• :
  • :

Quy hoạch sông Hồng thuận thiên và thuận nhân

Sông Hồng là dòng sông Mẹ, đắp bồi, tạo dựng Thăng Long - Hà Nội văn hiến ngàn đời và cũng là nguồn lực phát triển Thủ đô trong kỷ nguyên mới. Một đồ án quy hoạch sông Hồng chất chứa “khát vọng rồng bay” đã được hình thành với tầm nhìn và tư duy mới - thuận thiên và thuận nhân. Từ những vấn đề đặt ra trong thực tế đến ý tưởng hình thành tương lai và hiện thực hóa quy hoạch là cả câu chuyện dài đi cùng năm tháng. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu tới bạn đọc Loạt bài “Quy hoạch sông Hồng: Thuận thiên và thuận nhân” như một “lát cắt mỏng” trong tiến trình ấy.

HUYỀN TÍCH DÒNG SÔNG MẸ

Hà Nội - thành phố gắn liền với những dòng sông, trong đó sông Hồng là sông Mẹ, nơi khởi nguồn của mọi con sông nội đô. Với người Hà Nội, sông Hồng không chỉ mang đến sự  thịnh vượng, mà còn bồi đắp nên bề dày lịch sử văn hóa đặc sắc qua dòng chảy thời gian. Từ huyền tích cổ xưa đến câu chuyện của người Hà Nội hôm nay là những dặm dài lịch sử, đủ để cảm nhận vai trò, giá trị đặc biệt của sông Hồng với đời sống của cư dân Thăng Long - Hà Nội. 

Dòng sông của khát vọng thịnh vượng

Bảo tàng Hà Nội đang trong những ngày gấp rút thi công dự án trưng bày, sớm ra mắt công chúng câu chuyện lịch sử từ Kinh đô Thăng Long tới Thủ đô Hà Nội. Với 7 chủ đề tầm vóc, 25 chủ đề nhánh, đi cùng 70.000 tư liệu, hiện vật tái hiện hành trình canh nông - trị thủy, mở mang thành lũy, phát triển giao thương, bồi đắp văn hóa, tín ngưỡng…, câu chuyện hình thành, phát triển Thăng Long - Hà Nội luôn lấp lánh sự hiện diện của những dòng sông góp phần định danh cho thành phố. Ở đó, sông Hồng giữ vị trí đặc biệt và đây cũng là cơ duyên đưa chân nhóm phóng viên Hànộimới tới Bảo tàng, trong những ngày câu chuyện về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng - “đánh thức” dòng sông cội nguồn thành phố - thu hút sự quan tâm đặc biệt của không chỉ cư dân Hà Nội.  

Dẫn chúng tôi thăm kho bảo quản mênh mông dưới hầm tòa nhà, nơi lưu trữ hàng chục nghìn hiện vật đa dạng chất liệu, kích cỡ, giá trị, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà mở đầu câu chuyện với cặp hiện vật bằng gỗ nguyên khối, xù xì, to bản, có hình thù kỳ lạ ở góc phòng: Đây là đôi mỏ neo cổ trục vớt từ sông Hồng, được một người con Hà Nội tặng lại bảo tàng, với tâm nguyện thêm một “mảnh ghép” làm giàu mạch chuyện về vùng đất ngàn năm văn hiến. Hiện vật này minh chứng cho Kẻ chợ - Thăng Long từng là một thương cảng lớn bên sông Hồng, nơi hội tụ hoạt động giao thương quốc tế, giao lưu văn hóa của cư dân tứ xứ… 

Đôi mỏ neo này sẽ hiện diện trong trưng bày chủ đề “Kinh đô Thăng Long thời Đại Việt”, như một điểm nhấn sống động cho những câu chuyện về kinh thành bên sông. Từ kích thước đồ sộ của chiếc mỏ neo, người ta có thể hình dung được tầm vóc của những con thuyền đi lại tấp nập trên dòng sông Mẹ, khớp với mô tả trong tranh vẽ “Thăng Long - Kẻ Chợ những năm 1684-1685” của Nhà truyền giáo người Hà Lan Samuel Baron; hay nhận xét của giáo sĩ Richard, tác giả cuốn “Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị xứ Đàng Ngoài” (Histoire naturelle civile et politique du Tonquin), về hoạt động tại Thương cảng sông Hồng thế kỷ XVIII: “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông. Những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta, ngay thành phố Venice với tất cả những thuyền lớn, thuyền nhỏ, cũng không thể đem đến cho người ta một ý niệm về hoạt động buôn bán và dân số trên sông Kẻ Chợ”.

Những mạch ngầm quá khứ đưa chúng tôi đến với phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) - con phố đặc trưng nhất của một thành phố bên sông, chuyên bán vải làm buồm và những vật tư liên quan đến thuyền bè. Phố xưa nằm hướng mặt ra sông, để thuyền bè đậu cửa, tập kết hàng hóa rồi tỏa đi muôn nơi. 

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương (Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội) cho biết: “Hàng Buồm xưa trên bến dưới thuyền vì có vị trí thuận lợi nhất, nhì khu vực phía đông thành Thăng Long. Tiện việc bán mua, cư dân khắp nơi đổ về, trong đó phải kể đến cộng đồng người Hoa, với nhiều dấu tích về sinh hoạt tín ngưỡng còn lưu tại Hội quán Quảng Đông hay đền Quán đế. Hội quán xưa, nay đã trở thành không gian ký ức (Trung tâm giao lưu nghệ thuật Phố cổ), nơi lưu giữ những câu chuyện đời, chuyện phố xưa - nay, những chuyện của mưa Âu - gió Á, của dân Kẻ Chợ, của những Hoa kiều gắn với dòng sông”. 

Nhiều cứ liệu lịch sử cho thấy vai trò quan trọng của sông Hồng với đời sống cư dân đôi bờ, để nhân gian cô đọng thành kinh nghiệm sống “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Với Thăng Long - Hà Nội, Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn nơi hội tụ của những con sông để “thượng đô” năm 1010, dấu ấn Sông Hồng đã hiện hữu sống động trong đời sống Kinh kỳ.

Cách đó không xa là phố Chợ Gạo, nơi gặp gỡ của sông Hồng và sông Tô Lịch xưa kia và là điểm khởi đầu của tour du lịch “Hà Nội bộ hành - Dấu sông hồn phố” hôm nay. Theo Kiến trúc sư Nguyễn Vũ Hải, người dẫn đường của tour du lịch, từ điểm giao nhau này, những mạch nước và đất đan xen tạo nên thế đất của Thăng Long. “Đi xuyên phố cổ, chèo ngược sông xưa là câu chuyện về một thương cảng ven sông sầm uất, tương ứng với thời gian giữa thế kỷ XIX. Tại đây, vẫn là khu chợ lớn nhất Việt Nam, nhưng không phải khu chợ được vận hành bằng xe máy, ô tô; thậm chí không phải bằng xe kéo mà bằng bến và thuyền - cũng là phần mở đầu cho hành trình Dấu sông hồn phố”.

