Mỹ chỉ giữ lại 294 trong số hơn 10.000 nhân viên USAID trên toàn cầu
Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự định giảm số lượng nhân viên tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) xuống còn dưới 300 người trong tổng số hơn 10.000 nhân viên trên toàn thế giới.
Cụ thể, chỉ 294 nhân viên USAID sẽ tiếp tục làm việc, trong đó có 12 người thuộc văn phòng châu Phi và 8 người tại văn phòng châu Á.
USAID cung cấp viện trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế và đảm bảo an ninh lương thực tại hơn 100 quốc gia. Ảnh: US Embassy New Zealand
"Thật khó tin!", cựu lãnh đạo USAID J. Brian Atwood bày tỏ sự bất bình. Ông cho rằng việc cắt giảm nhân sự quy mô lớn này chẳng khác nào khai tử một cơ quan đã và đang giúp hàng chục triệu người trên thế giới. "Rất nhiều người sẽ không thể sống sót nếu USAID bị thu hẹp quy mô hoạt động như vậy", ông Atwood nhấn mạnh.
USAID là một trong những tổ chức viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới, với hơn 10.000 nhân sự, trong đó khoảng hai phần ba làm việc bên ngoài nước Mỹ, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS). Cơ quan này điều phối ngân sách gần 43 tỷ USD mỗi năm, chuyên cung cấp viện trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, hỗ trợ y tế và đảm bảo an ninh lương thực tại hơn 100 quốc gia.
Theo các nguồn tin, một số nhân viên USAID đã bắt đầu nhận thông báo chấm dứt hợp đồng. Website chính thức của USAID cho biết, từ nửa đêm ngày 7/2, "tất cả nhân sự được tuyển dụng trực tiếp của USAID trên toàn cầu sẽ bị tạm đình chỉ công tác, ngoại trừ những người đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng, lãnh đạo chủ chốt và các chương trình đặc biệt".
Chính quyền Tổng thống Trump đã đưa USAID vào tầm ngắm khi triển khai kế hoạch tái cơ cấu chính phủ. Một trong những nhân vật chủ chốt trong chiến dịch này là tỷ phú Elon Musk, người đang lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE).
Trong một cuộc họp báo ngày 4/2, khi được hỏi về khả năng đóng cửa USAID, Tổng thống Trump đáp: "Có vẻ là vậy", đồng thời khen ngợi Elon Musk đã đánh giá kỹ lưỡng hoạt động của tổ chức này.
Hiện tại, USAID đang được giám sát trực tiếp bởi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio. Tân giám đốc USAID Pete Marocco ngày 4/2 thông báo kế hoạch đóng cửa các văn phòng nước ngoài và triệu hồi toàn bộ nhân viên về nước trước cuối tuần.
Việc cắt giảm USAID đã làm dấy lên lo ngại từ các tổ chức quốc tế và giới chức ngoại giao. Nhiều nước nhận viện trợ lớn từ USAID như Ukraine, Ethiopia, Yemen, Somalia, Jordan và Afghanistan có thể đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nếu nguồn hỗ trợ bị thu hẹp đột ngột.
Các tổ chức nhân đạo như Oxfam và Chữ Thập Đỏ cũng lên tiếng phản đối quyết định này, cho rằng nó có thể làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng y tế, lương thực và thiên tai toàn cầu.
Cao Phong (theo Reuters, BI, CNN)