• :
  • :

Bạo hành trẻ em bị xử lý thế nào?

Vụ việc bạo hành trẻ em xảy ra ở mái ấm Hoa Hồng, Quận 12, TPHCM đang gây bức xúc trong dư luận. Câu hỏi đặt ra, việc bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý thế nào?

Bạo hành trẻ em bị xử lý thế nào?

Lực lượng chức năng TPHCM kiểm tra mái ấm Hoa Hồng sau khi có phản ánh về bạo hành trẻ em tại cơ sở này. Ảnh: Minh Tâm

Luật sư Trần Phi Đại - Văn phòng Luật sư Phương Minh, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết bạo hành trẻ em là cách nói của người dân để chỉ hành vi bạo lực trẻ em theo quy định của pháp luật.

Theo quy định tại Khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 thì bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Và bạo lực trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016.

Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em”, quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;

b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;

d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại Điểm d, Khoản 1 Điều này.

Điều 134 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ.

Ngoài ra, tùy tỉ lệ tổn thương cơ thể, số lần phạm tội, số người bị tổn hại sức khỏe, công cụ gây tổn hại sức khỏe, số người bị chết… mà hình phạt tù có thể bị áp dụng từ 2 năm đến 20 năm hoặc chung thân.

Luật sư Đại cũng nhận xét, việc Sở LĐTBXH TPHCM đề nghị UBND Quận 12 chỉ đạo Phòng Cảnh sát Điều tra Công an Quận 12 phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương thụ lý, điều tra, xác minh, làm rõ những người có liên quan đến hành vi bạo hành trẻ em xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng để khởi tố, xét xử theo quy định pháp luật là rất kịp thời, nhằm bảo đảm quyền của trẻ em cũng như sự nghiêm minh của pháp luật.

Lượt xem: 5
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết