Hà Nội sẽ đề xuất cơ chế đặc thù tuyển dụng giáo viên dạy môn học mới
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học.
Ảnh minh họa |
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội năm học 2023-2024 là triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1 - 4, 6 -11; Đồng thời, tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để tiếp tục triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các khối lớp còn lại (lớp 5, 9 và 12) vào năm học 2024-2025. Đây cũng là 3 khối lớp cuối cùng thực hiện chương trình mới.
Năm học 2023-2024, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên đã được giao tại Quyết định số 72-QĐ/TƯ ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị “về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026” để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất cơ chế đặc thù đối với việc tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Đồng thời, xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tính đến hết năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Tổng số giáo viên hiện nay là khoảng 138.000 người.