Nhiều cứ liệu lịch sử đã cho thấy vai trò quan trọng của sông Hồng đối với đời sống cư dân đôi bờ, để nhân gian cô đọng thành kinh nghiệm sống “nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Với Thăng Long - Hà Nội, từ lúc Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn chọn nơi hội tụ của những con sông để “thượng đô” năm 1010, dấu ấn Sông Hồng đã hiện hữu sống động trong đời sống Kinh kỳ. Từ chợ ven sông, việc buôn bán loang ra khắp kinh thành với những phố nghề - phố hàng bốn mùa tấp nập. Đến Thăng Long năm 1736, sứ giả Ngụy Tiếp cảm khái: “Gió hòa bụi, chợ đông người, phất phơ tay áo, đua chơi xuân cùng. Ngày dài thuyền chở, xe dong, bán buôn lũ lượt, trập trùng chen đua”. 

Theo Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức, Kinh đô Thăng Long không chỉ là trung tâm sản xuất, mà còn là nơi tập kết hàng hoá từ nhiều trung tâm sản xuất khác ở châu thổ sông Hồng, phục vụ nhu cầu thu mua của các thương điếm ngoại quốc. Người phương Tây đến Thăng Long vào các buổi chợ phiên đều trầm trồ về sự đông đúc, tấp nập của các dòng người và thương phẩm từ các nơi đổ về kinh đô... 

Còn PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định: Không cường điệu khi cho rằng kinh đô Thăng Long có vai trò quyết định trong quá trình dự nhập vào quỹ đạo toàn cầu hóa cận đại sơ kỳ của vương quốc Đàng Ngoài thế kỷ XVII, mà ở đó sông Hồng đóng vai trò quan trọng trong việc khai mở các tuyến hàng hải thương mại nối liền Đông - Tây, khiến cho trao đổi toàn cầu nhanh chóng được mở rộng và phát triển ngày càng mạnh mẽ... 

Như vậy, sông Hồng là nơi chuyên chở khát vọng thịnh vượng của cả dân tộc khi mang đến cho Kinh đô những chức năng nổi bật như trung tâm kinh tế thương mại, chính trị đối ngoại hay địa bàn tiếp nhận các thành tựu khoa học, kỹ thuật, văn hoá, tôn giáo… của thế giới.

Chảy một dòng lịch sử văn hóa

Sông Hồng còn có nhiều tên gọi khác là sông Cái, Hồng Hà, Phú Lương, sông Nhị…, qua hàng nghìn thiên niên kỷ cần mẫn bồi đắp phù sa, tạo nên một vùng châu thổ phì nhiêu, ruộng đồng tươi tốt, là cái nôi của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Giống với nhiều nền văn minh rực rỡ trên thế giới đều hình thành và phát triển tại lưu vực các con sông lớn, như văn minh: Sông Nil - Ai Cập; sông Hằng - Ấn Độ; sông Hoàng Hà - Trung Hoa…, sông Hồng là cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam từ buổi sơ khai đến tận bây giờ. Xuôi theo dòng chảy của dòng sông là cội nguồn văn hóa, lịch sử; những nét độc đáo trong hội họa, kiến trúc, thi ca…, được hình thành, bồi đắp qua lối sống hòa hợp với thiên nhiên, quá trình tích lũy kinh nghiệm, tri thức ứng xử với dòng sông suốt dặm dài năm tháng”.

Sông Hồng trên đất Kinh đô - Thủ đô không dài nhưng đủ để làm nên nét đặc trưng cùng danh xưng Hà Nội - “thành phố trong sông”. Nhiều tài liệu lịch sử ghi rõ, Thăng Long - Hà Nội được hình thành từ dải đất bồi đắp bởi phù sa sông Hồng, với cái tên khởi đầu là làng Long Đỗ. Qua năm tháng, dòng sông không chỉ mang đến sự phồn thịnh cho chốn “hội tụ quan yếu bốn phương”, mà còn nuôi dưỡng văn hóa tinh thần, tạo dựng nên vùng đất địa linh, nhân kiệt.

Dọc sông Hồng hôm nay còn đó những làng nghề cổ kính như: Làng làm giấy Yên Thái, làng trồng đào Nhật Tân, làng nghề gốm Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc... Dựa vào lợi thế sông nước, những thợ nghề quy tụ về đây mở làng, lập ấp, mà câu chuyện khởi đầu của làng nghề gốm Bát Tràng với bề dày hơn nghìn năm lịch sử, từ cuộc di cư của người dân ở làng Bồ Bát, trấn Thanh Hóa xưa (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) là một ví dụ! 

Cũng không phải ngẫu nhiên, hầu hết di chỉ, di sản văn hóa của Thăng Long - Hà Nội đều gắn bó với dòng sông theo một cách nào đó. Nổi bật trong đó là hệ thống hàng trăm di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh trải dài một dải xứ Đoài, gắn với truyền thuyết trị thủy thể hiện khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt; là Cổ Loa - tòa thành lâu đời nhất bên sông hay Làng cổ Đường Lâm - “bảo tàng sống” của nền văn minh lúa nước vùng châu thổ sông Hồng.

Không chỉ nuôi dưỡng con người, sông Hồng còn là dòng sông thiêng liêng và thánh thiện, nơi bắt nguồn của vô vàn huyền thoại, truyền thuyết… như thiên tình sử Chử Đồng Tử - Tiên Dung; huyền thoại thần Kim Quy giúp An Dương Vương đánh giặc…, hay truyền thuyết Lý Ông Trọng chém giải trừ họa cho dân… 

Sự hiện hữu đa dạng loại hình di tích đình, đền, chùa, miếu, phố cổ, làng cổ, thành cổ…, cùng các tục lệ, nghi thức tâm linh như: Chèo thuyền trên sông đêm Ba mươi Tết ở lễ hội làng Khê Thượng (Ba Vì); rước kiệu qua sông tại lễ hội Đền Và (Sơn Tây); rước nước ở lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung xã Tự Nhiên, xã Hồng Vân (Thường Tín); bơi chải ở lễ hội Đình Chèm (Bắc Từ Liêm)… cho thấy đời sống tín ngưỡng phong phú của người dân đôi bờ sông Mẹ. 

Nguyên Viện trưởng Viện văn hóa nghệ thuật quốc gia Nguyễn Chí Bền cho rằng: “Ứng xử với thiên nhiên là ngọn nguồn tạo nên các nền văn hóa. Văn hóa Thăng Long - Hà Nội bao gồm hệ thống di tích, lễ hội, phong tục, tập quán và hơn hết là văn hóa con người, được gìn giữ, tích lũy qua năm tháng, cũng là nhờ vào vai trò mạch nguồn nuôi dưỡng của sông Hồng”. 

