Học sinh có thể tự chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025
Theo phương án dự kiến được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn nêu trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, năm 2025, học sinh có thể được tự chọn môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Thông tin này khiến các học sinh vô cùng phấn khởi.
Phù hợp với tất cả học sinh
Nhận định đây là chủ trương đúng đắn của ngành Giáo dục, em Nguyễn Thế Huy - học sinh trường THPT Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: “Là lứa học sinh đầu tiên học chương trình Giáo dục phổ thông mới từ năm học 2022 - 2023 với việc tự chọn môn học tổ hợp, em đã rất băn khoăn về việc thi tốt nghiệp THPT 2 năm tới. Vì vậy, em nghĩ phương án học sinh được tự chọn môn thi tốt nghiệp là phù hợp với tất cả học sinh”.
Học sinh có thể được tự chọn môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 |
Theo đó, lứa học sinh sinh năm 2007 học năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở bậc THPT. Học sinh lớp 10 học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Ngoài môn bắt buộc, các em được lựa chọn 4 trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Ngoài ra, học sinh còn phải lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.
Trong năm đầu triển khai chương trình mới, không ít học sinh xin được thay đổi môn tổ hợp sau khi đã chọn chỉ sau vài tháng bắt đầu năm học mới vì nhiều lý do: Không phù hợp với thực tế năng lực khi theo học, thay đổi định hướng nghề khi chọn tổ hợp xét tuyển đại học…
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên THPT ở Hà Nội, cho rằng, lâu nay, việc định hướng nghề nghiệp tương lai thường chỉ được quan tâm khi bước vào giai đoạn cuối cấp hay trên giảng đường đại học. Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như: Đức, Mỹ, Nhật Bản… đã đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc trung học. Việc định hướng nghề nghiệp sớm sẽ giúp nâng cao năng suất lao động và học sinh dễ dàng ổn định sau tốt nghiệp.
“Chính vì vậy, việc phân hóa môn học ngay từ năm học lớp 10 và cho chủ động lựa chọn môn thi tốt nghiệp bên cạnh các môn bắt buộc sẽ giúp cho học sinh có kế hoạch học tập phù hợp, đầu tư nhiều thời gian và công sức hơn vào môn thế mạnh, năng khiếu. Từ đó, học sinh có nhìn nhận và đánh giá khả năng, năng lực và sở thích của mình chính xác hơn”, cô Hiền nhấn mạnh.
Không chỉ có cô Hiền, các giáo viên THPT ở Hà Nội cũng cho rằng, việc lựa chọn đúng những môn học tự chọn sẽ giúp học sinh tự tin, hứng thú trong quá trình học tập, chuẩn bị tốt nhất những kiến thức cần thiết cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào đại học, lập thân, lập nghiệp sau này. Ngược lại, việc chọn sai sẽ dẫn đến những khó khăn trong suốt 3 năm học THPT cũng như định hướng nghề trong tương lai.
Đáp ứng yêu cầu của chương trình mới
Trong báo cáo gửi đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình một số băn khoăn, bất cập trong triển khai thực hiện sách giáo khoa và chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dự kiến, đầu năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới |
Theo đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, văn bản hướng dẫn về phương thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho học sinh trong việc định hướng chọn tổ hợp môn học đối với lớp 10 năm học 2022 - 2023, giáo viên lúng túng điều chỉnh cách dạy học, phương thức thi, kiểm tra đánh giá.
Theo Bộ GD&ĐT, Bộ đã phân tích, đánh giá các góp ý của xã hội để hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Dự kiến đầu năm học 2023 - 2024, Bộ sẽ ban hành phương án thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 về cơ bản kế thừa phương thức và cách thức tổ chức thi như hiện nay; Bảo đảm tính đồng bộ về độ tin cậy của kết quả đánh giá để các bên liên quan có thể khai thác, sử dụng cho các mục đích khác nhau như tuyển sinh.
Theo đó, phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ chung đề, chung đợt, cho học sinh tự quyết định chọn môn học để dự thi tốt nghiệp trong số các môn học lựa chọn. Đây là phương án cơ bản đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, phù hợp với cách thức chọn môn học lựa chọn của học sinh.
Trước đó, vào tháng 3/2023, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kỳ thi có 4 môn bắt buộc là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử. Học viên hệ giáo dục thường xuyên thi 3 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn và Lịch sử. Ngoài ra, học sinh phải chọn thêm hai môn khác trong 7 môn là Vật lý, Hoá học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.