• :
  • :

Sẽ không còn nỗi lo thiếu thuốc?

Thời gian qua, hệ thống các bệnh viện công, đặc biệt là tuyến Trung ương như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… rơi vào tình trạng thiếu thuốc, thiếu các trang thiết bị, vật tư y tế, đến mức, Bệnh viện Việt Đức những ngày qua phải hạn chế mổ cho bệnh nhân. Để khắc phục tình trạng này, liên tiếp trong các ngày mùng 3, 4/3, Chính phủ đã ban hành 2 văn bản quan trọng tháo gỡ những bất cập trên khiến bệnh viện lẫn bệnh nhân đều cảm thấy nhẹ nhõm.

Từ thâu đêm ngồi chờ để được xạ trị…

Tình trạng thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc đang diễn ra ở nhiều bệnh viện trên khắp cả nước, khiến không chỉ bệnh nhân khổ mà nhiều bệnh viện cũng lao đao. Và bị ảnh hưởng lớn nhất là người bệnh, họ bị tước quyền lợi khi khám chữa bệnh vì không được hưởng các loại thuốc, vật tư y tế mà bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Đặc biệt là những bệnh nhân có bệnh mãn tính, điều trị ung thư, bệnh thận nhân tạo…

Sẽ không còn nỗi lo thiếu thuốc?
Người bệnh xếp hàng chờ tại hành lang Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức ngày 2/3.

Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị T, hiện đang điều trị xạ trị ung thư tại Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều).Theo lời chị T chia sẻ, từ trước Tết Nguyên đán 2023 chị phải điều trị tới 8 đợt hóa chất, trong đó có tới 3 lần phải tự đi mua hóa chất ở ngoài viện vào phục vụ cho quá trình chữa bệnh. Mặc dù hóa chất này nằm trong danh mục BHYT, nhưng bệnh viện đang thiếu. Cũng theo chị T… thậm chí lượng bệnh nhân quá tải, có hôm chị phải ngồi chờ từ 21h tới 1h sáng hôm sau mới được xạ trị. “Bệnh tật hành hạ đã khổ mà còn phải ngồi chờ vật vờ thâu đêm để được điều trị rất cực…”, chị T nói.

Tương tự, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, việc thiếu trang thiết bị y tế cũng gây ảnh hưởng nhiều tới việc khám, chữa bệnh của người dân. Ngồi chờ con ngoài hành lang Bệnh viện, bà V.T (quê Yên Bái) than thở: “Con trai tôi lên nhập viện để chờ mổ khớp háng những hiện vẫn chưa có lịch mổ. Tình hình này, ít nhất cũng phải chờ hết tuần này, sang tuần không biết đã được xếp lịch hay chưa. Chúng tôi quê ở xa nên rất sốt ruột mong muốn con được mổ sớm, cảnh ban ngày trực chờ trông con trong viện, tối nằm ngủ tạm ngoài ghế rất khổ”.

Được biết, bắt đầu từ ngày 1/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chính thức hạn chế mổ phiên, chỉ ưu tiên phẫu thuật những bệnh nhân nặng và cấp cứu. Việc hoãn mổ này dù người bệnh và cả bác sĩ đều không mong muốn, nhưng do vướng một số thủ tục nên bệnh viện không đấu thầu mua các loại vật tư y tế được. Những ca bệnh nặng cần mổ ngay sẽ được ưu tiên còn những bệnh nhân bị thoái hóa, chấn thương có thể trì hoãn thì phải lùi lịch mổ. Trong thời gian chờ mổ, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh dùng nẹp, uống thuốc... để không nặng thêm. Hiện có rất nhiều người bệnh đang xếp hàng chờ mổ, lịch đã xếp đến cuối tháng 3, nhưng phần lớn đều phải hoãn lại.

… Đến quyết liệt các giải pháp tháo gỡ cho ngành Y

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế bắt đầu xảy ra từ năm 2022. Những ngày cuối tháng 2/2023 vừa qua, các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức,… đều phản ánh tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế là rất đáng lo ngại. Theo đó, lý giải về tình trạng này Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vừa qua diễn ra ở một số bệnh viện, cơ sở y tế. Nguyên nhân của tình trạng này do sau dịch bệnh, nguồn cung về hàng hóa, trang thiết bị, thuốc có những dấu hiệu khan hiếm. Nhiều loại có giá cả biến động cao, trong khi nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân tăng hơn.

Theo ông Lê Đức Luận, một số hoạt động cung ứng trước đây đã ký thì nhiều hợp đồng liên quan đến hóa chất, vật tư y tế chỉ có thời hạn một năm. Tiếp đó, tình trạng gia hạn, cấp giấy phép thuốc, vật tư, trang thiết bị đang bị quá tải. Nhiều gói thầu không tìm được nhà thầu để mua sắm, có những gói thầu phải đấu thầu đến 2-3 lần. Ngoài ra, nhân lực để thực hiện công tác đấu thầu cũng không đáp ứng được yêu cầu. Có tâm lý e ngại trong việc mua sắm một số loại hàng hóa, đặc biệt là trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế...

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế rất tích cực phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ giải pháp tháo gỡ, đặc biệt là trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị, vật tư, thuốc. Cụ thể, Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 80 cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc đã hết hạn. Bộ Y tế đã gia hạn hơn 9.000 giấy phép. Có thể nói các giấy phép về lưu hành thuốc đến nay đã gia hạn hết. Như vậy, tất cả các loại thuốc trên thị trường đã đăng ký trước đây sẽ được tiếp tục lưu hành…

Đặc biệt, thời gian qua, Bộ Y tế cũng trình Chính phủ ban hành một số nghị định mới nhằm đảm bảo trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT… Theo đó, các bất cập liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc và thanh toán BHYT sẽ được giải quyết. Trong đó tập trung giải quyết vướng mắc về giá.

“Trước đây yêu cầu phải có 3 báo giá nhưng có mặt hàng không thể lấy đủ 3 báo giá, đó là những mặt hàng độc quyền. Cho nên nội dung này phải sửa theo hướng chấp nhận có những trường hợp chỉ có 1, 2 báo giá. Bên cạnh đó, trang thiết bị y tế cùng cấu hình, cùng tính năng nhưng nguồn gốc, xuất xứ, nhà sản xuất khác nhau thì giá khác nhau, nếu cứ lấy giá thấp nhất thì có thể sẽ không đảm bảo chất lượng…”- Thứ trưởng Lê Đức Luận cho biết thêm.

Ngày 3/3/2023, Chính phủ đã ký và ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 8/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế. Tiếp đó, ngày 4/3/2023, Chính phủ đã tiếp tục ký và ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. 2 văn bản này thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế từng bước hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Minh Khuê

Lượt xem: 3
Nguồn:laodongthudo.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...