• :
  • :

Nhiều chính sách hỗ trợ “tiếp sức” phục hồi thị trường lao động

Sau Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu công nhân lao động. Do đó, các đơn vị đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ chân người lao động, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, nỗ lực đạt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Doanh nghiệp chạy đua “hút” người lao động

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2022, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh thiếu lao động. Mặc dù các doanh nghiệp liên tiếp đưa ra thông báo tuyển dụng lao động với mức lương cao cùng chính sách đãi ngộ hấp dẫn nhưng vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp “khát” lao động.

Tại các khu công nghiệp và chế xuất ở Hà Nội, doanh nghiệp đua nhau tung ra các thông báo tuyển dụng công nhân với số lượng lớn. Kèm theo số lượng tuyển dụng, các doanh nghiệp cũng niêm yết tỉ mỉ về mức lương, chính sách đãi ngộ hấp dẫn...

Chị Trần Thanh Tâm (ở Kim Chung, Đông Anh) cho biết: "Sau Tết, số lượng công nhân nghỉ việc, chuyển việc khá lớn nên công ty đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 lao động ở các vị trí khác nhau. Mặc dù thông báo tuyển dụng từ trước Tết đến nay nhưng công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng".

Tương Tự, chị Nguyễn Thục Anh, hiện đang làm việc tại Khu Công nghiệp Quang Minh cho hay: "Công ty tôi làm đang thiếu khoảng 50 công nhân lành nghề với mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn có chế độ hỗ trợ nhà ở cho công nhân và các gia đình đang nuôi con nhỏ. Mặc dù có nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn, tuy nhiên đến nay công ty vẫn chưa tuyển đủ số lượng công nhân".

Nhiều chính sách hỗ trợ “tiếp sức” phục hồi thị trường lao động

Nhiều công ty, doanh nghiệp đăng thông báo tuyển dụng với những chính sách ưu đãi để thu hút người lao động

Theo khảo sát của phóng viên, hiện các khu công nghiệp khác như Khu công nghiệp Đông Anh, Khu công nghiệp Quang Minh (Đông Anh, Hà Nội), các doanh nghiệp đặt thông báo tuyển dụng ở ngay trước cổng và các khu vực xung quanh công ty với mức lương, chế độ đãi ngộ khá tốt.

Thống kê của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cho thấy, từ ngày mùng 7 Tết, khoảng 90% doanh nghiệp mở xưởng để sản xuất với hơn 96% số công nhân lao động trở lại làm việc, tập trung ở các doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp và chế xuất, ngành dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng tại các công ty ở khu công nghiệp cũng tăng trở lại. Nhiều công ty tuyển hàng trăm công nhân.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc làm Hà Nội thông tin: Trong hai ngày 7 - 8/2, khoảng 30 công ty đăng ký tuyển dụng hơn 700 lao động. Doanh nghiệp cần lao động chủ yếu trong ngành cơ khí, may mặc, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe... với mức lương dao động 7 - 15 triệu đồng. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong tháng 2 vẫn còn tăng, thị trường lao động chưa thể trở lại sôi động ngay sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.

Tập trung hỗ trợ công nhân, người lao động

Nhằm “tiếp sức” phục hồi thị trường lao động trong những tháng đầu năm, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, hàng loạt các chính sách hỗ trợ tiền mặt, cho vay vốn ưu đãi dành cho người lao động sẽ được triển khai ngay trong 6 tháng đầu năm.

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, với mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, Chính phủ đã ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Một trong những nhóm giải pháp được Chính phủ đưa ra là đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Nhiều chính sách hỗ trợ “tiếp sức” phục hồi thị trường lao động

Để “tiếp sức” phục hồi thị trường lao động, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động nhằm nhanh chóng ổn định thị trường lao động trị giá khoảng 6.600 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ tiền mặt trực tiếp được thực hiện lần này là hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ cho người lao động đang ở thuê, trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm và người lao động quay trở lại thị trường lao động.

Có 2 mức hỗ trợ, đối với người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm là 500.000 đồng/tháng; Đối với người lao động về quê quay trở lại làm việc được hỗ trợ 1 triệu đồng, tối đa trong 3 tháng.

Ngoài chính sách hỗ trợ tiền mặt, Chính phủ còn có chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho công nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tổng nguồn vốn cho vay với các chính sách này tối đa là 25.000 tỷ đồng.

Để tạo việc làm ổn định cho người lao động, Chính phủ cũng ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất cho doanh nghiệp. Chính phủ tiếp tục cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho hay: “Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đầu tư, tăng cường kết nối cung cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Bên cạnh đó, Bộ xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp".

Lượt xem: 120
Tác giả: Thanh Hà
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...