• :
  • :

Singapore bước vào làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới

Singapore đang ở giữa làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới nhưng tình hình không quá đáng ngại.

Singapore bước vào làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới

Singapore đang trong làn sóng COVID-19 mới. Ảnh: Xinhua

Tờ Straits Times dẫn lời các chuyên gia nhận định, dù số ca nhập viện liên quan đến COVID-19 đang gia tăng trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới, điều này khó có thể khiến các bệnh viện tại Singapore quá tải.

Giáo sư Paul Tambyah - chuyên gia tư vấn cấp cao về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Singapore và Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế các bệnh truyền nhiễm - cho biết, vì các biến thể đang lưu hành trên toàn thế giới nhẹ hơn nhiều so với các chủng Delta ban đầu, nên số lượng bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt khó có thể tăng đáng kể.

Ông nói thêm: “Những gì chúng ta đang thấy hiện nay là những gì đã xảy ra với mọi loại virus trong lịch sử loài người - theo thời gian, chúng thích nghi với con người và trở nên dễ lây truyền hơn và ít độc lực hơn”.

Theo Giáo sư Tambyah, ngay cả "cúm Tây Ban Nha" chết người năm 1918 biến đổi thành chủng cúm theo mùa phổ biến nhất, gây ra các đợt bùng phát theo mùa hàng năm từ năm 1920 đến năm 1957. Điều này dường như cũng đang xảy ra với virus SARS-CoV-2 gây COVID-19.

Phó Giáo sư Alex Cook - Phó trưởng khoa nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore - cho biết, con số vẫn thấp hơn nhiều so với những gì quan sát được trong đợt sóng Omicron năm 2022, vì vậy hiện tại không có gì đáng lo ngại.

“Chúng ta có thể thấy những làn sóng nhấp nhô như thế này trong tương lai khi khả năng miễn dịch tăng/giảm trong dân số” - ông Cook nói.

Ngày 14.4, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung - cho hay Singapore đang ở giữa làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới, ước tính số ca mắc hàng ngày tăng từ khoảng 1.400 ca trong tháng 3 lên 4.000 ca vào tuần trước.

Khoảng 3 trong số 10 trường hợp hiện tại là tái nhiễm - cao hơn mức 20 đến 25% được thấy trong đợt trước.

Theo Bộ trưởng Ong, mặc dù số ca nhiễm bệnh đang gia tăng, song không có bằng chứng nào cho thấy các chủng virus hiện tại gây ra bệnh nặng hơn.

Bộ Y tế Singapore cũng tuyên bố, làn sóng hiện tại được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các biến thể phụ XBB - chẳng hạn như XBB.1.5, XBB.1.9 và XBB.1.16, còn được gọi là Arcturus - và không có bằng chứng về số ca bệnh nặng gia tăng.

Theo Bộ Y tế Singapore, đã có 16.108 trường hợp được báo cáo trong tuần đầu tiên của tháng Tư. Trong khoảng thời gian này, đã có 424 người nhập viện do COVID-19, trong đó 9 người được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).

Giáo sư Tambyah nêu một số lý do có thể dẫn đến sự gia tăng số ca mắc COVID-19, như người dân đi lại nhiều hơn trong các kỳ nghỉ học vào tháng 3, cũng như kỳ nghỉ cuối tuần dài Thứ Sáu Tuần Thánh, khiến các chủng virus mới lây lan, cũng như làm suy giảm khả năng miễn dịch do tiêm chủng.

Dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy nhu cầu về giường bệnh vẫn ở mức cao, với tỉ lệ lấp đầy hàng ngày tại các bệnh viện công dao động từ 81,6% đến 100% trong tuần qua.

Thời gian chờ nhập viện từ khoa cấp cứu cũng duy trì ở mức cao tại một số bệnh viện tại đây.

Tuy nhiên, làn sóng COVID-19 hiện tại vẫn chưa áp đảo các bệnh viện vì Singapore cho đến nay vẫn chưa huy động các bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở tạm thời để xử lý các ca bệnh - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, tiến sĩ Leong Hoe Nam cho biết.

Tiến sĩ Leong nói, nếu có nhiều người nhập viện hơn, Singapore có thể áp dụng các biện pháp đã sử dụng trước đó trong đại dịch - chẳng hạn như giảm các ca phẫu thuật tự chọn và xây dựng các cơ sở tạm thời.

Singapore ghi nhận hơn 2,2 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu vào đầu năm 2020, với hơn 1.700 ca tử vong.

Trong thời gian đó, quốc gia này đã đưa ra một loạt biện pháp, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, truy vết tiếp xúc và hạn chế tụ tập.

Giáo sư Tambyah nói rằng, với vị thế là một trong những thành phố được kết nối nhiều nhất trên thế giới, Singapore có khả năng xuất hiện các ca COVID-19 do tất cả các biến thể mới gây ra trong vài năm tới, mặc dù những biến thể này có thể vẫn là mối quan tâm lớn của giới học giả dù thế giới đã quen với việc sống chung với virus.

Lượt xem: 1
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết