• :
  • :

Cán bộ, nhà giáo, người lao động đồng hành sinh viên ngày trở lại trường

Sáng nay (ngày 19/2), hơn 1.000 cán bộ, nhà giáo, người lao động và sinh viên 6 khoa: Công tác Xã hội, Giáo dục Đặc biệt, Sinh học, Tâm lý - Giáo dục học, Triết học, Việt Nam học (thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng tham gia tọa đàm “Cán bộ, nhà giáo, người lao động đồng hành sinh viên ngày trở lại trường”.

Tọa đàm được tổ chức trong bối cảnh sau hơn 7 tháng giãn cách, học tập online, thời gian tới (từ ngày 21/2) sinh viên sẽ quay trở lại học tập trực tiếp tại trường; Dịch COVID-19, thời gian nghỉ giãn cách dài đã tác động rất nhiều tới cuộc sống, học tập, sức khỏe, tâm lý… của sinh viên và cán bộ, nhà giáo, người lao động; Nhiều sinh viên có những lo lắng, bối rối, băn khoăn trước việc quay trở lại trường học trực tiếp, tâm thế xáo trộn và hoang mang, bất ổn.

Chính bởi vậy, cán bộ, nhà giáo, người lao động của các khoa, trung tâm, phòng ban trong nhà trường đã lên kế hoạch, phương án cụ thể để hỗ trợ sinh viên quay trở lại trường học được diễn ra tốt nhất trong tâm thế chủ động.

undefined
Tọa đàm “Cán bộ, nhà giáo, người lao động đồng hành sinh viên ngày trở lại trường”

Tọa đàm được tổ chức nhằm mục tiêu giúp hiểu rõ về những khó khăn, lo lắng, băn khoăn của nhà giáo, người lao động và sinh viên khi quay trở lại trường dạy, học trực tiếp; Có kế hoạch, giải pháp cụ thể để việc đón sinh viên trở lại học tập diễn ra thuận lợi và đạt kết quả tốt; Có những giải pháp hỗ trợ, tư vấn cho cán bộ, nhà giáo, người lao động và sinh viên khi gặp phải những vấn đề nảy sinh do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong quá trình học tập, giảng dạy trực tiếp.

Bên cạnh đó, cán bộ công đoàn bộ phận chủ động lên kế hoạch hỗ trợ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong đơn vị để đồng hành cùng sinh viên ngày trở lại trường kịp thời, hiệu quả.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các thầy cô, chuyên gia đến từ các khoa trong truòng. Ngoài những chia sẻ về công tác tổ chức đón sinh viên trở lại trường học an toàn, các chuyên gia và thầy cô còn giải đáp kịp thời những vướng mắc của sinh viên qua phần trao đổi "Sinh viên hỏi thầy cô trả lời".

Tại chương trình, các đại biểu tập trung thảo luận quanh những vấn đề: Bối cảnh, tác động của dịch bệnh COVID-19 với hệ thống giáo dục; Những lo lắng, khó khăn, mong muốn của sinh viên khi quay trở lại học tập trực tiếp; Những lo lắng, khó khăn và đề xuất của cán bộ, giáo viên khi làm việc, giảng dạy trực tiếp; Những vấn đề tâm lý có thể xuất hiện khi cán bộ, giáo viên, sinh viên quay trở lại trường giảng dạy và học tập trực tiếp...

undefined
Phần thuyết trình của PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, khoa Tâm lý giáo dục

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia còn đề xuất giải pháp hỗ trợ tâm lý cho giáo viên, sinh viên từ các bộ phận liên quan (nhà trường, khoa, giảng viên bộ môn, cố vấn học tập, giáo vụ, công tác học sinh - sinh viên, Đoàn Thanh niên...). Đồng thời, buổi tọa đàm cũng dành thời gian để hướng dẫn đảm bảo các nguyên tắc an toàn theo quy định của Bộ Y tế và sự vận dụng linh hoạt của các nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng phát đi thông báo về một số lưu ý xử lí các tình huống phát sinh F0, F1 để các thầy cô và sinh viên sẵn sàng ứng phó với tình huống phát sinh trong việc dạy và học trực tiếp.

Trong buổi học trực tiếp đầu tiên của lớp học phần, giảng viên yêu cầu sinh viên ngồi tại vị trí xác định và duy trì trong các buổi học tiếp theo đến khi hết học phần. Sinh viên nghỉ ngơi tại chỗ giữa các tiết học và chỉ rời khỏi phòng học khi thật cần thiết. Giảng viên cần chụp ảnh toàn cảnh vị trí ngồi của sinh viên ở mỗi ca học để có căn cứ xác định F1 khi phát sinh ca F0 trong lớp.

Hết ca học, sinh viên di chuyển ra khỏi phòng học, trên các hành lang, cầu thang và trong thang máy một cách trật tự và đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Khi sinh viên báo cáo tình trạng F0, F1 của bản thân, giảng viên lớp tín chỉ xử lí tình huống theo gợi ý: Nhắc nhở sinh viên báo với cán bộ quản lý sinh viên về việc mình thuộc diện F0, F1 để khoa có hướng hỗ trợ và cập nhật thông tin lên trường; Yêu cầu sinh viên nghỉ ngơi tại nơi cư trú, thực hiện nghiêm các quy định đối với F0, F1 và chỉ trở lại học tập trực tiếp khi đáp ứng đủ các quy định về y tế.

Sinh viên cần bình tĩnh, suy nghĩ lạc quan và hành động tích cực, nhanh chóng vượt qua giai đoạn cách ly để sớm đủ điều kiện trở lại trường học trực tiếp.

undefined
Phần trình bày tại tọa đàm của TS Giáp Bình Nga

Nếu sinh viên diện F0, F1 có triệu chứng nhẹ và có điều kiện, nguyện vọng học tập trực tuyến để theo kịp chương trình thì giảng viên hướng dẫn sinh viên học tập qua hệ thống LMS (đọc tài liệu, xem video, thực hiện nhiệm vụ học tập, làm bài kiểm tra...). Căn cứ minh chứng kết quả bài kiểm tra, sản phẩm học tập trên hệ thống LMS, giảng viên đánh giá chuyên cần, ý thức, thái độ học tập, qua đó xem xét sinh viên có đủ điều kiện thi hết học phần hay không.

Khi có giảng viên thuộc diện F0, F1, không thể thực hiện giảng dạy trực tiếp trên giảng đường, Ban Chủ nhiêm khoa (quản lí đào tạo môn chuyên ngành) và trưởng nhóm giảng viên dạy môn chung (quản lí đào tạo môn chung) thảo luận với các giảng viên và điều chỉnh kế hoạch giảng dạy: Bố trí giảng viên khác dạy thay trực tiếp trên giảng đường; Nếu không bố trí được giảng viên dạy thay thì hướng dẫn sinh viên học trực tuyến trên hệ thống LMS.

Nhóm giảng viên dạy cùng một học phần cần bổ sung video bài giảng mỗi tuần; Nếu chưa có thì có thể ghi lại video bài giảng trên giảng đường của giảng viên cùng học phần ở lớp tín chỉ khác.

Bằng sự chuẩn bị chu đáo, lường trước được mọi tình huống, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã và đang thực hiện những phương án tối ưu để giảng viên và sinh viên tiếp tục hoạt động dạy và học, thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh, đảm bảo an toàn cho thầy và trò trong mùa dịch.

Lượt xem: 115
Tác giả: Hương Giang
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...