• :
  • :

Bộ trưởng Giáo dục: Giáo viên phải toàn tâm cho giờ dạy chính, không phân tâm cho dạy thêm

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, để giải quyết gốc rễ vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan, cốt lõi là phải nâng cao chất lượng của giờ dạy chính khóa trên lớp.

9h: Mong muốn chấm dứt "kỳ thi kinh hoàng" của hàng triệu học sinh và phụ huynh mỗi dịp hè

Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) quan tâm về việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

Đại biểu cho biết, Bộ trưởng nói chương trình học phổ thông hiện nay quá nhẹ so với thế giới, nhưng ông cho rằng, cần xem xét lại nhiều chính sách trong giáo dục, ví dụ phân luồng học sinh. Phân luồng đặt mục tiêu 40% học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) phát biểu tranh luận.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) phát biểu tranh luận.

Chính vì tỷ lệ này mà việc đảm bảo cho mơ ước lên THPT của nhiều học sinh gặp khó vì không đảm bảo trường do chính sách phân luồng.

Theo đại biểu, trong kỷ nguyên số, với yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta không thể có nguồn nhân lực chất lượng cao dựa trên nền tảng học sinh có mặt bằng học vấn THCS.

Đại biểu cũng nêu rõ, chính sách phân luồng hiện nay không hiệu quả. Bao nhiêu năm nay phụ huynh mong con học hết cấp 3 nên phải lấy nền tảng THPT để phân luồng.

Từ đó đại biểu mong muốn chấm dứt "kỳ thi kinh hoàng" của hàng triệu học sinh và phụ huynh mỗi dịp hè, đó là kỳ thi vào THPT.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thừa nhận việc phân luồng chia tỷ lệ 40-60, trong đó 40% học sinh học xong THCS đi học nghề, là cách phân chia cứng nhắc về cả cơ sở lý luận và thực tiễn.

Thông tin quy định này được nêu trong Quyết định 522 do Bộ Giáo dục tham mưu ban hành, Bộ trưởng Sơn cho biết thời điểm này cần văn bản thay thế quyết định trên.

Bộ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục đang đề xuất nghị định thay thế theo hướng việc hướng nghiệp phải thực chất, tự nguyện để học sinh có nguyện vọng đều được học THPT.

Bộ Giáo dục đang đề xuất sửa 3 luật gồm: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục Đại học, trong đó có nội dung rất quan trọng là tạo ra hệ thống liên thông giữa giáo dục phổ thông, dạy nghề và đại học một cách đồng bộ, nhịp nhàng để sự phân luồng từ bên trong theo hướng tự nguyện, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

8h50: Bạo lực học đường trên không gian mạng ngày càng gia tăng

Đại biểu Nàng Xô Vi – Đoàn Kon Tum nêu thực tế, bạo lực học đường vẫn là thách thức lo ngại trong ngành giáo dục. Hình thức đang chuyển dần từ bạo lực thể chất sang bạo lực tinh thần, đặc biệt trên không gian mạng.

Ở các địa bàn vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề này còn đáng lo ngại hơn khi học sinh còn thiếu kỹ năng tự bảo vệ, giáo viên thì kiêm nhiệm nhiều vai trò. Nhà trường còn thiếu đội ngũ chuyên gia tâm lý học đường. Sự phối hợp gia đình, nhà trường còn nhiều khó khăn. Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng này? Lộ trình xây dựng trường học lành mạnh, nhân văn?” - đại biểu đặt câu hỏi chất vấn cho Bộ trưởng Bộ GDĐT.

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum)

Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (Đoàn Kon Tum)

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, công bằng mà nói, ở các trường học vùng sâu, vùng xa, vấn đề học đường không đến mức phức tạp như ở các trường ở các khu đô thị. Song, ông thừa nhận thực tế, bạo lực trên không gian mạng, mức độ, tính chất ngày càng phức tạp.

“Trong số các vụ bạo lực học đường diễn ra hiện nay, 20 – 25% các hình thức bạo lực học đường là trên không gian mạng. Hình thức Bắt nạt trực tuyến có xu hướng ra tăng và ngày càng phức tạp. Trong phòng chống bạo lực học đường, sẽ cần tập trung hơn với vấn đề bạo lực trực tuyến, bắt nạt trên không gian mạng” - Bộ trưởng nói.

8h40: Đất nước lạc hậu, kinh tế chậm phát triển mà có các trường đại học trong nhóm hàng đầu thế giới là việc vô cùng khó

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) đặt câu hỏi về việc xếp hạng giáo dục đại học trong thời gian qua: "Năm 2025, Việt Nam có 10 đại diện trong bảng xếp hạng đại học thế giới, trong đó có 4 trường lọt tốp 1.000.

Để đạt được mục tiêu đến 2030 có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học nằm trong top 500 trường tốt nhất thế giới, 5 cơ sở giáo dục thuộc tốp 200 châu Á như đã xác định thì Bộ trưởng có giải pháp và lộ trình thực hiện thế nào?".

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) chất vấn.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) chất vấn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, để có được các trường đại học xếp hạng cao thì là một trong những điều mong muốn và là một chỉ tiêu phấn đấu của giáo dục đại học trong tầm nhìn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Chúng ta cũng mong muốn là có ít nhất là 5 trường sẽ đứng vào top 500 của các trường đại học theo thế giới, theo bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới.

Tuy nhiên, con đường để đạt được mục tiêu này cũng không phải dễ dàng. Bởi tốc độ phát triển của các trường đại học của chúng ta trong những năm qua thì có phát triển, có gia tăng về các cái chỉ số về khoa học, về đào tạo, nhưng tốc độ phát triển thì chưa nhanh so với yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển của nhân lực.

Cũng chính vì tốc độ chưa nhanh đó cho nên là về phía Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương và Chính phủ cũng đang đề ra rất nhiều các chính sách để thúc đẩy sự phát triển và gia tăng chất lượng các trường đại học cần phải nhanh hơn nữa để mới đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mức độ xếp hạng các trường đại học và sự phát triển của nền kinh tế cũng là một hệ thống và hô ứng với nhau.

Trong số 200 các trường đại học hàng đầu trên thế giới thì hầu hết đều thuộc các nước trong nhóm G7 và Trung Quốc. Cho nên nếu một đất nước lạc hậu, kinh tế chậm phát triển mà có các trường đại học trong nhóm hàng đầu thế giới là một việc vô cùng khó.

Do đó, bên cạnh việc gia tăng tốc độ phát triển về kinh tế thì đại học cũng phải hết sức cố gắng để cải thiện chất lượng, tăng cường các sản phẩm khoa học công nghệ để có thể cải thiện trên bảng xếp hạng. Xếp hạng cũng là một cái đối sánh quốc tế để chúng ta nhìn thấy chúng ta đang ở đâu.

Tuy nhiên cũng có một điều, xếp hạng cũng chỉ là một kênh để đánh giá các trường đại học. Mà nhiều bảng xếp hạng thì cũng căn cứ nhiều vào các cái công bố quốc tế, bài báo quốc tế.

Vì vậy, bên cạnh những công bố quốc tế thì một phần rất quan trọng là giải các bài toán thực tiễn, những vấn đề lớn của đất nước đang đặt ra và các phát minh, các sáng chế, các giải pháp hữu ích, giải những vấn đề của đời sống thực tế, đóng góp cho đất nước thì đấy là một điều còn quan trọng hơn nữa đối với các trường đại học, nhất là trong giai đoạn mới này.

8h30: Cần đưa ra lộ trình, chỉ tiêu để giảm dần tình trạng dạy thêm, học thêm

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) đánh giá, qua các vấn đề mà Bộ trưởng trả lời, có thể thấy ngành giáo dục và riêng Bộ trưởng đang giải quyết nhiều vấn đề khó, "nóng" và được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, trong đó có vấn đề dạy thêm, học thêm.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Bộ trưởng đã đưa ra nhiều nguyên nhân, giải pháp để giải quyết vấn đề dạy thêm, học thêm đáp ứng mong mỏi của cử tri - "nhưng nếu không khái quát hóa lên thành nhóm nguyên nhân chính thì có thể sẽ không đưa ra được những biện pháp mang tính đồng bộ, không thể giải quyết vấn đề một cách căn cơ".

Đại biểu đánh giá có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dạy thêm, học thêm - là kinh tế và xã hội.

Thứ nhất, về kinh tế, nước ta đang phát triển nên chưa tập trung được nguồn lực dẫn tới lương giáo viên chưa cao, số lượng giáo viên, trường học chưa đủ. Đồng thời, chưa tập trung cho vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức một cách đồng bộ.

Bên cạnh đó, nền kinh tế của chúng ta cũng chưa phải là nền kinh tế công nghiệp hiện đại, nên khả năng lựa chọn việc làm của học sinh phổ thông là một vấn đề còn hạn chế, từ đó dẫn tới việc tập trung vào việc học để tìm việc.

Thứ hai, về xã hội có 2 vấn đề là tâm lý xã hội và thiết chế xã hội.

"Nước ta xuất phát từ một nước hiếu học, đây là một lợi thế để phát triển xã hội, tuy nhiên dẫn tới vấn đề khác là trọng khoa bảng", đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Còn về thiết chế xã hội, đại biểu cho rằng, hiện việc tuyển chọn nhân sự chưa đi vào thực chất, vẫn trọng văn bằng, chứng chỉ. Bản thân phụ huynh học sinh nhiều khi còn bị chịu áp lực văn bằng lên chính bản thân mình.

Từ những thực tế trên, đại biểu cho rằng, cần đưa ra các giải pháp kiểm tra, giám sát. Mặt khác phải tuân theo quy luật khách quan.

Điều quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đưa ra được lộ trình, chỉ tiêu (trong đó có dạy thêm, học thêm) để phấn đấu đạt.

"Có thể sẽ giảm dần và triệt tiêu khi mà chúng ta trở thành một nước phát triển", đại biểu Huân nêu.

Sau tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn và tán thành với ý kiến trên.

8h28: Định hướng của ngành giáo dục để thực hiện chủ trương dạy học miễn phí 2 buổi/ngày

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cho rằng, chủ trương tổ chức dạy học buổi 2 hoàn toàn miễn phí có ý nghĩa quan trọng. Ông Thành đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GDĐT: “Định hướng của ngành trong triển khai sắp tới để tổ chức tốt, đặc biệt đặt trong bối cảnh cơ sở vật chất, sắp xếp bộ máy cơ sở giáo dục, chính quyền 2 cấp hiện nay?”.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, tại thời điểm này, bậc tiểu học đã triển khai dạy 2 buổi/ngày đạt tới 99%. Nhưng ở bậc THCS, THPT, điều kiện để tổ chức 2 buổi/ngày còn khó khăn, đặc biệt là tại nhiều trường học ở đô thị lớn, không gian chật chội, khó để triển khai việc này.

Bộ trưởng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư trong Thông báo 177, Thủ tướng cũng đã ban hành Chỉ thị 17, trong đó nhấn mạnh, từ tháng 9.2025, các tỉnh, thành phố, tập trung tối đa điều kiện tổ chức buổi học thứ 2 tại trường học. Quan điểm tổ chức là tùy theo điều kiện của từng nơi, cố gắng tối đa, không thu tiền bất kỳ buổi nào.

"Buổi học 2 sẽ tập trung phát triển năng lực toàn diện cho học sinh như: Thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, tăng cường năng lực tự học, kỹ năng sống...

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đây là định hướng lớn, cần làm, và nên làm. Bộ GDĐT sẽ chuẩn bị chương trình, hướng dẫn, địa phương sẽ cần chủ động. Tôi hy vọng sẽ từng bước làm tốt. Khi đó, chất lượng dạy học sẽ được cải thiện” - Bộ trưởng nói.

8h15: Giáo viên phải toàn tâm, toàn ý cho giờ dạy chính, không phân tâm cho dạy thêm

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) chất vấn, theo báo cáo, Bộ có đánh giá tình hình dạy thêm trá hình dưới nhiều hình thức khá phổ biến, cho thấy còn nhiều khoảng cách giữa chính sách và thực tiễn. Cha mẹ học sinh xem việc học trên lớp là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu thi cử, cần tìm đến học thêm như giải pháp tất yếu để cải thiện kết quả học tập.

Việc có 2 tồn tại nêu trên được xem là mối quan hệ cung cầu. Tuy nhiên, trong các giải pháp được Bộ trưởng nêu ra chỉ thiên về hoàn thiện thể chế quản lý hành chính, nhưng vấn đề mấu chốt khắc phục triệt để mối quan hệ cung cầu này là nâng cao chất lượng dạy và học giờ chính khóa.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để nâng cao chất lượng dạy và học trong giờ chính khóa.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định đây là một vấn đề có ý nghĩa quan trọng, là lời giải cho bài toán dạy thêm, học thêm đang gây nhiều bức xúc.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết gốc rễ vấn đề dạy thêm, học thêm tràn lan, giải pháp cốt lõi là phải nâng cao chất lượng của giờ dạy chính khóa trên lớp. Ông nhấn mạnh: "Khi trả lời câu hỏi này cũng có nghĩa là chúng ta đề cập đến các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông nói chung”.

Bộ trưởng đã chỉ ra hai nhân tố mang tính quyết định. Trong đó nhân tố quan trọng hàng đầu chính là đội ngũ giáo viên. Bộ trưởng nói: "Nhân tố quan trọng đầu tiên không gì khác, đó là đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải đủ về số lượng và toàn tâm, toàn ý cho giờ dạy chính, không phân tâm, không phân tán, không phải lo quá nhiều việc khác.

Để dạy được một giờ dạy chất lượng chính khóa trên lớp, giáo viên cần rất nhiều giờ chuẩn bị, soạn bài, chấm bài, sinh hoạt chuyên môn và hỗ trợ học sinh. Nếu thời gian và tâm sức bị phân tán cho các hoạt động khác (bao gồm cả dạy thêm), chất lượng giờ học chính khóa khó có thể được đảm bảo.

Bộ trưởng khẳng định, Thông tư 29 bản chất không cấm giáo viên dạy thêm mà chỉ quản quản lý, điều tiết. Ngoài giờ trên lớp, giáo viên có thể được quyền tham gia hoạt động dạy thêm theo quy định. Tuy nhiên, nếu số buổi dạy ngoài chính khóa chiếm quá nhiều thời gian dạy thêm thì sẽ không còn thời gian tập trung chăm chút cho giờ dạy chính khóa.

Trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi giáo viên phải hoạt động nhiều hơn, sáng tạo hơn, không còn phụ thuộc nhiều vào sách giáo khoa. Do đó, việc giáo viên tập trung toàn bộ tâm huyết cho giờ dạy chính càng trở nên quan trọng.

Tiếp đó, cần đảm bảo cơ sở vật chất và sĩ số lớp hợp lý. Nếu như các lớp học mà số học sinh 60-70 học sinh thì chất lượng cũng sẽ rất khó có thể tốt được. Với sĩ số này, giáo viên không thể đổi mới phương pháp, không thể quan tâm, chăm sóc đến từng học sinh.

Vì vậy, việc đầu tư để đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đầy đủ, phòng học khang trang và sĩ số lớp hợp lý là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt chương trình giáo dục.

Các giải pháp đồng bộ khác bao gồm rà soát chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường cơ sở dữ liệu và thư viện để học sinh tự học, đổi mới kiểm tra đánh giá.

8h10: Đề xuất quy đầu mối kiểm soát chất lượng bữa ăn về Bộ Y tế

Trả lời câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) liên quan đến vấn đề kiểm soát thực phẩm, đảm bảo cung cấp thức ăn, bữa ăn an toàn cho học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây là vấn lớn, cần sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều đơn vị.

Về quy định, thể chế, theo Bộ trưởng, hiện nay, các văn bản hướng dẫn về vệ sinh an toàn thực phẩm hầu như đều là thông tư liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ GDĐT.

“Tôi cũng đã đề nghị thống nhất 1 đầu mối là Bộ Y tế quy định cho chặt chẽ. Bộ GDĐT là đơn vị thực hiện đầy đủ theo trách nhiệm, sẽ mạch lạc hơn” - Bộ trưởng nói.

Ông cũng cho biết thêm, thời gian tới, sẽ tiếp tục tăng cường việc kiểm tra giám sát của các tổ chức chính quyền địa phương.

“Trong trường chỉ là kiểm tra phần ngọn. Chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra việc kiểm tra của các địa phương. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của nhà trường, nhân viên y tế... Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra giám sát trong thời gian tới” - Bộ trưởng khẳng định.

8h07: Đại biểu chất vấn tổ chức nhiều kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực khác nhau làm tăng áp lực thi cử

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) cho biết, theo Thông tư 06 và sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 08 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non thì các trường có thể sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, trong đó có kỳ kiểm tra đánh giá năng lực.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) chất vấn.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) chất vấn.

Theo đại biểu, cử tri có ý kiến, việc tổ chức nhiều kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực khác nhau lại làm tăng áp lực thi cử. Thí sinh ở xa phải di chuyển, tốn kém chi phí, đồng thời phải ôn nhiều nội dung, dạng đề khác nhau làm giảm thời gian tập trung cho chương trình học tập chính khóa. Bộ trưởng có ý kiến như thế nào về việc này và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo quy định về quyền tự chủ, các trường đại học được tự chủ trong tuyển sinh. Hiện nay, ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT chung, có 5 cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi riêng với các tên gọi khác nhau, phần nhiều là kỳ thi đánh giá năng lực. Trong đó, có 5 nơi thu hút trên 10.000 thí sinh tham gia mỗi kỳ thi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh một con số quan trọng: "Qua thống kê, khảo sát, số thí sinh dùng các kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển và nhập học vào các trường đại học, tỉ lệ này cũng chỉ chiếm có 3%".

Bộ trưởng khẳng định việc tham gia các kỳ thi này là "sự lựa chọn tự nguyện" của thí sinh. Trước hết là tăng cơ hội cho thí sinh và các trường đại học.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các kỳ thi riêng này có thể được xem là một bước thử nghiệm quan trọng về khoa học kiểm tra, đánh giá. Các kỳ thi này đang ứng dụng công nghệ hiện đại như thi trên máy tính, và thí sinh có thể biết kết quả ngay.

"Đây cũng là một cái mức thử nghiệm về khoa học kiểm tra đánh giá và cung cấp những cái kinh nghiệm cho các bước đổi mới trong thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học trong những năm tới," ông phân tích.

Bộ trưởng cũng tiết lộ lộ trình đổi mới: theo kế hoạch, từ năm 2027, việc thi tốt nghiệp THPT sẽ được thí điểm thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện. Ông cho rằng, những kinh nghiệm từ các kỳ thi riêng hiện nay sẽ giúp hướng đến một sự thống nhất cao trong việc thi cử và tuyển sinh, dựa trên nền tảng khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin, qua đó "làm giảm áp lực không cần thiết cho người học hơn trong thời gian sắp tới".

Nhóm vấn đề chất vấn dành cho Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn có thực trạng và giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục đại học gắn với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Việc thực hiện quy định của pháp luật về dạy thêm, học thêm là vấn đề thời sự, cũng sẽ được tư lệnh ngành giáo dục giải đáp rõ trong phiên đăng đàn của mình.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn còn trả lời về công tác bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực học đường; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh quan điểm, cần hạn chế dạy thêm, học thêm để “giữ tuổi thơ” cho học sinh. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh quan điểm, cần hạn chế dạy thêm, học thêm để “giữ tuổi thơ” cho học sinh. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, trong phiên chất vấn ngày 19.6, đã có rất nhiều vấn đề được các đại biểu đặt ra, đề nghị Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo làm rõ, trong đó, nhóm nội dung liên quan đến dạy thêm, học thêm tiếp tục làm "nóng" nghị trường Quốc hội.

Đã có nhiều câu hỏi đại biểu đặt ra và với cương vị tư lệnh ngành Giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định quan điểm xuyên suốt: Luật Nhà giáo và thông tư đều nghiêm cấm nhà giáo ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức.

Còn trong trường hợp học sinh tự nguyện, có nhu cầu học ngoài thời gian chính khóa, Bộ trưởng lưu ý các giáo viên, quan trọng hướng dẫn cho học sinh tự học, sử dụng buổi học thứ 2 hiệu quả chứ không phải các học sinh có nhu cầu "nài học thêm là dạy thêm". Bởi theo ông, hạn chế việc dạy thêm trong và ngoài trường, đặc biệt trong nhà trường để học sinh có thời gian tự học, đọc tài liệu, học các môn liên quan đến kỹ năng, trang bị những thứ cần thiết khác.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, hiện Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị chuẩn bị tổ chức buổi dạy thứ 2.

"Muốn tổ chức buổi dạy thứ 2 cũng phải có quá trình, tức có thời gian cho việc khác chứ không phải cứ còn thời gian "hở ra là lôi nhau ra dạy thêm kiến thức cũ" - Bộ trưởng khẳng định.

Không phải cứ học sinh có nhu cầu là dạy mà ở đây phải đảm bảo giữ tuổi thơ cho trẻ em.

Các em phải có thời gian chơi, học những thứ khác. Còn khi thiết kế chương trình phổ thông 2018, theo Bộ trưởng, đã tính đến việc bằng thời gian chính khóa trong kế hoạch nhà trường có thể đảm bảo các yêu cầu.

"Trong trường hợp này, không phải cứ học sinh tự nguyện là đáp ứng trong nhà trường" - Bộ trưởng nói thêm và nhấn mạnh với việc dạy thêm, học thêm còn nhiều vấn đề phải trao đổi.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...