• :
  • :

Nhiều khoản nợ từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vẫn chưa thể thanh toán

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, có thực trạng, trong giai đoạn dịch COVID-19, nhiều đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân, đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục. Do vậy, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.

Nhiều khoản nợ từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vẫn chưa thể thanh toán

ĐBQH Nguyễn Hữu Thông. Ảnh: Media Quốc hội

Chưa thanh toán được vì vướng thủ tục

Sáng 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, trên thực tế còn nhiều vấn đề đã được cử tri quan tâm, kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Cơ quan chức năng đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri, đã xác nhận là đúng nhưng việc giải quyết quá lâu, khiến cử tri mòn mỏi đợi chờ.

Dẫn chứng là về vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ LĐTBXH và thẩm quyền của Bộ Y tế liên quan đến kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn của cả nước.

"Đây là vấn đề cử tri quan tâm từ rất lâu và bất cứ cuộc tiếp xúc cử tri nào của Đoàn ĐBQH của tỉnh Bình Thuận cũng nhận được ý kiến", ông nói.

Ông cho rằng, Bộ LĐTBXH đã nhiều lần ghi nhận và hứa sẽ tiếp tục nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét vào thời điểm thích hợp và gần nhất là Công văn số 5527 ngày 30.12.2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ tư quốc hội khóa XV. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy kết quả cụ thể để sửa đổi chính sách này.

Đại biểu cho biết thêm, có thực trạng trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, do nhiều ca mắc liên tục nhanh và việc thực hiện mua sắm theo quy định gặp nhiều khó khăn do dãn cách xã hội, các đơn vị thực hiện mượn hàng, vật tư y tế hóa chất sát khuẩn của các nhà cung cấp, doanh nghiệp tư nhân, đến nay chưa thanh toán do vướng các thủ tục.

"Mặc dù Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99 về giám sát chuyên đề này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng đến nay, Chính phủ và Bộ Y tế vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn thi hành", ông Nguyễn Hữu Thông nêu.

Vấn đề nổi cộm tại nhiều tỉnh thành

Tranh luận với ĐBQH Nguyễn Hữu Thông về các khoản nợ của các bệnh viện, cơ sở y tế trong giai đoạn đại dịch COVID-19 chưa trả được, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn TP Hà Nội) khẳng định, đây là vấn đề nổi cộm không chỉ của tỉnh Bình Thuận mà còn là vấn đề của đại đa số các tỉnh, thành phố mà đại dịch bùng phát, không chỉ vật tư, thuốc men mà còn cả suất ăn, đồ giặt, oxy, khí nén…

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông có đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn nhưng theo Đại biểu Lân Hiếu, chỉ như vậy là chưa đủ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Media Quốc hội

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Media Quốc hội

Ông Nguyễn Lân Hiếu nêu rõ, Chính phủ chỉ có thể đề ra nguyên tắc, chỉ đạo cho địa phương tự thực hiện rà soát nhưng luôn kèm theo một câu là “thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”. Như vậy ĐBQH cho rằng, mọi việc sẽ đứng yên một chỗ.

Do đó, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ Y tế cần ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về một số vướng mắc các mặt hàng cụ thể, hay sử dụng chống dịch, các địa phương cần hỗ trợ quyết liệt ngành y tế bằng các nghị quyết của HĐND, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau đại dịch để ngành y tế yên tâm tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân.