• :
  • :

Hướng đến xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân

Sáng 14/10, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội tổ chức hội thảo Phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn và Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì hội thảo.

Chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân

Dự hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, một số sở, ngành và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực y tế.

Hướng đến xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) hiện đang được thành phố Hà Nội tích cực chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện. Trong các chính sách đề xuất sửa Luật Thủ đô, chính sách y tế hết sức quan trọng, tác động rất lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thành phố Hà Nội mong muốn các chính sách đề xuất kiến nghị sửa Luật Thủ đô sẽ thật sự ưu việt, vượt trội, khả thi để tạo tiền đề, cơ sở pháp lý cho Hà Nội phát triển hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trình bày đề xuất chính sách Phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, mục tiêu Thành phố đặt ra là nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân. Bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn, giảm nghèo bền vững tiến tới phát triển bền vững.

Thành phố đề xuất Luật Thủ đô sửa đổi quy định các biện pháp ưu đãi về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp và các biện pháp khác để tăng cường xã hội hóa y tế và phát triển hệ thống an sinh xã hội; được quy định các chính sách đặc thù để phát triển hệ thống y tế cơ sở và dịch vụ khám chữa bệnh tư nhân thực hành theo nguyên lý y học gia đình.

Thành phố được quy định chính sách phát triển nhân lực y tế dự phòng ngoài những quy định hiện hành (chế độ làm việc, mức lương,….) để thực hiện hiệu quả công tác cảnh báo, giám sát phát hiện bệnh truyền nhiễm, chủ động triển khai các biện pháp chống dịch và kiểm soát phòng chống bệnh không lây nhiễm.

Đồng thời, được quyết định mức chi, nội dung chi cho an sinh xã hội cao hơn và phạm vi đối tượng được thụ hưởng rộng hơn so với quy định chung, tiến tới bao phủ toàn dân; quyết định việc hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các đối tượng thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, đối tượng chính sách vay vốn ngân hàng chính sách xã hội, giải quyết việc làm.

Hướng đến xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng trình bày đề xuất của Hà Nội.

Bên cạnh đó, Thành phố được quy định biện pháp khuyến khích việc huy động nguồn lực xã hội để nâng mức hỗ trợ đối với người có công, người cao tuổi, người nghèo, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, trợ giúp xã hội trong thiên tai, dịch bệnh.

Đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế

Sau khi nghe Phó Giám đốc Sở Y tế trình bày dự kiến đề xuất chính sách của Thành phố, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến về chính sách y tế Thủ đô.

Bác sĩ Trần Việt Anh, Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, cần có chế độ đãi ngộ phù hợp cho nhân viên y tế để đảm bảo chất lượng cung cấp dịch vụ y tế phù hợp với yêu cầu của người dân. Chi phí cho các dịch vụ y tế ở mức cơ bản do ngân sách và bảo hiểm y tế chi trả; chi phí vượt mức cơ bản do người sử dụng dịch vụ chi trả. Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và có cơ chế giá, cơ chế đồng chi trả nhằm phát triển vững chắc hệ thống y tế cơ sở.

Xây dựng hành lang pháp lý minh bạch, khả thi cho phép nhân sự y tế khối ngoài công lập được tham gia trong chuỗi cung ứng dịch vụ y tế công cho nhân dân cả dịch vụ y tế cơ bản và dịch vụ y tế theo yêu cầu. Có chính sách ưu đãi thu hút nhân sự y tế có chuyên môn lành nghề, trình độ cao đang làm việc ở khối y tế ngoài công lập tham gia chuỗi cung ứng dịch vụ y tế công, ví dụ như: được khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, được ưu đãi về học phí khi tham gia đào tạo tại các hệ thống đào tạo công lập...

Hướng đến xây dựng hệ thống y tế Thủ đô hiện đại, chăm sóc toàn diện sức khỏe nhân dân
Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến phát biểu kết luận hội thảo.

Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế Trần Thị Mai Oanh nhìn nhận, muốn chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân, phải có sự kết nối giữa các tuyến khám chữa bệnh. Đồng thời, phải thay đổi phương thức chăm sóc sức khỏe, phương thức cung ứng dịch vụ, dứt khoát phải chú trọng phòng bệnh, làm thế nào để giúp người dân sàng lọc phát hiện bệnh sớm, chăm sóc kịp thời.

Theo PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào, Trường Đại học Y Hà Nội, cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế Thành phố, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức; nhân lực y tế còn thiếu, không đều đặc biệt đối với các trạm y tế cấp xã... Do đó, Hà Nội cần xây dựng hệ thống chính sách về y tế một cách đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến.

Có những vấn đề các đại biểu đặt ra phải đưa vào Luật Khám chữa bệnh chứ không chỉ là đề xuất chính sách trong Luật Thủ đô là ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy. Cũng theo bà Thủy, phải hạn chế thấp nhất sự phân biệt giữa khu vực công và khu vực tư, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân phải có sự tham gia tích cực của khu vực tư. Đồng thời, có lộ trình đẩy manh phát triển y học gia đình...

Phương Thảo