Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - Dương Đức Tuấn cho hay, hiện một số quận ở Hà Nội đã đề xuất các tuyến phố có đủ điều kiện hạ tầng để thí điểm cho thuê vỉa hè.
Riêng quận Hoàn Kiếm đề xuất thí điểm giai đoạn 1 cho thuê kinh doanh ở 10 tuyến phố với 36 vị trí. Thời gian cho thuê trong khung giờ hoạt động của không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ngoài ra, còn có 21 vị trí trên 5 tuyến phố ngoài không gian đi bộ. Diện tích dự kiến cho thuê để sử dụng tạm thời tính từ mặt nhà ra 2m và chỉ cho chủ nhà mặt phố tại vị trí trên thuê để kinh doanh mặt hàng đang kinh doanh. Thời gian cho thuê là tất cả ngày trong tuần.
Theo khảo sát ý kiến người dân Thủ đô về việc cho thuê vỉa hè, nhiều người đồng tình ủng hộ, nhưng cũng cho rằng, nếu đồng loạt cho thuê vỉa hè thì người đi bộ sẽ di chuyển như thế nào. Bởi hiện nay, không phải con đường nào ở Hà Nội cũng đủ tiêu chuẩn về diện tích để cho thuê vỉa hè. Bà Nguyễn Thị Khiên (trú tại Hà Nội) băn khoăn, không gian đi bộ trên nhiều tuyến phố vô cùng chật hẹp, người dân di chuyển khó khăn. Chưa kể trong giờ cao điểm, phương tiện tránh ùn tắc bất chấp lao lên vỉa hè. Việc cho thuê cần tính toán kỹ lưỡng để phù hợp và tạo không gian cho người đi bộ.
Được biết, đầu năm 2021, thành phố Hà Nội chấp thuận đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm được cấp phép sử dụng tạm thời hè phố cho 4 đơn vị để kinh doanh, giới thiệu, quảng bá sản phẩm (các mặt hàng chủ yếu là cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh...) tại 94 Lý Thường Kiệt, 30A Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu, 15 Ngô Quyền. Vị trí sử dụng là hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng 1. Thời gian cấp phép sử dụng tạm thời hè phố là 6 tháng/lần với giá 45.000 đồng/m2/tháng.
Theo ghi nhận của Lao Động, cả 4 vị trí đang được cho thuê đều nằm tại các khu phố trung tâm, đắc địa tại Thủ đô. Ở số 94 Lý Thường Kiệt, hiện đang được cho thuê để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh. Thời gian được kinh doanh từ 6h sáng đến 2h sáng. Dù phần vỉa hè khá rộng rãi, tuy nhiên ngoài phần diện tích kê bàn ghế, một phần diện tích của vỉa hè khu vực này được sử dụng làm điểm đỗ phương tiện, khiến diện tích dành cho người đi bộ bị thu hẹp đáng kể.
Cũng nằm trên phố Lý Thường Kiệt, đoạn vỉa hè nằm sát tòa nhà số 30A Lý Thường Kiệt được quận Hoàn Kiếm cho thuê làm điểm bán cà phê.
Phần vỉa hè còn lại thông thoáng, không ảnh hưởng đến người đi bộ.
Đá lát vỉa hè tại khu vực này cũng được lát lại theo kiến trúc đồng bộ của tòa nhà số 30A.
Còn tại khu vực vỉa hè số 15 Ngô Quyền, đây là vị trí nằm sát khách sạn Metropole, phục vụ chủ yếu các khách hàng bên trong khách sạn.
Một đoạn vỉa hè được cho thuê sử dụng tạm thời để kinh doanh nằm sát tường khách sạn ở số 11 Lê Phụng Hiểu.
Liên quan đến việc thành phố đang xem xét cho thuê vỉa hè, trao đổi với Lao Động, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, Luật Giao thông đường bộ đã quy định vỉa hè, lòng đường chỉ sử dụng cho mục đích giao thông. Nếu đặt vấn đề thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường và hè phố vô hình trung sẽ khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh ở đây, tức hợp thức hóa việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường.