• :
  • :

Loạt trường học ở Quảng Nam rớt chuẩn, gặp khó vì chạy theo Thông tư

Quảng Nam tập trung xây dựng lại trường chuẩn từ “gốc”, sau khi loạt trường học rớt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, lộ trình này cũng gặp không ít khó khăn bởi những quy định mới.

Bấp cập trường chuẩn chạy theo Thông tư

Ngày 13.7, trao đổi với PV Lao Động, ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Quảng Nam cho hay, việc 167 trường học của tỉnh đạt chuẩn quốc gia 2023, nhưng rớt chuẩn sau 1 năm chủ yếu là do cơ sở vật chất xuống cấp, không đảm bảo.

Tuy nhiên, thực trạng này cũng phản ánh việc đầu tư giáo dục thiếu đồng bộ, chỉ tập trung xây dựng phòng học, hiệu bộ, mà thiếu các khu vui chơi, nhà đa năng… Có một bất cập là nhiều trường học mới xây dựng theo chuẩn quốc gia của Thông tư 17, 18, 19 ban hành năm 2018, đã lạc hậu so với tiêu chí theo Thông tư 13 ban hành năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành, Quảng Nam) là 1 trong số nhiều trường học xây dựng rất khang trang, nhưng không đáp ứng tiêu chí mới. Ảnh Anh Sắc

Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành, Quảng Nam) là 1 trong số nhiều trường học xây dựng rất khang trang, nhưng "lạc hậu" so với Thông tư 13. Ảnh Anh Sắc

“Ví dụ theo quy định Thông tư 13/2020, các trường phải có các nhà đa năng, nhưng phần lớn các trường ở Quảng Nam hiện không có nhà đa năng. Trong đó, những trường mới xây rất đẹp, rất thích như Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành có tổng mức đầu tư gần 60 tỉ đồng, diện tích 4,2ha, khởi công năm 2019 – PV) nhưng thiếu khu vui chơi của học sinh và đặc biệt là nhà đa năng, nên không đạt chuẩn” – ông Tường cho biết.

Chú trọng chất lượng thực chất

Thực tế, thời gian qua, Quảng Nam đã có sự đầu tư lớn cho ngành giáo dục để phục vụ mục tiêu nâng chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, nhiều công trình trường học tiền tỉ bị chậm tiến độ, đã khiến các trường không đạt mục tiêu duy trì và nâng chuẩn.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn) kinh phí xây dựng hơn 61 tỉ đồng, đã chậm tiến độ nhiều năm, khiến hơn 560 học sinh phải học tạm ở ngôi trường cũ không đạt chuẩn. Ảnh Nguyễn Hoàng

Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn) kinh phí xây dựng hơn 61 tỉ đồng, đã chậm tiến độ nhiều năm, khiến hơn 560 học sinh phải học tạm ở ngôi trường cũ không đạt chuẩn. Ảnh Nguyễn Hoàng

Ngược lại, cũng có nhiều trường học ở vùng khó khăn được đầu tư đồng bộ như trường THCS Thái Phiên, ở xã biển Tam Thanh, TP Tam Kỳ, đã trở thành trường cấp 2 đầu tiên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 sau 5 năm của cả tỉnh.

Cô Trần Thị Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Phiên cho biết, Trường hiện có quy mô 3 dãy nhà 2 tầng, sân bóng đá mini, thư viện cũng đạt chuẩn. Về chất lượng đào tạo đại trà và mũi nhọn luôn trong tốp đầu của các trường vùng Đông, hơn 90% giáo viên hiện có trình độ đạt và trên chuẩn.

Trường THCS Thái Phiên (xã Tam Thanh) là điểm sáng giáo dục ở vùng Đông Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh Nguyễn Hoàng

Trường THCS Thái Phiên (xã Tam Thanh) là điểm sáng giáo dục ở vùng Đông Tam Kỳ, Quảng Nam. Ảnh Nguyễn Hoàng

Năm 2024, Trường tiếp tục được TP.Tam Kỳ bố trí vốn hơn 14 tỉ đồng, để xây mới nhà đa năng, cải tạo sân vườn, phòng học, nhà vệ sinh, hạng mục phòng cháy chữa cháy… Đây là niềm vui rất lớn với cô trò trong bối cảnh đời sống người dân xã bãi ngang ven biển còn nhiều khó khăn – cô Minh chia sẻ.

Theo ông Tường, quy định trường đạt chuẩn quốc gia có 5 tiêu chuẩn chung gồm: Tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Và gần 30 tiêu chí cụ thể.

Sở đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền cần đầu tư cơ sở vật chất cho các trường một cách bài bản, đồng bộ, đúng công năng. Không chỉ đầu tư cho các hạng mục phòng học, mà còn đầu tư cho các hạng mục Giáo dục thể chất vui chơi, giải trí... Bởi yêu cầu của trường chuẩn là phải đào tạo giáo dục toàn diện.

Liên quan đến vấn đề xây dựng trường chuẩn, ông Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các trường học chậm trễ. Đồng thời, chú trọng xây dựng chất lượng trường chuẩn thực chất, không chạy theo thành tích, đối phó.