Mỹ phát hiện mỏ lithium trị giá 1.500 tỷ USD trên miệng núi lửa
Miệng núi lửa McDermitt Caldera ở Oregon đang trở thành tâm điểm chú ý khi được đánh giá là một trong những mỏ lithium lớn nhất tại Mỹ, ước tính trị giá khoảng 1500 tỷ USD.
Các trầm tích núi lửa cổ đại ở đây có thể chứa từ 20 đến 40 triệu tấn lithium, mở ra tiềm năng lớn cho ngành sản xuất pin trong nước.
Nhà địa chất Sammy Castonguay chia sẻ: "Khu vực này đã tồn tại 16 triệu năm, và chúng tôi sẽ phải đưa ra quyết định trong vài năm tới".
Ảnh minh họa lithium. (Ảnh: pexel)
HiTech Minerals Inc. đề xuất xây dựng thêm đường sá và hàng trăm giếng để thử nghiệm lithium tại Malheur, một trong những khu vực nghèo nhất Oregon. Nhiều người hy vọng dự án sẽ tạo ra công ăn việc làm, nhưng cũng có lo ngại về tác động đến linh dương sừng nhánh, gà gô xô thơm và các loài quý hiếm.
Sierra Club Oregon ủng hộ năng lượng sạch nhưng khẳng định khai thác phải bảo vệ môi trường sống mong manh. Cục Quản lý Đất đai (BLM) từng mở đợt bình luận công khai ngắn ngủi, gây tranh cãi vì thiếu thời gian đánh giá tác động dài hạn.
Nhu cầu về lithium đã tăng mạnh nhờ vào sự phát triển của các phương tiện giao thông sạch và lưu trữ năng lượng tái tạo. Với trọng lượng nhẹ và tính chất điện hóa ưu việt, lithium trở thành thành phần chủ chốt trong sản xuất pin hiện đại.
Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cảnh báo rằng việc khai thác quy mô lớn có thể gây ra những tác động sinh thái nghiêm trọng, bao gồm ô nhiễm bụi, khí thải và rò rỉ các sản phẩm phụ.
McDermitt Caldera hình thành từ những đợt phun trào núi lửa cổ đại, để lại lớp đất sét giàu khoáng chất. Các nghiên cứu cho thấy hàm lượng lithium tại đây đặc biệt cao, hứa hẹn nguồn cung lớn cho thị trường.
Khai thác lithium từ đất sét đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn so với nước muối như ở Nam Mỹ, bao gồm xử lý hóa chất và ngâm axit, đặt ra thách thức về xử lý chất thải.