• :
  • :

Phòng bệnh đau mắt đỏ thật tốt, hơn hoảng loạn mua thuốc dự trữ

Dịch đau mắt đỏ bùng phát và lây lan khắp cả nước, có những địa phương nhiều người bị bệnh như Quảng Bình ghi nhận 6.000 ca, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM những ngày gần đây số lượt trẻ đến khám vì đau mắt đỏ tăng 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, từ 1.9 đến 11.9 tiếp nhận hơn 1.300 ca.

Phòng bệnh đau mắt đỏ thật tốt, hơn hoảng loạn mua thuốc dự trữ

Bác sĩ thăm, khám mắt cho bệnh nhân bị đau mắt đỏ cho người dân. Ảnh: Bảo Lâm

Đau mắt đỏ là chứng dễ lây lan, cho nên nhiều người lo lắng, phòng bệnh bằng cách đi mua thuốc trữ sẵn trong nhà. Quá nhiều người mua, tạo ra khan hiếm, ở Đà Nẵng, một số loại thuốc nhỏ mắt bị vét sạch. Người chưa mắc bệnh đi mua thuốc trữ, trong lúc người bệnh lại không mua được đúng thuốc theo toa bác sĩ.

Tình trạng nháo nhào chạy đi mua thuốc nhỏ mắt có tác động tiêu cực lên thị trường thuốc, một số loại bị đẩy giá, người mua chịu thiệt. Nhưng nguy hiểm hơn, đó là mua thuốc không có toa của bác sĩ, sử dụng tùy tiện, nếu có bệnh chưa chắc đã lành mà có thể bị nặng hơn. Nói một cách dễ hiểu nhất, đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân, chỉ bác sĩ khám mới chẩn bệnh và cho thuốc, không thể sử dụng thuốc theo cảm tính hay toa của bác sĩ “gu gồ”.

Tệ hơn, có không ít trường hợp nghe theo lời “lang băm”, chữa bệnh theo các liều thuốc hay “mẹo” dân gian, coi chừng hỏng luôn cả mắt. Ở thời đại này, còn tin vào các cách chữa phản khoa học, bệnh nặng hơn thì chỉ có trời cứu.

Dịch đau mắt đỏ có tiếp tục lây lan mạnh hơn hay không tùy thuộc vào khả năng phòng dịch của từng địa phương và quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng ngừa của mỗi cá nhân. Ngành y tế đã đưa ra một số biện pháp chủ động phòng dịch như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, không dùng các vật dụng cá nhân chung gồm lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính, gối… không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Nếu như mỗi người đều thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa, thì bản thân không bị bệnh và góp phần chống lây lan.

Ngành y tế, chính quyền các địa phương cần tập trung tuyên truyền cách phòng ngừa dịch đau mắt đỏ, đặc biệt là trong trường học. Các trường học phải có phương án phòng dịch cụ thể, chủ động, khoa học để hạn chế tối đa ca mắc bệnh trong học sinh, ảnh hưởng đến việc học tập của các em.

Tuy nhiên, đừng phó thác hết cho nhà trường, mà mỗi gia đình đều thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa dịch, giáo dục con cái ý thức tự bảo vệ mình.

Tập trung phòng dịch sẽ an toàn hơn đi mua thuốc trữ.