Giáo dục đại học cần gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Cùng với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giáo dục đại học tại Cần Thơ cần gắn với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố - đó là mong muốn của Bí thư Thành uỷ Cần Thơ trong chuyến thăm và làm việc với các đơn vị đào tạo đại học trên địa bàn vào chiều 10.8.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Được Chính phủ xác định là một trong 19 trường đại học trọng điểm của quốc gia và là trường lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), hiện nay, Trường Đại học Cần Thơ đang đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực đa ngành, đa lĩnh vực và nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ của cả nước, đặc biệt là phục vụ phát triển kinh tế xã hội của khu vực.
Ông Nguyễn Thanh Phương - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ - cho biết: Trường đang đào tạo 84 ngành trình độ đại học (gồm 117 chương trình đào tạo), 51 chuyên ngành trình độ thạc sĩ và 21 chuyên ngành trình độ tiến sĩ. Mỗi năm, trường cung cấp cho xã hội khoảng 10.000 cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ, đây là nguồn nhân lực lớn có trình độ cao.
"Hiện nay, trường có 1.845 viên chức, người lao động, trong đó có có 18 giáo sư, 163 phó giáo sư, 595 tiến sĩ, 689 thạc sĩ. Đội ngũ giảng viên của trường được đào tạo bài bản, có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cao, đảm bảo thực hiện tốt nhất nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" - ông Phương cho biết.
Thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập cả nước và với khát vọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL, Trường Đại học Nam Cần Thơ cũng đã xây dựng và phát triển riêng mô hình “Doanh nghiệp trong trường đại học”.
Theo đó, trường thành lập Tập đoàn Nam Miền Nam, Công ty TNHH MTV Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, Công ty TNHH MTV Thương mại DNC, Viện Nghiên cứu và Phát triển dược liệu. Mô hình này nhằm phục vụ nhu cầu thực hành – thực tập cho sinh viên, đồng thời là nơi tiếp nhận sinh viên làm việc sau tốt nghiệp.
Gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Cũng có định hướng phát triển đào tạo nhân lực chất lượng cao, song, Trường Đại học Chính trị Cần Thơ cho biết đơn vị vẫn còn nhiều khó khăn về mặt biên chế và kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, cơ sở vật chất được trang bị mới từ năm 2018; khu ký túc xá học viên có 25 phòng chỉ đảm nhu cầu 100 học viên; khu ký túc xá thứ hai được khởi công từ năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao;... Thực trạng ký túc xá như vậy chưa đảm bảo nhu cầu lưu trú của học viên.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, đối với các cơ sở giáo dục đại học tại thành phố cần nỗ lực giải quyết những khó khăn nội tại để tiếp tục phát triển công tác giảng dạy, đặc biệt là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
“Nguồn nhân lực chất lượng cao bao gồm học hàm, học vị, kiến thức và năng lực tổ chức thực hiện công việc, phải dám nghĩ, dám làm. Hiện tại, Cần Thơ đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng cho biết, thành phố đang quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp. Do đó, với thế mạnh riêng, từng cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn cần định hướng, tập trung phát triển theo chuyển dịch cơ cấu của thành phố.