Nói cách khác, sông Hồng luôn bồi đắp sức sống cho Thăng Long - Hà Nội. Và ngược lại, đời sống của người dân trên những dải lấp lánh phù sa cũng truyền thêm sinh khí cho sông. Đó phải chăng là lý do vì sao, chúng ta luôn thấy tiếc nuối về việc chưa thể tận dụng hết giá trị của dòng sông Mẹ và trong thâm tâm luôn chất chứa những khát vọng sông Hồng.

CHUYỆN NHỮNG VÙNG ĐẤT BÃI

Không biết chính xác từ bao giờ, dải đất dài 3,8 km tiếp giáp với lòng sông Hồng thuộc địa bàn hai phường Chương Dương và Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm lại có tên gọi Bờ Vở. Nhưng chắc chắn, tiếc nuối và xót xa là cảm giác của nhiều người khi nhìn về vùng đất trù phú được thiên nhiên ban tặng ngay giữa lòng Thủ đô lại là nơi cỏ dại mọc tràn, rác thải chất dày và môi trường ô nhiễm nặng nề…

“Phép lạ” từ Bờ Vở, bãi bồi chuyển mình

Từ những năm 2000, khu vực Bờ Vở và lòng sông Hồng đã ồn ã những lấn chiếm đất bãi giữa, bãi bồi bên sông, rồi những câu chuyện xung quanh “bãi đáp” của cánh nghiện ngập, tiêm chích. Nhiều lần chính quyền sở tại vào cuộc rốt ráo, trật tự mới dần được thiết lập, nhưng dẻo đất trù phú ven sông vẫn là nơi cỏ rác chôn sâu…

“Mắc kẹt trong cảnh chờ quy hoạch đã quá lâu, cư dân chúng tôi “đi không nỡ mà ở không xong”. Trường, trạm, đường xá xuống cấp, thiếu thốn đủ bề, chưa kể tình trạng ô nhiễm môi trường luôn nhức nhối” - Ông Nguyễn Trung Dũng (54 tuổi, phố Hàm Tử Quan, phường Phúc Tân) nói. Bất chợt tôi nhớ đến nhạc sĩ Lê Vinh với câu hát “đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than”. Lắng nghe nhịp sống hàng thập kỷ trôi qua trên những bãi giữa, bãi bồi sát khu vực phồn hoa bậc nhất của Hà Nội, để rồi không khỏi chạnh lòng…

Thế rồi “phép lạ” đến! Điều tưởng như không thể đã trở thành hiện thực. Dự án cải tạo không gian xanh với diện tích 1.500 m2 do mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống” kết hợp với chính quyền và người dân nơi đây thực hiện từ cuối năm 2021, đã biến mảnh đất từng là nơi “cư ngụ” của hàng trăm tấn rác thại tại ngách 43/32 đường Bạch Đằng thành một không gian cộng đồng với vườn rừng xanh cỏ cây, hoa lá.

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên mạng lưới “Vì một Hà Nội đáng sống”, cho biết: Chúng tôi đã cải tạo không gian từ Đền Sơn Hải đến Hàm Tử Quan với diện tích khoảng 1ha. Rác thải, nước thải sẽ được xử lý để đất hoang ô nhiễm trở thành công viên xanh. Với khát khao “Vì một Hà Nội đáng sống”, Lê Quang Bình, đang ấp ủ ước mơ sẽ tiếp tục nhân rộng không gian xanh khắp 3,8 km khu Bờ Vở để tạo nên một không gian đô thị mới trên khu đất “vàng” từng bị lãng quên.

Những ngọn gió ngọt lành mang theo kỳ vọng mới! Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ sở để chính quyền quận Hoàn Kiếm ấp ủ những dự định cho tương lai. Đầu năm 2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã “trình làng” một đề án thu hút sự chú ý đặc biệt của người Hà Nội. Theo đó, Hoàn Kiếm sẽ tập trung khai thác hiệu quả quỹ đất và vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, đầu tư cải tạo khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông thành công viên văn hóa - du lịch.

“Bãi giữa, bãi bồi có diện tích không cố định mà thay đổi theo mùa mưa từng năm, những năm gần đây đã xuất hiện nhiều mô hình dịch vụ du lịch nhưng manh mún, tự phát và thiếu sự kết nối…”, theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: “Khai thác bãi giữa, bãi bồi sông Hồng là cơ hội phát triển, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu nghiêm túc, đặc biệt rất cần sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học, sự đồng tình ủng hộ của người dân để tái thiết, chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”. 

Ý tưởng tái khởi động vấn đề khai thác khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng của UBND quận Hoàn Kiếm được xem là có cơ sở khi Hà Nội “chốt” Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sau hơn 30 năm chờ đợi. Người dân sống ven Bờ Vở đang thắp lên hy vọng ngày mai bắt đầu từ hôm nay. 

Trông chờ những cuộc đổi dời 

“Tháng hai hội đền Dầm, đền Sở

Ninh xá từ Đại Lộ đức Ông

Nhởn nhơ đứng mũi thuyền rồng

Khuyên luyện thanh đồng chầu chực dâng hoa…”.

Câu hát văn truyền khẩu đưa chúng tôi về với Đền Dầm, Đền Sở và Đền Lộ, thuộc địa giới xã Ninh Sở (huyện Thường Tín). Từ bến phà Vạn Phúc, giáp ranh với huyện Thanh Trì, Ninh Sở là xã đầu tiên và có diện tích lớn nhất huyện nằm trong Phân khu đô thị sông Hồng. 

Cán bộ địa chính xã Tạ Mạnh Tùng vanh vách những câu chuyện về hàng trăm hộ dân đang sống ngoài đê: “Đó là các khu dân cư lâu đời. Trước đây vào mùa nước lên, ở khu vực ngoài đê Hữu Hồng, hầu hết các hộ dân phải đi thuyền vào nhà hoặc di dời tạm sang các thôn khác chờ nước rút. Từ năm 2008, ngập úng không còn. Nhằm bảo đảm điều kiện sống tốt hơn cho người dân, xã đã thực hiện tái định cư, lập xóm mới, nhưng người dân sống sát mép sông vẫn xin ở tạm, do gần trọn đời đã gắn với chài lưới…”.

Chưa quên những ký ức một thời khi nước dữ làm xói lở, dân mất đất, ngôi đình cổ cũng bị cuốn trôi, ông Trần Văn Tiến, Bí thư chi bộ thôn Xâm Dương , xã Ninh Sở nói với chúng tôi: Giờ đây, khu vực ven sông đã có bờ kè, cuộc sống của bà con ngoài đê tạm ổn định bằng nghề nông hoặc chài lưới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng nơi đất bãi vẫn thiếu thốn trăm bề, nhà văn hóa nhiều năm chưa thể thành hình, do không bố trí được quỹ đất và thiếu nguồn lực tài chính. Việc xây dựng, sửa chữa nhà cửa gặp khó khăn vì phải… chờ quy hoạch. 

Ngược về triền đê Hữu Hồng là huyện Thanh Trì, địa bàn phân khu đô thị sông Hồng trên địa bàn có diện tích 1.135ha, với hơn 8.000 hộ dân sống ngoài đê, chủ yếu thuộc các xã Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc. Đây là khu vực người dân không phải di dời. Tại Tiểu Lan Châu năm xưa, tức làng Yên Mỹ hôm nay mỗi người có một cảm nhận riêng về vùng bãi bồi rộng lớn, với những khu dân cư yên bình nằm xem giữa hồ nước, bên con đường hoa và bát ngát màu rau xanh. Yên Mỹ ngoài đê sông Hồng, được phù sa bồi đắp nên cây cỏ tốt tươi, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng vì đất bãi bồi mà có không ít chuyện… Ví như mãi đến năm 1919, làng mới dựng đình và đến năm 1924 mới hoàn thành. “Việc làng xây đình muộn có nhiều nguyên nhân. Có thuyết giải thích là do làng nghèo, vì vậy có lời nguyền của các làng bên: “Bao giờ Yên Mỹ làm đình, chạch đẻ ngọn giáo thì mình lấy ta!” Chắc chắn đây chỉ là sự đặt lời của dân gian, nguyên nhân chính của việc dựng đình muộn này là do làng ở ven sông, chịu tác động bởi nước lũ sông Hồng, gây ngập lụt. Chắc hẳn, xưa kia làng từng có đình, nhưng bị nước lụt làm trôi lở nên việc dựng lại rất khó khăn” - Nhà nghiên cứu văn hóa, PGS. TS Bùi Xuân Đính cắt nghĩa.

Yên Mỹ hôm nay vẫn là vùng đất trù phú. Sau công cuộc dồn điền, đổi thừa, xã bắt tay gây dựng vùng trồng rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường trong nước và xuất khẩu. Bà Trần Thị Thoa, Bí thư Chị bộ thôn 2 đã có sáng kiến thành lập “nhóm hội liên kết” để mở rộng “đầu ra” cho sản phẩm nông nghiệp, mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ nông dân. Tuy nhiên, mở rộng sản xuất gắn với bảo quản chế biến sau thu hoạch và xây dựng nông thôn mới gắn với các tiêu chí đô thị vẫn là câu chuyện của những khó khăn thách thức. “Những vướng mắc này chắc chắn sẽ dần được cởi gỡ khi đã có quy hoạch sông Hồng”, bà Trần Thị Thoa nói với chúng tôi như vậy!

NỐI DÀI NIỀM HY VỌNG

Những bãi bồi, bãi giữa, những dẻo đất bên dòng sông Mẹ đang “gồng mình” trong áp lực phát triển nhưng vẫn phải… chờ. Và không phải đến bây giờ Hà Nội mới tính đến việc quy hoạch những vùng đất ven sông Hồng tạo động lực cho những đô thị mới. Thế nhưng do cả những yếu tố khách quan và chủ quan, thành phố chưa thể giải quyết được những vấn đề đặt ra từ thực tế và người Hà Nội lại nối dài hy vọng về một đô thị bên con sông Mẹ nặng phù sa. 

Những kỳ vọng về đô thị ven sông

Từng là người trong cuộc, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm tường tận như “cuốn từ điển sống” về quy hoạch Hà Nội nói với chúng tôi: “Từ năm 1954 đến nay, đã có tới 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, đều đề cập đến quy hoạch sông Hồng. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định khu vực hai bên sông Hồng là trục không gian cảnh quan trung tâm của Thủ đô, nơi bố trí các công viên, công trình văn hóa, giải trí, tổ chức những sự kiện và năm 2012, thành phố đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng”. 

Trước sức hấp dẫn đặc biệt của khu vực hai bên dòng sông Mẹ, đã có nhiều tổ chức nghề nghiệp trong nước và nước ngoài đến Hà Nội nghiên cứu, đề xuất ý tưởng quy hoạch phát triển với quy mô khác nhau… Cũng theo TS.TKS Đào Ngọc Nghiêm, nhiều đề án, dự án rất đáng ghi nhận, như: Dự án “Trấn sông Hồng” được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng ngoài đê khu vực An Dương, năm 1996; dự án “Khu đô thị khoa học” do Công ty Indochina Land - Hoa Kỳ đề xuất, năm 2005... Đặc biệt, hai dự án, gồm: HAIDEP nằm trong Chương trình phát triển tổng thể Thủ đô Hà Nội giữa Việt Nam - Nhật Bản đề xuất khai thác hai bên sông Hồng, năm 2004; Hợp tác quy hoạch cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng, đoạn qua Hà Nội giữa Hà Nội và Seoul - Hàn Quốc, năm 2006 đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong một thời gian dài. 

Tuy nhiên, những dự án này phải cất vào ngăn kéo vì nhiều lý do, trong đó có việc chưa đưa ra được giải pháp bảo đảm an toàn thoát lũ và ổn định dòng chảy cũng như việc xác lập mối quan hệ vùng giữa tiềm năng quỹ đất của khu vực ven sông Hà Nội với các tỉnh lân cận; và cả việc ứng dụng khoa học kỹ thuật như thế nào trong khai thác tiềm năng quỹ đất ven sông cũng như khu vực bãi giữa, bãi bồi… Cũng vì vậy, đô thị ven dòng sông Mẹ vẫn chỉ là kỳ vọng.

Ngày 31-3-2022, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với chiều dài khoảng 40 km và quy mô lên tới 11.000 ha.

 Với việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô năm 2008, quy hoạch thành phố chuyển sang giai đoạn mới. Để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với chiều dài khoảng 40 km và quy mô lên tới 11.000 ha.

“Trong bối cảnh hợp nhất và không gian thoát lũ mới, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là “mảnh ghép” lớn nhất, được cân nhắc kỹ lưỡng nhất trong các quy hoạch phân khu đô thị tại Đô thị trung tâm Hà Nội. Chiếm tỷ trọng khoảng 30% chiều dài sông Hồng qua Hà Nội, khoảng 8% chiều dài sông Hồng qua các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng, song đây là khu vực trọng với nhiều yếu tố phức tạp. Nếu giải quyết tốt bài toán quy hoạch, có thể coi là đột phá cho công tác quy hoạch xây dựng, là kinh nghiệm triển khai trên toàn bộ các tuyến sông có đê còn lại qua Thủ đô Hà Nội nói riêng và qua các tỉnh, thành nói chung”, Ths. KTS Lã Hồng Sơn, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nói với chúng tôi khi đề cập đến vấn đề này.

Sau hơn 10 năm triển khai, ngày 31-3-2022, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Việc này thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố việc khai thác, phát huy tiềm năng của dòng sông Mẹ. 

