• :
  • :

Không để các ổ dịch sốt xuất huyết bùng phát

Hiện tại các địa phương của Hà Nội vẫn tiếp tục ghi nhận thêm ca bệnh và ổ dịch sốt xuất huyết, vì vậy để chủ động phòng chống dịch bệnh vào mùa cao điểm, các quận, huyện, thị xã đã đồng loạt triển khai vệ sinh môi trường, diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Cao điểm dịch sốt xuất huyết

Trong tuần này, số ca mắc mới sốt xuất huyết ghi nhận trên địa bàn Hà Nội tăng hơn so với tuần trước. Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần (từ ngày 4 đến 11/11), trên địa bàn Thành phố ghi nhận 1.343 ca mắc sốt xuất huyết, số mắc tăng 2,3% so với tuần trước đó.

Không để các ổ dịch sốt xuất huyết bùng phát
Nhân viên y tế phun thuốc phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Hùng Sơn

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Đống Đa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hoàng Mai. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, trong tuần cũng ghi nhận thêm 83 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 12 quận, huyện, trong đó nơi có nhiều ổ dịch nhất là quận Hoàng Mai với 24 ổ dịch, tiếp đến là Đống Đa có 12 ổ dịch,…

Dự báo, trong thời gian tới, dịch sốt xuất huyết sẽ vẫn có những diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn ghi nhận ở mức cao. Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Với đặc điểm của thời tiết hiện nay thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Đặc biệt, chu kỳ của dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát thành dịch sau 5 năm một lần. Trước đó, dịch sốt xuất huyết lớn nhất gần đây là vào năm 2017, vì vậy, theo chu kỳ năm 2022 sốt xuất huyết có thể lại bùng phát thành dịch.

Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, tại một số quận, huyện vẫn còn ổ dịch sốt xuất huyết được phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm nên số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng lên. Bên cạnh đó, do người dân vẫn còn tình trạng lơ là, chủ quan, khi có những triệu chứng nghi ngờ, sốt chưa đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trước tình trạng trên, ngành Y tế Hà Nội đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết một cách quyết liệt ngay từ sớm, từ xa, từ đó có những chỉ đạo kịp thời. Hiện, dịch sốt xuất huyết vẫn trong tầm kiểm soát, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp, chính quyền địa phương và người dân.

Đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết

Để công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết được hiệu quả, vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành chỉ thị yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống dịch.

Luôn được coi là điểm nóng về dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội, quận Đống Đa đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nhằm kiểm soát tình hình trên địa bàn, không để dịch bùng phát, lan rộng. Theo thông tin từ Trung tâm Y tế quận Đống Đa, tính đến ngày 10/11 trên địa bàn quận đã ghi nhận 774 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 21/21 phường, số ca mắc tăng 1,26 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Thời gian qua, quận đã tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Trong đó tập trung vào các nội dung như huy động lực lượng của các ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng chống dịch; đôn đốc mạng lưới cộng tác viên tăng cường kiểm tra các hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị và các khu vực công cộng để phát hiện, loại trừ các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh, tuyên truyền cho người dân về các biện pháp về phòng, chống dịch.

Đồng thời, Trung tâm Y tế cũng tăng cường tuyên truyền tại cộng đồng bằng nhiều hình thức (loa di động, băng rôn, khẩu hiệu...). Thông tin cho cộng đồng về tình hình dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để người dân chủ động phát hiện và phòng, chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình đặc biệt là những nơi đã ghi nhận ca bệnh hoặc ổ dịch sốt xuất huyết…

Hiện, quận Đống Đa vẫn đang tiếp tục triển khai 12 chiến dịch vệ sinh môi trường trong tháng 11/2022 và tổ chức phun hóa chất diện rộng tại 4 phường hiện ghi nhận số bệnh nhân gia tăng nhanh, phát sinh nhiều ổ dịch là Phương Liên, Trung Liệt, Trung Tự và Phương Mai; với hi vọng sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong thời gian sớm nhất...

Tương tự, thời gian qua huyện Thanh Trì cũng chủ động nhiều biện pháp nhằm phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả. Tính từ đầu năm đến ngày 12/11, trên địa bàn huyện ghi nhận 710 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Hiện, trên địa bàn huyện còn 10 ổ dịch đang hoạt động tại 8 xã, thị trấn. Ngay khi xuất hiện ca bệnh mới, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các trạm y tế các xã, thị trấn điều tra, xác minh và xử lý các ca bệnh, ổ dịch nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn.

Còn tại Chương Mỹ, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian gần đây đang có những diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hà Nội nói chung, huyện Chương Mỹ nói riêng, huyện đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch. Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Phùng Quốc Toán, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết: Trong tuần vừa qua, trên địa bàn huyện ghi nhận 53 ca mắc sốt xuất huyết ở 16 xã, thị trấn. Lũy kế từ đầu năm đến nay toàn huyện ghi nhận 300 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 109 ca so với năm 2021.

Theo đó, ca bệnh xuất hiện từ tháng 4/2022 và có chiều hướng tăng dần từ tháng 8 đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung tâm đã phát hiện và kịp thời xử lý 16 ổ dịch sốt xuất huyết. Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết: Trong thời gian qua, công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, phòng chống dịch sốt xuất huyết nói riêng trên địa bàn huyện Chương Mỹ luôn được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện với mục tiêu đặt sức khỏe của người dân lên trên hết.

Về công tác chuyên môn, đội ngũ cán bộ y tế từ Trung tâm đến các trạm y tế trên địa bàn đã được tập huấn, hướng dẫn lại hàng năm, vì vậy kiến thức của cán bộ y tế luôn vững vàng. Từ đó, cán bộ Trung tâm, cũng như trạm y tế tham mưu cho các cấp lãnh đạo các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời xử lý hiệu quả ca bệnh, ổ dịch. Do có sự chủ động về vật tư, hóa chất vì vậy khi có dịch bệnh được phát hiện đều được tiến hành xử lý triệt để, kịp thời.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào hoạt động giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch. Tiếp tục giám sát phát hiện bệnh nhân tại cộng đồng, bệnh viện đa khoa huyện, phòng khám tư nhân trên địa bàn để kịp thời nắm bắt tình hình dịch, phát hiện sớm, điều tra xử lý ca bệnh. Đặc biệt đối với bệnh sốt xuất huyết xử lý triệt để các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ được kiểm tra, giám sát.

Chủ động phối hợp triển khai các chiến dịch diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trung tâm cũng tăng cường phối hợp để đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác cho người dân, nhằm góp phần khống chế và kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, các bác sĩ khuyến cáo phòng, chống sốt xuất huyết không phải nhiệm vụ của riêng ngành Y tế và các cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình, nếu không dịch bệnh sẽ bùng phát trong thời gian tới. "Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết chủ động vẫn là biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy vừa dễ làm, hiệu quả an toàn, tuy nhiên vấn đề này người dân chưa thực sự tự giác, chỉ khi có cán bộ y tế hoặc cộng tác viên nhắc nhở thì mới thực hiện..." bác sĩ Quốc Toán cho biết thêm. /.

Minh Khuê
Lượt xem: 32
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...