Barents và các bệ phóng tên lửa di động di chuyển trong các khu rừng ở Siberia sau khi Tổng thống Vladimir Putin đặt các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga vào chế độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất giữa căng thẳng với phương Tây về chiến sự ở Ukraina.

Tờ National đưa tin, Hạm đội phương Bắc của Nga cho biết trong một tuyên bố rằng một số tàu ngầm hạt nhân của họ đã tham gia vào các cuộc tập trận được thiết kế để "huấn luyện khả năng cơ động trong điều kiện mưa bão". Các tàu chiến có nhiệm vụ bảo vệ Bán đảo Kola ở vùng tây bắc của Nga - nơi đặt một số căn cứ hải quân - sẽ tham gia tập trận.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, tại khu vực Irkutsk ở phía đông Siberia, các đơn vị thuộc Lực lượng Tên lửa Chiến lược đã phân tán các bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars trong các khu rừng để diễn tập triển khai bí mật.

Quân đội Nga không cho biết liệu các cuộc tập trận có liên quan đến lệnh của Tổng thống Putin hôm 27.2 đặt các lực lượng hạt nhân Nga vào chế độ trực chiến hay không. Cũng không rõ liệu các cuộc tập trận có phải là sự thay đổi trong các hoạt động huấn luyện hạt nhân bình thường của Nga hay không.

Sắc lệnh của ông Putin được áp dụng cho tất cả các thành phần của bộ ba hạt nhân của Nga, giống như của Mỹ, bao gồm tàu ​​ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang hạt nhân trên đất liền và máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang hạt nhân.

Cho đến nay, Mỹ và Nga có hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Mỹ cho rằng động thái của ông Putin đã làm leo thang cuộc xung đột vốn đã nguy hiểm một cách không cần thiết, nhưng cho đến nay vẫn không tuyên bố thay đổi mức cảnh báo vũ khí hạt nhân, có lẽ một phần là do không rõ mệnh lệnh của Tổng thống Nga có ý nghĩa gì về mặt thực tế.

Nga và Mỹ có các phân khu trên bộ và trên tàu ngầm của lực lượng hạt nhân chiến lược luôn trong tình trạng trực chiến và sẵn sàng chiến đấu mọi lúc, nhưng các máy bay ném bom hạt nhân và các máy bay khác không được trực chiến liên tục.

Khi một bên nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hạt nhân của máy bay ném bom hoặc điều thêm tàu ​​ngầm mang tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ra biển sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo cho bên kia.

So với Mỹ, Nga phụ thuộc nhiều hơn vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang đầu đạn hạt nhân, được đặt trong hầm chứa hoặc gắn trên bệ phóng di động.

Sự thay đổi về trạng thái trực chiến của họ có thể khó phát hiện và khó đánh giá hơn.

Tổng thống Joe Biden bác bỏ lo ngại rằng, căng thẳng giữa Nga và Mỹ về cuộc khủng hoảng Ukraina sẽ leo thang thành chiến tranh hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh người Mỹ không có bất kỳ lý do gì để lo ngại về những rủi ro của một cuộc xung đột như vậy.

Trước đó, ngày 27.2, Tổng thống Nga Vladimir Putin khi công bố quyết định của mình, đã trích dẫn "những tuyên bố gây hấn" từ các cường quốc NATO và các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây với Nga.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 1.3 tuyên bố EU sẽ phát động "cuộc chiến" kinh tế và tài chính toàn diện chống lại Nga. Đáp lại tuyên bố này, ông Dmitry Medvedev nói: “Hôm nay, một số bộ trưởng Pháp đã nói rằng họ đã tuyên chiến kinh tế với Nga. Hãy coi chừng! Và đừng quên rằng trong lịch sử loài người, các cuộc chiến tranh kinh tế thường trở thành những cuộc chiến có thật”.

Lượt xem: 260
Tác giả: Khánh Minh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...