• :
  • :

Mục tiêu dài hạn là mọi người dân Việt Nam đều được khám chữa bệnh miễn phí

Bộ Y tế đang xúc tiến sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), với mục tiêu dài hạn là mọi người dân Việt Nam đều được khám chữa bệnh (KCB) miễn phí. Đây là bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa định hướng “phát triển y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và bền vững”.

Tại Hội thảo “Nâng cao hơn nữa quyền lợi bệnh nhân trong chẩn đoán, điều trị” diễn ra vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Dự thảo sửa đổi Luật BHYT đang được Bộ khẩn trương xây dựng với tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu tối thượng là từng bước tiến tới miễn phí toàn bộ chi phí KCB cho người dân, theo đúng định hướng nhân văn và ưu việt của hệ thống chính trị nước ta.

Nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100%

Theo đó, lộ trình thực hiện sẽ được chia thành hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn từ năm 2026–2030 sẽ nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 100%, đảm bảo mọi công dân đều có thẻ bảo hiểm y tế.

Bảo đảm 90% người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế dự phòng, tầm soát bệnh tật. 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm.

Triển khai và hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân, gắn với mã định danh công dân, phục vụ công tác quản lý sức khỏe trọn đời.

Giảm tỷ lệ đồng chi trả từ người bệnh trong KCB BHYT xuống dưới 10%.

Hạ tỷ lệ chi trả từ tiền túi của người dân xuống dưới 20%, tiến tới bảo vệ tài chính tốt hơn trước rủi ro bệnh tật.

Tiếp đến là giai đoạn từ năm 2031–2035 là mở rộng phạm vi và mức chi trả BHYT để từng bước miễn phí toàn bộ chi phí KCB.

Đảm bảo mọi người dân, không phân biệt thu nhập hay khu vực cư trú, đều được tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng.

Tăng cường y tế dự phòng, sàng lọc sớm các bệnh không lây nhiễm, giảm gánh nặng bệnh tật.

Hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến xã, phường, để bảo đảm công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Vai trò an sinh trụ cột, củng cố niềm tin vào hệ thống y tế

Thứ trưởng Thuấn khẳng định, sửa đổi Luật BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm bảo đảm quyền lợi thiết thân cho người dân, đồng thời phát huy vai trò của BHYT là trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Đây là bước đi tất yếu để hiện thực hóa mô hình y tế công bằng, hiệu quả, mang đậm tính nhân văn.

Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ tham gia BHYT đạt hơn 94% dân số. Quỹ BHYT hiện có kết dư gần 40.000 tỷ đồng, là cơ sở tài chính quan trọng để mở rộng quyền lợi cho người tham gia, đặc biệt là các nhóm yếu thế như người nghèo, người dân tộc thiểu số, người cao tuổi và trẻ em.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tính toán lại mức đóng BHYT theo hướng linh hoạt, phù hợp khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng, đồng thời cân đối với khả năng chi trả từ ngân sách nhà nước.

Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả KCB; cải cách tài chính y tế, Bộ Y tế đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi số với nhiều nền tảng công nghệ mới như: hồ sơ sức khỏe điện tử, hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, nền tảng KCB từ xa, và kết nối liên thông dữ liệu y tế quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, công nghệ sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực giúp giảm tải cho tuyến trên, tăng cường y tế cơ sở và rút ngắn thời gian chẩn đoán – điều trị. Người dân sẽ được phục vụ tốt hơn, minh bạch hơn, và đặc biệt là không còn phải gánh chịu chi phí cao do bệnh tật kéo dài.

Tại hội thảo, đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia và lãnh đạo địa phương đều bày tỏ sự đồng thuận cao với định hướng sửa đổi Luật BHYT. Đây không chỉ là giải pháp về mặt kỹ thuật mà còn là chính sách thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đến sức khỏe nhân dân - điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Lượt xem: 4
Tác giả: Quỳnh Anh
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...