Chuẩn hóa năng lực bác sĩ trước khi cấp phép hành nghề
Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề y bắt buộc phải được đánh giá năng lực trước khi được cấp phép. Tuy nhiên, việc triển khai đồng loạt là không dễ, nên ngành y đang ưu tiên đánh giá với nhóm mới tốt nghiệp, chuẩn bị hành nghề.
Sinh viên y khoa trong giờ học tập, thực hành. Ảnh: Đại diện Trường Đại học Y Hà Nội cung cấp
Hành nghề y phải đạt chuẩn cả chuyên môn lẫn đạo đức
Theo quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, từ ngày 1.1.2027, bác sĩ tốt nghiệp sẽ không được hành nghề ngay mà phải vượt qua kỳ thi đánh giá năng lực do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức. Các chức danh khác như y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh sẽ áp dụng từ năm 2028; kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng từ năm 2029.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Hội đồng Y khoa Quốc gia vừa được thành lập là cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khi Việt Nam chưa có kỳ thi quốc gia cấp chứng chỉ hành nghề như nhiều nước. Điều này gây trở ngại cho việc công nhận văn bằng và hoạt động hành nghề bác sĩ giữa các quốc gia.
Hội đồng sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực theo chuẩn quốc tế, làm cơ sở cấp phép hành nghề và tạo áp lực để các cơ sở đào tạo y nâng cao chất lượng, tránh đào tạo tràn lan. Chỉ những người có đủ năng lực và phẩm chất đạo đức mới được hành nghề, nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Hiện cả nước có 214 cơ sở đào tạo nhân lực y tế, gồm 66 trường đại học, 139 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 9 viện nghiên cứu (đào tạo tiến sĩ). Bộ Y tế quản lý 22 trường và viện. Mỗi năm có gần 12.000 bác sĩ tốt nghiệp.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Y khoa Quốc gia - cho biết, kỳ thi sẽ tổ chức tập trung, ứng dụng công nghệ số để đảm bảo công bằng, ngăn gian lận. Ngoài chuyên môn, thí sinh còn được kiểm tra kỹ năng cấp cứu, quản lý và đạo đức nghề nghiệp. Theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, mọi cá nhân hành nghề y đều phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu về năng lực chuyên môn, đồng nghĩa với việc cần có một công cụ đánh giá chuẩn hóa. Tuy nhiên, việc triển khai đánh giá đồng thời tất cả những người đã và đang hành nghề y là một thách thức lớn. Vì vậy, bước đi hợp lý trước mắt là tập trung đánh giá năng lực đối với nhóm đối tượng vừa tốt nghiệp, chuẩn bị bước vào thực hành nghề nghiệp.
"Việc đánh giá năng lực người mới tốt nghiệp sẽ do Hội đồng thẩm định thực hiện thông qua kỳ thi chung. Do số lượng thí sinh đông, kỳ thi sẽ sử dụng bộ câu hỏi chuẩn hóa, thi trên máy tính, áp dụng công nghệ để đảm bảo chính xác, khách quan. Hình thức thi được thiết kế công bằng, minh bạch, hạn chế gian lận dù thí sinh ngồi cạnh nhau", GS.TS Tiến phân tích thêm.
Thi năng lực hành nghề y: Hiệu quả, không gây áp lực
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, quy định đánh giá năng lực hành nghề bác sĩ trước khi cấp phép không áp dụng với những bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên… đã có giấy phép và đang hành nghề, mà chỉ dành cho các sinh viên ngành y tốt nghiệp từ năm 2027 trở đi. Hiện nay, sau khi tốt nghiệp, bác sĩ phải học thêm 12 tháng thực hành để được cấp chứng chỉ hành nghề (điều dưỡng là 6 tháng). Việc học này có thể diễn ra tại các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc Trung ương, nhưng kết quả là giống nhau - đều được cấp chứng chỉ mà không có sự phân loại về chất lượng. Thực trạng này không chỉ tạo ra sự tốn kém về chi phí, thời gian mà còn khiến dư luận băn khoăn về tính minh bạch, công bằng trong quy trình cấp phép.
"Tổ chức một kỳ thi riêng để sát hạch năng lực với quy mô khoảng 10.000 sinh viên y mỗi năm, dưới sự giám sát của Hội đồng Y khoa Quốc gia gồm 37 thành viên, là điều rất khó khả thi. Nếu chỉ làm thi trắc nghiệm lý thuyết thì lại không đánh giá đúng bản chất nghề y - vốn đặt trọng tâm vào kỹ năng thực hành.
Một giải pháp khả thi và hợp lý hơn là lồng ghép nội dung thi sát hạch hành nghề vào kỳ thi tốt nghiệp cuối khóa của tất cả các trường đại học, cao đẳng y trên toàn quốc. Ngân hàng đề chuẩn hóa, hình thức tổ chức thống nhất và có sự giám sát trực tiếp từ Hội đồng Y khoa Quốc gia. Cách làm này tận dụng nguồn lực sẵn có, tiết kiệm chi phí, giảm nguy cơ tiêu cực và đảm bảo công bằng hơn.
Thiết kế một kỳ thi tốt nghiệp mang tiêu chuẩn quốc gia còn giúp nâng chất lượng đào tạo ngành y. Trường nào chất lượng kém, tỉ lệ sinh viên đỗ thấp sẽ khó thu hút được người học và buộc phải cải tổ hoặc đóng cửa. Đây là cơ chế sàng lọc cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi các trường đào tạo y khoa đang nở rộ một cách ồ ạt. Với cách tổ chức như vậy, sinh viên y khoa ra trường sẽ không phải mất thêm một năm không lương để học lấy chứng chỉ thực hành", PGS.TS Hiếu phân tích.