Nhiều nhà quản lý quy hoạch, kiến trúc đánh giá: Quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch cho thấy sự cẩn trọng nhưng hết sức quyết liệt của thành phố trong tháo gỡ những điểm nghẽn quy hoạch từ nhiều năm nay, quyết tâm hoàn tất mục tiêu cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

“Đồ án lần này được các chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, mà Thành ủy Hà Nội tham vấn, nhận định là tốt nhất từ trước đến nay và quan trọng là đủ điều kiện để được phê duyệt, thông qua. Đây là kết quả từ quyết tâm chính trị rất cao của thành phố trong nghiên cứu, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, nhằm hiện thực hóa quy hoạch Thủ đô từ năm 1954 đến nay, gần nhất là từ 10 năm trước; định hướng về không gian đô thị, chỉnh trang đô thị, giải quyết sinh kế cho người dân, chỉnh trị dòng chảy và hành lang thoát lũ…” Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhận định như vậy tại hội nghị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ngày 10-3-2021, khi còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Sau nhiều năm chờ đợi, với hàng chục đề án, dự án “trôi trượt”, việc Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng được là coi dấu mốc quan trọng để Thủ đô hiện thực hóa giấc mơ “thành phố hai bên bờ sông Hồng”, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ dòng sông chất chứa lịch sử, văn hóa, gắn bó mật thiết với người Hà Nội. 

Bài toán thoát lũ với dòng sông Mẹ 

Nhiều thư tịch liên quan đến Kinh thành Thăng Long đã ghi lại chuyện vỡ đê, nước tràn vào phố, phải dùng thuyền đi lại trong thành và cả những phương án bỏ đê sông Hồng để nước lũ trải đều ra vùng đồng bằng… Trị thủy sông Hồng cũng là một khát vọng của người Hà Nội đau đáu cùng thời gian. Và với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Hà Nội hôm nay đã giải quyết được “điểm nghẽn” cũng là “bài toán” chưa có lời giải trọn vẹn qua nghìn năm lịch sử.

Trong câu chuyện thoát lũ sông Hồng, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết: Đồ án quy hoạch được UBND thành phố thông qua kế thừa toàn bộ những thành quả của các nghiên cứu trước đó về lĩnh vực này, như: Nghiên cứu tuyến thoát lũ sông Hồng đoạn qua Hà Nội, Quy hoạch chi tiết khai thác sử dụng đất và phân bố dân cư hai bên sông Hồng đoạn qua Hà Nội… và gần đây nhất là Nghiên cứu đề xuất chỉnh trị sông Hồng qua trung tâm Hà Nội. Chúng ta cũng đã có những bài học kinh nghiệm từ việc phát triển khu vực hai bên sông Hàn ở Seoul - Hàn Quốc, sông Seine ở Paris - Pháp, sông Tiền Đường ở Hàng Châu - Trung Quốc…

Mặt khác, quy hoạch lần này được triển khai trên các cơ sở pháp lý đã ban hành, như: Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều 06/2020/QH14; Quyết định 257/QĐ-TTg tháng 2 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; Luật Xây dựng; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội đã xác định rõ nguyên tắc, quan điểm tuân thủ và cụ thể hóa các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Hồng và sông Thái Bình… đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thoát lũ và an toàn đê điều cho Hà Nội và các khu vực lân cận.

Là đơn vị được giao nhiệm vụ lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, ThS.KTS Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội khẳng định: Những yêu cầu của Quyết định 257/QĐ-TTg cũng như những ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là điều kiện tiên quyết trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Đồ án. Trong đó, có những giải pháp cụ thể như quy hoạch về đê và đường ven sông theo hướng nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực; quy hoạch đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, bảo đảm an toàn chống lũ, đáp ứng nhu cầu giao thông... Những khu vực dân cư được xác định di dời vì liên quan đến yếu tố an toàn sẽ được tiến hành theo lộ trình nhất định, người dân sẽ được bố trí tái định cư vào khu vực cận kề. Còn những khu vực được phép tồn tại sẽ được bổ sung hạ tầng xã hội, kỹ thuật để bảo đảm điều kiện sống cho người dân tốt hơn.

Cũng vì vậy, Vụ trưởng Vụ quản lý Đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Công Tuyên nhận định: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội đã xác định rõ nguyên tắc, quan điểm tuân thủ và cụ thể hóa các quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Hồng và sông Thái Bình…

Trong quá trình lập Quy hoạch, Hà Nội đã gửi văn bản lấy ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ này đã cơ bản thống nhất với đề nghị của thành phố về giải pháp xây dựng 2 tuyến đường trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê hiện có, không xây dựng đê bối mới…; đồng thời khuyến nghị: Hà Nội cần lựa chọn cao trình mặt đường tương đương theo mặt bãi sông tự nhiên, đoạn nào đi qua đê bối tương đương cao trình đê bối hiện có và đoạn nào cao trình đi qua khu dân cư thì lấy theo cao trình khu dân cư hiện có. 

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thành phố đã phê duyệt, hiện chưa xác định cao trình mặt đường. Tuy nhiên, tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch, thành phố nêu rõ, sẽ xác định cao trình mặt đường trong giai đoạn lập dự án xây dựng theo nguyên tắc bảo đảm quy trình phòng chống lũ và không làm ảnh hưởng đến không gian thoát lũ… “Với cách tiếp cận nêu trên của thành phố Hà Nội, tôi hy vọng và cho rằng Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng của Hà Nội sẽ đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thoát lũ và an toàn đê điều cho Hà Nội và các khu vực lân cận”, ông Trần Công Tuyên nói.

Như vậy, “bài toán” thoát lũ với dòng sông Mẹ đã tìm được lời giải. Và đây chính là điểm tựa để hiện thực hóa nguyên tắc thuận tự nhiên và thuận lòng dân trong quy hoạch và triển khai quy hoạch sau này.  

THUẬN TỰ NHIÊN VÀ THUẬN LÒNG DÂN

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc xây dựng trục không gian trung tâm, tạo đột phá trong việc khai thác tiềm năng khu vực hai bên sông, kết nối những giá trị văn hóa lịch sử với đời sống đương đại, tạo nên những giá trị mới cho thành phố nghìn năm văn hiến. Mang tầm nhìn và tư duy mới về hoạch định chính sách dựa trên nguyên tắc: Thuận tự nhiên và thuận lòng dân, Quy hoạch đang “chắp cánh” cho khát vọng thành phố đôi bờ và tinh thần Thăng Long của người Hà Nội. 

Hài hòa cùng thiên nhiên

“Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều vấn đề mới, buộc nhân loại phải chung sống hài hòa với thiên nhiên. Vì vậy thuận thiên không chỉ là sự lựa chọn mà còn là một khoa học trên nhiều lĩnh vực và phát triển đô thị theo hướng thuận thiên là tất yếu vì một tương lai bền vững. Quy hoạch Hà Nội đã, đang tiếp cận với xu hướng này…”, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói với chúng tôi. 

Khác với một số nghiên cứu ở những giai đoạn trước, quy hoạch chia cắt nhỏ không bảo đảm tính tổng thể; quy hoạch tác động mạnh nhằm khai thác tối đa quỹ đất song lại gia tăng áp lực cho hạ tầng khu vực; quy hoạch chưa chú trọng bảo đảm an toàn phòng, chống lũ…, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng giai đoạn mới bám sát mục tiêu và cũng là giải pháp Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đề ra. Đó là, phát triển đô thị hài hòa với thiên nhiên, dựa vào hình thái tự nhiên để xây dựng công trình và không gian cảnh quan hai bên bờ sông Mẹ.  

