Trung Quốc bắn tên lửa gần Đài Loan
Trung Quốc đã triển khai hàng loạt máy bay chiến đấu và bắn tên lửa đạn thật gần Đài Loan hôm thứ Năm, một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thực hiện chuyến đi tới hòn đảo này.
Quân đội Trung Quốc xác nhận nhiều vụ phóng tên lửa ở vùng biển ngoài khơi eo biển Đài Loan như một phần của các cuộc tập trận theo kế hoạch tại 6 khu vực dự kiến diễn ra đến trưa ngày Chủ nhật. Trung Quốc đã huy động hơn 100 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, cùng hơn 10 tàu chiến, đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: “Sự thông đồng và khiêu khích của Mỹ-Đài sẽ chỉ đẩy Đài Loan tới vực thẳm của thảm họa, mang lại thảm họa cho đồng bào Đài Loan”.
Đài Loan cho biết 11 tên lửa đạn đạo Dongfeng của Trung Quốc đã được bắn ở vùng biển gần đó, lần đầu tiên kể từ năm 1996, trong khi Nhật Bản tuyên bố rằng 5 tên lửa đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Giới chức Đài Loan khẳng định rằng các cuộc tập trận của đại lục đã vi phạm các quy tắc của Liên Hợp Quốc, xâm phạm không gian của hòn đảo này và đe dọa hoạt động hàng không và hàng hải.
Hoạt động quân sự bất thường của Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm tới đảo Đài Loan của bà Pelosi, bất chấp cảnh báo từ chính quyền Bắc Kinh.
Trước khi cuộc tập trận chính thức bắt đầu, các tàu hải quân và máy bay quân sự của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan vài lần vào sáng thứ Năm, một nguồn tin Đài Loan cho biết.
Đến giữa trưa, tàu chiến của cả hai bên vẫn áp sát khi Đài Loan cũng phản kháng bằng cách điều máy bay phản lực và triển khai hệ thống tên lửa để theo dõi máy bay Trung Quốc.
"Họ bay vào rồi bay ra, hết lần này đến lần khác. Họ tiếp tục quấy rối chúng tôi", nguồn tin của Đài Loan cho biết.
Ở Đài Loan, cuộc sống phần lớn diễn ra bình thường, mặc cho lo ngại về một cuộc đổ bộ từ phía đại lục.
Chen Ming-cheng, một nhà môi giới 38 tuổi, cho biết: “Khi Trung Quốc nói rằng họ muốn thôn tính Đài Loan bằng vũ lực, họ đã thực sự nói về điều đó từ khá lâu rồi. Theo hiểu biết của cá nhân tôi, họ đang cố gắng xoa dịu sự tức giận của công chúng và chuyển hướng sang Đài Loan."
Đài Loan cho biết các trang web của cơ quan quốc phòng, ngoại giao và văn phòng bà Thái Anh Văn đã bị tin tặc tấn công, đồng thời cảnh báo sắp có "chiến tranh tâm lý".
Đài truyền hình Trung QUốc CCTV đưa tin Ngoại trưởngTrung Quốc Vương Nghị gọi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là một hành động "man rợ, vô trách nhiệm và rất phi lý".
Phát biểu tại cuộc họp của các Ngoại trưởng Đông Nam Á ở Campuchia, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc đã cố gắng ngăn chặn khủng hoảng bằng các biện pháp ngoại giao, nhưng sẽ không bao giờ để các lợi ích cốt lõi của mình bị tổn hại.
Tại Bắc Kinh, an ninh gần Đại sứ quán Hoa Kỳ được thắt chặt bất thường ,mặc dù không có dấu hiệu phản đối đáng kể.
Bà Pelosi là quan chức cao cấp nhất của Đài Loan trong vòng 25 năm qua. Trong chuyến dừng chân ngắn ngủi tới Đài Loan, bà Pelosi cam kết ủng hộ hòn đảo này và cho rằng sự tức giận của Trung Quốc không thể ngăn các nhà lãnh đạo thế giới đến đây.
"Phái đoàn của chúng tôi đến Đài Loan để nói rõ một cách dứt khoát rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ Đài Loan", Pelosi nói với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người mà chính quyền Bắc Kinh nghi ngờ đang thúc đẩy nền độc lập chính thức cho hòn đảo, vốn là lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc.
Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh nhằm phản đối chuyến đi của bà Pelosi và ngừng nhập khẩu một số nông sản từ Đài Loan.
Các quan chức ngoại giao của nhóm G7 đã cảnh báo Trung Quốc không nên sử dụng chuyến thăm của Pelosi như một cái cớ cho hành động quân sự gần đảo Đài Loan.
Chính phủ Mỹ không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan, nhưng bị luật pháp ràng buộc phải cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ.