• :
  • :

Cần có cơ chế tháo gỡ các vướng mắc trong mua sắm trang thiết bị y tế

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng nhiều cơ chế, chính sách ngành Y tế bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại như: Đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập...

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đấu thầu, mua sắm thuốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Bộ Y tế về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, đấu thầu thuốc và mua sắm trang thiết bị y tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp với Bộ Y tế

Tại cuộc họp, đại diện một số bệnh viện, Sở Y tế, Bộ, ngành nêu thực trạng, khó khăn, vướng mắc của ngành Y tế và đề xuất giải pháp tháo gỡ cho công tác quản lý, mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế; Tự chủ bệnh viện; Cơ chế tài chính để bảo đảm công tác khám chữa bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã công bố danh mục 10.484 thuốc hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành và được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2022; Thực hiện cấp, gia hạn cho 2.875 thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Hiện tại, Việt Nam có xấp xỉ 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc. Đối với mua sắm thuốc, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo đó, việc tổ chức đấu thầu thuốc được thực hiện ở 3 cấp, từ Trung ương tới địa phương.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thay mặt Bộ Y tế báo cáo một số nội dung trong công tác y tế

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên thay mặt Bộ Y tế báo cáo một số nội dung trong công tác y tế

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, thời gian qua, việc cung ứng, mua sắm một số loại thuốc, nhất là thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm tại một số cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị cho người dân.

Việc cấp phép đăng ký, nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược; Trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có sự thay đổi, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19.

Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng, nhân lực quản lý, thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu, chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao...

Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược; Cho phép xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp nhằm kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị của các cơ sở y tế; Cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, trong đó miễn tiền thuê đất cho cơ sở y tế. Trong khi chưa hoàn thành sửa đổi luật, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn tiền thuê đất. Chính phủ chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư công...

Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt

Ghi nhận, biểu dương đội ngũ cán bộ y tế, y bác sĩ đã nỗ lực, cống hiến, hy sinh hết sức mình trên tuyến đầu chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng chia sẻ những khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của đại dịch đối với ngành Y tế về nguồn lực, thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng những vấn đề đặt ra tại cuộc họp là rất cấp thiết, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân, "cả vi mô, trước mắt lẫn vĩ mô, dài hạn".

"Nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi "cơn bão" COVID-19 đi qua. Đơn cử như, mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị ngành Y tế làm rõ nguyên nhân tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực, thuốc, trang thiết bị vật tư, y tế, giải ngân vốn đầu tư công… từ đó xác định những vấn đề cần giải quyết cấp bách hoặc xử lý một cách căn cơ, bài bản.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận xét thực tế có nhiều vướng mắc về đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế là do thiếu hướng dẫn cụ thể, rõ ràng, minh bạch, mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, chưa phù hợp với quy luật thị trường... Trong khi đó, đây là trách nhiệm của Bộ Y tế.

Vì vậy, Bộ Y tế tập hợp ý kiến của các địa phương, cơ sở y tế nhằm đưa hết các vấn đề vướng mắc vào những nghị định, thông tư đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung; Nghiên cứu, đề xuất phương án "một luật sửa nhiều luật" hoặc "một nghị định sửa nhiều nghị định" đối với những vấn đề cấp bách, cần tháo gỡ ngay thay vì "ngồi chờ sửa toàn diện".

Đồng thời, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành đang chủ trì xây dựng những luật có liên quan đến lĩnh vực y tế; Sớm đề xuất, chủ động xây dựng nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện luật phù hợp với chuyên môn, đặc thù của ngành Y tế.

Luật Khám chữa bệnh sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2024, Bộ Y tế cần sớm báo cáo với Chính phủ về kế hoạch xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện như nghị định, thông tư.

Về tự chủ bệnh viện công lập, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế tổng kết, đánh giá toàn diện các mô hình đã có, cả thành công, hiệu quả cũng như bài học kinh nghiệm rút ra; Từ đó làm cơ sở để tiếp tục triển khai chủ trương này cùng với thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và các chính sách khuyến khích xã hội hóa y tế, hợp tác công - tư…

"Tự chủ bệnh viện phải bảo đảm công bằng, bình đẳng cho người bệnh khi sử dụng dịch y tế được bảo hiểm y tế chi trả hoặc khám chữa bệnh theo yêu cầu; Bảo đảm chế độ, chính sách, thu nhập của y, bác sĩ; Phù hợp với quy luật thị trường. Bộ Y tế cần thúc đẩy tự chủ bệnh viện mức độ cao tại những đô thị, địa bàn có điều kiện về kinh tế để dành nguồn lực cho các bệnh viện vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn", Phó Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về hướng tháo gỡ khó khăn cho dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức một cách "khả thi, linh hoạt" chứ không chỉ "làm theo đúng quy trình, hết trách nhiệm"; Xây dựng tiêu chí chặt chẽ, cải cách thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…

Phó Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề của ngành Y tế rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị. Y tế là lĩnh vực đặc biệt nên cơ chế, chính sách phải đặc biệt.

Tất cả Bộ, ngành phải vào cuộc cùng Bộ Y tế khắc phục khó khăn, vướng mắc, trong đó có những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân viên y tế; Bảo đảm thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.

Lượt xem: 11
Tác giả: Phương Thu - Ảnh: Bộ Y tế