Thay vì “quay lưng” vào dòng sông Mẹ, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đặt nền móng phát triển thành phố theo hướng “nhìn sông, tựa núi”; đồng thời tiếp nối những giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là gắn môi trường sống của con người với cảnh quan thiên nhiên.

Phân khu đô thị sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm, sẽ cơ bản giữ nguyên cao độ hiện trạng, bảo đảm cho dòng chảy êm thuận, hạn chế gia tăng áp lực dẫn đến các nguy cơ cho đê điều khi có lũ lớn. Cùng với đó là những ý tưởng quy hoạch không gian sinh thái dựa trên làng xóm ven đô, đất bãi, đất trồng rau màu, hoa cây cảnh… tạo cơ hội khôi phục, bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa. Mặt khác, phát triển các khu vực đa chức năng gắn với các ngành nghề truyền thống, các hoạt động thương mại, dịch vụ… sẽ tạo nên những giá trị mới cho vùng đất ven sông. 

Việc khai thác quỹ đất sẽ ưu tiên cho việc di dân, giãn dân, tái định cư… cũng như bổ sung cơ sở hạ tầng để tạo ra một luồng sinh khí mới cho vùng đất hai bên Sông Hồng. “Lần đầu tiên Hà Nội nói về sông Hồng mà không tính chuyện xây nhà bán đất, coi vấn đề bảo đảm đủ nước cho sông khi mùa hạn và an toàn khi mùa lũ - hướng tiếp cận thuận theo tự nhiên - làm nguyên tắc ứng xử…”, KTS Trần Huy Ánh (Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nhấn mạnh tới yếu tố quan trọng trong thay đổi phương thức tiếp cận không gian đôi bờ sông Mẹ.

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đã hướng việc khai thác nguồn tài nguyên đất rộng lớn và quý giá cho việc tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian văn hóa…

“Cũng vì hạnh phúc người dân mà thành phố không tính chuyện di dân lấy đất để kinh doanh bất động sản - ấy là bỏ mục tiêu “quy hoạch vị lợi” mà hướng tới “quy hoạch vị nhân sinh”. Thành phố chú trọng hơn trong việc phát triển các không gian xanh, không gian mở, thiết chế văn hóa kết hợp với bảo tồn, khôi phục những giá trị thiên nhiên trước nguy cơ “nghèo dinh dưỡng”, “thiếu không gian”. Chung quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng: Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đã hướng việc khai thác nguồn tài nguyên đất rộng lớn và quý giá cho việc tạo dựng những khu nhà ở sinh thái, không gian xanh, không gian văn hóa… 

“Đồ án mở ra cơ hội lớn cho việc chỉnh trang khu vực ngoài đê, vốn đang phát triển lộn xộn và nhếch nhác, với nhiều trường hợp lấn bãi, xây cất tự phát; di dời các khu nhà ở được xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ hay hiện thực hóa chủ trương giãn dân khu vực nội đô lịch sử, cải tạo xây dựng lại hàng trăm chung cư cũ đã xuống cấp tại bốn quận trung tâm thành phố…”, KTS Phạm Thanh Tùng nói. 

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với định hình không gian hai bờ sông Mẹ, cũng là điểm tựa để loại bỏ các “dị tật” đô thị, hình thành những giá trị mới theo hướng hài hòa cùng thiên nhiên. Quận Hoàng Mai có hơn 900ha đất ngoài bãi sông, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Thọ cho biết: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ tạo điều kiện pháp lý để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. 

Thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu là một chiến lược phát triển đô thị và đã được thể hiện rõ trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Không gian cho cộng đồng

Không gian cho cộng đồng là những không gian mở cho việc tổ chức các sự kiện, trao truyền các giá trị văn hóa - nơi cố kết cộng đồng đô thị, thể hiện lối sống và làm nên bản sắc đô thị… Những không gian như vậy dường như đã bị “bỏ quên” dưới áp lực gia tăng dân số, quy mô cấu trúc các công trình dân dụng, thương mại… trong nhiều năm vừa qua. Do vậy, cách tiếp cận theo hướng “thuận nhân”, ưu tiên thoát lũ bảo đảm an toàn cho cư dân và tạo cơ hội phát triển không gian cho cộng đồng của Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng đã được người Hà Nội nhiệt thành đón nhận. 

Cùng với quan điểm dựa vào hình thái tự nhiên để xây dựng công trình và không gian cảnh quan, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thể hiện rõ nguyên tắc “thuận theo lòng dân” tại mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn phòng chống lũ cho người dân ở cả bên trong và bên ngoài đê. Điều này được thể hiện rõ trong các giải pháp chính của Đồ án là: Bảo đảm quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ đê điều, đất bãi sông, bãi nổi theo đúng quy định của pháp luật; chống lấn chiếm vi phạm, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông để phát triển an toàn, ổn định đối với các khu dân cư hiện có, không phát sinh thêm số khu, diện tích, hộ dân ngoài bãi sông; rà soát, xây dựng phương án, lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp, nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và các hộ dân cư vi phạm pháp luật về đê điều, nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều, khu vực đang bị sạt lở nguy hiểm…

Quan điểm “thuận nhân” nhấn mạnh qua chủ trương, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng trở thành trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm - nơi quy tụ các công trình công cộng, các công viên cây xanh, các hoạt động văn hóa, lễ hội đương đại, dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô, với các bước đi bài bản, khoa học. Chủ trương này, đã và đang tạo ra những chuyển động tích cực mang theo khát vọng đổi mới sáng tạo lan tỏa từ nội đô tới ngoại thành với những ý tưởng, kế hoạch, dự án “đánh thức” tiềm năng, lợi thế sông Hồng. 

Trong câu chuyện với chúng tôi về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, về phát triển không gian văn hóa, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết: Gia Lâm kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm đô thị mới bên sông Hồng, mang một sắc thái mới - nơi kết nối các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch trải nghiệm với các tỉnh khu vực Đông Bắc. 

Những công trình văn hóa kết nối cộng đồng như công viên chuyên đề gắn với nghề gốm sứ, nghề thuốc Nam…, nơi kể câu chuyện làng nghề, trưng bày, giới thiệu sản phẩm kết hợp với các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, trên bờ hay các cụm du lịch văn hóa lấy làng nghề, di tích, di sản làm trung tâm, mở rộng ra các không gian trải nghiệm gắn với thiết chế văn hóa làng xã… đang được định hình trên miền đất cổ Gia Lâm”.

Đến với xã Hồng Vân, huyện Thường Tín khi Lễ hội tình yêu lần thứ Nhất - năm 2022 tôn vinh những giá trị nhân văn cao đẹp của truyền thuyết “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” còn đọng nhiều dư âm, chúng tôi cảm nhận rõ hơn khát vọng sông Hồng của người dân nơi đây. Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng, cho biết: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là một điểm tựa để tập hợp sức mạnh cộng đồng trong việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa riêng có của quê hương; đồng thời tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng của vùng đất ven sông, tạo những điểm du lịch, checkin, lưu trú trải nghiệm, độc đáo… 

“Thuận nhân”, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã tạo nguồn cảm hứng cho những người yêu Hà Nội với những sáng kiến, giải pháp có tính tiên phong, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo. Phương án “Quận đường tàu 4.0” chuyển đổi công năng khai thác Nhà máy xe lửa Gia Lâm cũ thành nơi kết nối các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các Start-up về công nghệ, đầu tư và du lịch; Phương án“Quận nghệ thuật sông Hồng”, biến khu vực bãi bồi ven sông thành một không gian xanh, được bao trùm bởi nghệ thuật và sáng tạo… Các ý tưởng độc đáo, chất chứa tình yêu Hà Nội cần được nuôi dưỡng cho công cuộc hiện thực hóa khát vọng sông Hồng.

Thuận thiên, thuận nhân cùng tư duy mới về phát triển, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là nền tảng vững chắc để Hà Nội định hình thành phố hai bên sông hài hòa cùng tự nhiên, thật sự là nơi đáng sống cho mỗi cư dân đô thị. Hiện thực hóa khát vọng Thăng Long cũng như mục tiêu khai thác giá trị sông Hồng là câu chuyện dài, cần có phương thức triển khai bài bản, khoa học; những giải pháp thu hút nguồn lực tài chính, trí tuệ… Thách thức đang ở phía trước, nhưng thách thức cũng là động lực! 

HIỆN THỰC HÓA TẦM NHÌN VÀ KHÁT VỌNG

Định mệnh của rất nhiều đô thị gắn với những dòng sông, Thăng Long - Hà Nội là một thành phố như vậy! Hơn ngàn năm thăng trầm lịch sử cùng dòng chảy sông Hồng, đất “định đô của muôn đời” lắng hạt phù sa kết tinh những giá trị sáng tạo và tâm hồn người dân nước Việt, để khẳng định vị thế Kinh đô - Thủ đô không nơi nào có được. Hiện thực hóa khát vọng Thăng Long, Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng cùng tầm nhìn mới đã tạo ra một không gian cân bằng với những nguồn lực mới cho Thăng Long - Hà Nội. 

Trục không gian cân bằng

Trong muôn nẻo câu chuyện liên quan đến dòng sông Mẹ, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ nói về những quãng thời gian sông Hồng bao bọc kinh thành và là mạch giao thông quan trọng nhất - “mặt tiền” của thành phố giao thương như một nỗi niềm trăn trở. 

Những ngày ở châu Âu, tôi chúng tôi đã dành quãng thời gian nhiều nhất có thể để đến với những thành phố bên sông, với những cây cầu nối đôi bờ huyền diệu như cầu Charles - còn có tên là Karluv trên sông Vltava của “thành phố vàng của châu Âu”- Praha; cầu Xích - cầu Sư Tử trên “dòng Danube xanh” của thành phố Budapest - “Pais phương Đông”… Và khi đến với dòng sông Seine chảy giữa Paris hoa lệ chia Thủ đô nước Pháp thành đôi bờ nam - bắc, chúng tôi mới hiểu vì sao nơi này có tên trong Danh mục Di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO năm 1991. 

Những người Pháp đầu tiên đặt chân đến Paris bắt đầu khai phá đảo Cite nằm giữa con sông huyền thoại và đã sớm nhận ra cái lợi thế của đôi bờ. Người Paris coi sông Seine là “mặt tiền” của tạo hóa ban tặng cho những cuộc kiến tạo kinh đô. Những công trình kiến trúc nguy nga nối thời gian soi bóng xuống dòng sông, những cây cầu lộng lẫy nối đôi bờ nam bắc… biến Paris thành viên ngọc lung linh. Giờ đây trong mắt nhiều người, Seine là dòng sông lãng mạn nhất thế giới và cũng vì thế, mỗi năm có hàng chục triệu lượt khách du lịch đến với đất này. 

Câu chuyện của người Paris, Praha, Budapest… đem đến rất nhiều suy nghĩ. Sông Hồng không như sông Seine, Vltava hay Danube, mỗi con sông có một đặc tính và định mệnh riêng, nhưng với những người yêu Hà Nội thì “mặt tiền” của một kinh đô tấp nập bán buôn trở thành “cửa hậu” của thành phố với rất nhiều “khuyết tật” trong thời hiện đại là một sự lãng phí… Không thể mãi ứng xử như vậy với một dòng sông!

Mặt khác, từ năm 1995 trở lại đây, Hà Nội đã chọn hướng phát triển về phía Tây với mong muốn xác lập những thành phố trong thành phố. Và Đại lộ Thăng Long đã kết nối trung tâm thành phố với Đô thị Hòa Lạc nơi đứng chân của Đại học Quốc gia Hà Nội, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc… Trong câu chuyện Hà Nội phát triển về hướng Đông hay hướng Tây đã từng tiêu tốn không ít giấy mực của báo giới những năm trước đây, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói: Đi về phía Tây là đúng định hướng phát triển, đi về phía Đông là sự lựa chọn tự nhiên của các nhà đầu tư… Hà Nội nên bám sát hai bên sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục. Bên này sông là Hà Nội cũ, bên kia sông là Hà Nội mới…

“Với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, có thể hình dung được những ý tưởng kiến trúc không gian mang đến sự chuyển hóa mềm mại giữa các khu vực, công trình với không gian mặt nước để tạo nên hình ảnh đặc trưng của đô thị nghìn năm văn hiến”.

Những khát vọng sông Hồng cứ như vậy nhân lên trong tình yêu Hà Nội cùng một tầm nhìn mới về dòng sông Mẹ. Nhiều năm gắn bó với quy hoạch Hà Nội, Kiến trúc sư Lã Hồng Sơn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội), cho biết: “Thành phố đã chỉ đạo công tác quy hoạch với tư duy và tầm nhìn chiến lược, ý chí và khát vọng phát triển mới, tạo đột phá trong công tác quy hoạch để sông Hồng trở thành “trục không gian cân bằng”; đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề của Hà Nội…”

Thành phố hai bên sông đang được định hình! Vươn về phía Đông, về bên kia của dòng sông Mẹ, Hà Nội không chỉ cân bằng mật độ phát triển đang nghiêng về vùng lõi Phố cổ, mà còn tạo ra những không gian rộng lớn và giàu tiềm năng. Đặc biệt là một “mỏ vàng” quỹ đất không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án của giới đầu tư kinh doanh bất động sản…, sẽ là cơ hội để tạo ra những công trình kiến trúc giàu tính mỹ thuật, đậm chất Thăng Long - Hà Nội, những công viên cây xanh, không gian văn hóa sáng tạo, khu vui chơi giải trí… cho cả cộng đồng. Và những khu du lịch sinh thái, những cánh đồng hoa, vườn rau công nghệ cao… sẽ mở ra hy vọng cho người dân trong mênh mang vùng đất bãi.

