• :
  • :

Người đứng đầu trở thành trung tâm đoàn kết của tỉnh mới là chất kết dính để thành công

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng cam kết sẽ là trung tâm đoàn kết, gắn kết công việc giữa các cơ quan, nhằm xây dựng tỉnh Gia Lai mới vững mạnh nhất.

Người đứng đầu trở thành trung tâm đoàn kết của tỉnh mới là chất kết dính để thành công

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng hứa sẽ là trung tâm đoàn kết của tỉnh mới. Ảnh: Hoài Phương

“Bình Định – Gia Lai đã chính thức về chung một nhà, từ nay phải nghĩ lớn, làm lớn và làm vì sự phát triển chung” – phát biểu của ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai tại kỳ họp HĐND đầu tiên của tỉnh mới gây ấn tượng bởi sự thẳng thắn.

Đồng thời, ông Dũng còn lan tỏa một tín hiệu tích cực và hy vọng khi nói với tư cách người đứng đầu tỉnh Gia Lai mới, ông cam kết sẽ là trung tâm đoàn kết, gắn kết công việc giữa các cơ quan, nhằm xây dựng tỉnh vững mạnh nhất.

Gia Lai mới chỉ là một trong số 34 tỉnh, thành trên cả nước đồng loạt chuyển sang vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1.7.2025 – dấu mốc quan trọng có tính lịch sử trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhằm hướng đến bộ máy gần dân, phục vụ dân hiệu quả hơn.

Dù mỗi địa phương có đặc thù khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung khi sáp nhập, đó là phép thử về năng lực tổ chức, nghệ thuật lãnh đạo và sức mạnh đoàn kết của người đứng đầu.

Thực tế cho thấy, sự hợp nhất giữa các tỉnh, thành vốn có hệ thống chính trị, quy hoạch, cơ cấu cán bộ và định hướng phát triển riêng lẻ trong hàng chục năm, tất yếu dẫn đến những khác biệt, thậm chí va chạm về tầm nhìn, ưu tiên nguồn lực, cách thức vận hành.

Trong bối cảnh ấy, người đứng đầu không chỉ là người tổ chức bộ máy, mà còn phải là chất keo kết dính, là trung tâm đoàn kết, để đảm bảo rằng chuyển động lớn không bị chia cắt bởi tư duy cục bộ, quân anh quân tôi hay thậm chí là từ những “di sản” hành chính cũ còn sót lại.

Đây cũng là điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm, trong bài viết "Sức mạnh của đoàn kết" đã cảnh báo: "thiếu đoàn kết, đồng thuận sẽ làm chệch hướng hoặc kìm hãm hiệu quả vận hành bộ máy".

Vì thế, khi ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai hứa sẽ là trung tâm đoàn kết, không để xã phường trở thành “thế giới riêng” sau khi bỏ cấp huyện, thì đó là sự chủ động ngăn chặn sớm nguy cơ phân mảnh điều hành.

Lời hứa gắn kết như vậy, không chỉ với riêng Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai mà cần có với tất cả người đứng đầu, lãnh đạo của các địa phương khác sau sáp nhập để khơi dậy sự đồng thuận.

Dĩ nhiên người dân cũng rất mong chờ những người đứng đầu các địa phương nói đi đôi với làm, các lời hứa, sự cam kết về “trung tâm đoàn kết” phải được hiện diện rõ ràng, cụ thể trong thực tế cuộc sống.

Bây giờ, như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Đội ngũ đã chỉnh tề, hàng lối đã ngay ngắn”. Nhưng nếu người đứng đầu không tạo được điểm tựa tinh thần, không quy tụ được đội ngũ, không định hình được tầm nhìn chung… thì nguy cơ rạn vỡ, trì trệ là rất lớn.

Chính sự cam kết đồng hành, đoàn kết từ người đứng đầu là nền tảng để người dân có thể đặt niềm tin vào mô hình chính quyền mới vận hành suôn sẻ, hiệu quả.

Cải cách hành chính là một hành trình dài. Và để hành trình ấy không lạc hướng, rất cần người đứng đầu là người giữ vững nguyên tắc, kết nối khác biệt và truyền cảm hứng hành động.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...