Metro số 2 TPHCM: 15 năm vẫn chưa hẹn ngày khởi công
TPHCM - Sau 15 năm phê duyệt, Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) vốn gần 47.900 tỉ đồng vẫn chưa hẹn ngày khởi công sau khi chuyển từ vốn ODA sang ngân sách.
Giải phóng mặt bằng đường Trường Chinh (quận Tân Bình) làm Metro số 2. Ảnh: Anh Tú
Còn vướng một mặt bằng
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR), công tác giải phóng mặt bằng của dự án Metro số 2 đạt 99,83%, với 584/585 trường hợp đã bàn giao.
Còn một trường hợp đất công là trụ sở Công an Quận 3 vẫn vướng thủ tục pháp lý bàn giao giữa Bộ Công an và Công an TPHCM. Dự kiến, việc bàn giao sẽ hoàn tất trong quý I/2025.
MAUR đã kiến nghị UBND Quận 3 và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận tiếp tục hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục thu hồi đất, bồi thường và bàn giao mặt bằng để đảm bảo tiến độ dự án.
Di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến Metro số 2 (TPHCM). Ảnh: Anh Tú
Công tác di dời hạ tầng kỹ thuật tại 12/12 vị trí nhà ga và đoạn đào hở đã triển khai đồng loạt, bao gồm hệ thống điện, viễn thông, cấp - thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và các hạng mục giao thông.
Tuy nhiên, MAUR cho biết, tiến độ ngoài công trường vẫn chậm hơn kế hoạch do nhiều yếu tố: Thi công trong đô thị chật hẹp, vướng nhiều công trình ngầm ngoài thiết kế; một số hộ dân có công trình nằm trong phạm vi dự án chưa được giải quyết dứt điểm; huy động nhân lực, thiết bị từ các nhà thầu chưa đáp ứng yêu cầu dù đã cam kết.
MAUR cho hay, sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành công tác di dời hạ tầng vào quý III/2025.
Các gói thầu lớn tạm dừng vì thay đổi nguồn vốn
Về công tác đấu thầu, MAUR đã ký hợp đồng với tư vấn hỗ trợ quản lý dự án (PMSC) để triển khai lựa chọn nhà thầu cho gói tư vấn kiểm soát dự án và giám sát thi công (gói CS2B). Hồ sơ mời thầu đã được phát hành và gia hạn đến ngày 30.8.2024.
Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ các gói thầu chính của dự án đã phải tạm dừng do thay đổi nguồn vốn. Trước đây, dự án được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Việc thu xếp vốn vay ODA cho dự án thay đổi so với kế hoạch ban đầu do các nhà tài trợ điều chỉnh điều kiện và quy trình cấp vốn. Sau buổi làm việc với UBND TPHCM, các nhà tài trợ (ADB, KfW, EIB) thống nhất không tiếp tục tài trợ cho gói thầu CS2B và toàn bộ dự án Metro số 2.
Cuối năm 2024, TPHCM thống nhất chủ trương sử dụng ngân sách thành phố để triển khai các phần việc tiếp theo của dự án Metro số 2, thay vì dùng vốn ODA.
UBND TPHCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc dừng sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho dự án Metro số 2.
MAUR cho biết, sẽ hủy thầu gói thầu CS2B theo quy định sau khi có quyết định chính thức về phương án tài chính.
Công nhân di dời, đấu nối hệ thống điện để làm tuyến Metro số 2. Ảnh: Anh Tú
Metro số 2 được phê duyệt năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu 26.000 tỉ đồng. Đến năm 2019, vốn dự án được điều chỉnh tăng lên gần 47.900 tỉ đồng.
Toàn tuyến dài hơn 11 km, trong đó 9,2 km đi ngầm, còn lại trên cao và đường dẫn vào depot Tham Lương (Quận 12). Dự án có 9 ga ngầm, 1 ga trên cao.
Theo kế hoạch trước đây, Metro số 2 dự kiến khai thác vào năm 2026. Tuy nhiên, do hàng loạt vướng mắc, vào tháng 10.2023, UBND TPHCM đã điều chỉnh thời gian hoàn thành đến năm 2030.
Với tình trạng hiện tại, thời điểm chính xác khởi công gói thầu chính vẫn chưa được xác định.