Không chỉ giải “bài toán” hài hòa cùng thiên nhiên, việc quy hoạch những không gian mở, không gian văn hóa ven sông còn thể hiện một phương châm sống của người Hà Nội - thân thiện với thiên nhiên, với dòng sông Mẹ. “Với Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, có thể hình dung được những ý tưởng kiến trúc không gian mang đến sự chuyển hóa mềm mại giữa các khu vực, công trình với không gian mặt nước để tạo nên hình ảnh đặc trưng của đô thị nghìn năm văn hiến”, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hũng Vĩ nói với chúng tôi như vậy. Một trục không gian cân bằng sẽ mang đến những không gian mới!

Hiện thực hóa tầm nhìn 

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã tạo nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho người Hà Nội và những người yêu Hà Nội, dẫu vẫn biết từ tầm nhìn đến hiện thực là một chặng đường dài. Những ý tưởng, những khát vọng Sông Hồng chắt chiu trong tâm thức sẽ dần có hình hài, tuy nhiên việc kết nối những ý tưởng đơn lẻ trong một không gian rộng lớn hay kết nối những không gian đặc thù trong một tổng thể thống nhất chất chứa những giá trị Thăng Long - Hà Nội  sẽ là cả vấn đề trong tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn quy hoạch.

Nhiều người bị cuốn hút bởi niềm yêu Hà Nội của Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, với ý tưởng mới lạ về “Quận nghệ thuật sông Hồng” khi đưa ra các giải pháp biến khu vực bãi bồi ven sông rộng 5ha thuộc phường Phúc Tân, quận Hoàn kiếm trở thành một quận nghệ thuật. Phương án hướng tới xây dựng một không gian xanh với hai yếu tố xuyên suốt từ không gian bên trong các tòa nhà đến không gian bên ngoài của cộng đồng là nghệ thuật và sáng tạo. Nơi đây sẽ có những studio sáng tạo, văn phòng kiến trúc… làm điểm tựa cho giới trẻ khởi nghiệp. 

Ý tưởng này phù hợp với việc tạo lập một công viên văn hóa với kiến trúc, cảnh quan dựa vào địa hình tự nhiên; gắn kết các di tích lịch sử, tập quán truyền thống sông nước với phát triển du lịch, đã được Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đề cập nhiều lần, với nhiều cấp độ trao đổi. Tuy nhiên, để có sự kết nối với những không gian văn hóa đặc thù ở những địa phương khác trong một không gian mở vẫn còn nhiều chuyện phải làm. 

Cả thời ấu thơ gắn bó với Phố cổ Hà Nội, chứng kiến sự đổi thay của những con phố Hành Buồm, Chợ Gạo… rồi Hồ Tây, Hồ Trúc Bạch…, Kiến trúc sư quy hoạch Phạm Trọng Nghĩa cho rằng: Kết nối “phố hàng” mái ngói thâm nâu với những con phố cũ mang phong cách châu Âu, các làng nghề truyền thống như đúc đồng Ngũ Xã, cá cảnh Yên Phụ… trong một không gian mở để tạo nên những giá trị văn hóa mới cho thành phố hơn nghìn năm tuổi là cần thiết nhưng không thể là chuyện “ngày một ngày hai” và không thể thành công nếu thiếu sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Nhiều nhà kiến trúc, nhà nghiên cứu văn hóa cũng lưu ý việc hiện thực hóa quy hoạch sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương, đặc biệt là khu vực Hồ Tây, Tứ Liên và ngã ba sông Đuống. Bởi đây là một không gian quy ước, nơi hội tụ, tập trung những giá trị đặc trưng về cảnh quan tự nhiên cũng như văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Thời gian tới triển khai các công trình kiến trúc mới cần chú trọng khai thác yếu tố này để tạo dựng một biểu tượng cho thành phố hai bên sông. 

Việc gắn kết Hồ Tây - Cổ Loa bằng việc tạo lập trục không gian qua dòng sông Mẹ, kết nối không gian lịch sử bằng một thủ pháp đô thị hiện đại đem đến nhiều kỳ vọng và cả những thách thức khi thực hiện quy hoạch. 

Trong hệ thống giải pháp hiện thực hóa tầm nhìn sông Hồng với tư duy mới - thuận thiên và thuận nhân, KTS Ngô Trung Hải, người nhiều năm gắn bó với lĩnh vực quy hoạch đô thị ở Việt Nam, cho rằng: Trước tiên là tập trung cải tạo lại toàn bộ không gian sông Hồng thành trục cảnh quan, không gian văn hóa, lá phổi xanh. Thứ hai là thực hiện được mục tiêu chỉnh trị sông Hồng, phòng chống lũ kết hợp với hệ thống giao thông dọc ngang; kết hợp các tuyến đê và cầu. Thứ ba là làm sao bảo đảm cho người dân đang sinh sống dọc hai bên bờ sông có nơi sống tốt hơn, ổn định hơn, hạ tầng xã hội cũng như môi trường sống được cải thiện hơn. 

Một thành phố hiện đại văn minh đang rõ hình hài cùng việc hoàn thiện Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. Khát vọng về dòng sông Mẹ chảy qua đô thị trung tâm đắp bồi những giá trị mới cho mảnh đất văn hiến ngàn đời không còn xa tầm với, nhưng là một thách thức rất lớn trong việc thực hiện quy hoạch. Từ kết nối những giá trị văn hóa lịch sử, không gian cảnh quan đến giải phóng mặt bằng, tạo dựng những công trình giàu tính sáng tạo… một khối lượng công việc khổng lồ đang ở phía trước. 

Tầm nhìn mới, thách thức mới đòi hỏi tư duy và cách làm mới. Năng lực sáng tạo và tình yêu Hà Nội sẽ là động lực để người Hà Nội hôm nay tạo nên sự đổi thay mang lại những giá trị mới cho dòng sông Mẹ.

Hoàn thành Quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng với một tầm nhìn và tư duy thuận thiên và thuận nhân là nền tảng cho những kế hoạch, đề án…, để dòng sông Mẹ gắn liền với đất văn hiến ngàn đời lấp lánh giá trị mới trong vai trò trục không gian cân bằng của một thành phố văn minh hiện đại, kết nối toàn cầu. Tinh thần Thăng Long, khát vọng về một Thủ đô văn hiến, thịnh vượng sẽ là động lực để Hà Nội đưa ý tưởng đến hiện thực. Và sông Hồng sẽ là dòng kết nối lịch sử với đương đại đến tương lai.  

Lượt xem: 40
Nguồn:https://hanoimoi.com.vn/mega-story/van-hoa/1039054/quy-hoach-song-hong-thuan-thien-va-thuan-nhan?fbclid=IwAR2vSqZuYQN-9cQXHignI8sg-U6TYnwD5Ki5XHFpru7yK9JVnzDp1VW0iKY Sao chép liên kết