Những “sân chơi” nâng cao đời sống tinh thần đoàn viên
Song song với việc triển khai công tác đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô cũng chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nhằm tạo sân chơi để công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) có điều kiện giao lưu, học hỏi, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần và có thêm động lực để hăng hái thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Sân chơi của CNVCLĐ đam mê môn thể thao vua
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, mặc dù thời tiết ở Hà Nội nắng, mưa thất thường nhưng không làm vơi đi tinh thần thi đấu thể thao sôi nổi, trung thực, đoàn kết của các cầu thủ thuộc 28 đội bóng đến từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia tranh tài tại Giải bóng đá CNVCLĐ Cúp báo Lao động Thủ đô lần thứ VII năm 2022. Cùng với đó là công tác tổ chức bài bản, khoa học của Ban Tổ chức và sự cổ vũ của nồng nhiệt của hàng ngàn cổ động viên. Tất cả đã tạo nên một sân chơi bổ ích, lý thú cho những CNVCLĐ đam mê môn thể thao vua.
CNVCLĐ tại Cụm thi đua số 4 LĐLĐ thành phố Hà Nội tham gia Hội khỏe CNVCLĐ Thủ đô năm 2022. Ảnh: Mai Quý |
Bà Lê Thị Bích Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập báo Lao động Thủ đô, Trưởng Ban Tổ chức Giải bóng đá CNVCLĐ Cúp báo Lao động Thủ đô lần thứ VII năm 2022 cho biết: “Thực hiện sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, báo Lao động Thủ đô đã phối hợp với Ban Tuyên giáo LĐLĐ Thành phố tổ chức Giải đấu nhằm tạo sân chơi giúp CNVCLĐ có cơ hội giao lưu, học hỏi, nâng cao đời sống tinh thần, rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể lực, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Sau 16 ngày thi đấu, đã diễn ra 58 trận với 244 bàn thắng, trung bình gần 5 bàn thắng/trận đấu, điều đó đã nói lên sự sôi nổi, quyết liệt; đồng thời khẳng định sự chuyên nghiệp, uy tín, của một giải thể thao phong trào, góp phần khơi gợi tinh thần “Thể thao để nâng cao sức khỏe - Thể thao để hăng say lao động” của CNVCLĐ Thủ đô”.
Chia sẻ cảm xúc khi tham gia Giải đấu, anh Nguyễn Anh Sơn - vận động viên của đội bóng Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (thuộc LĐLĐ quận Hoàn Kiếm) bày tỏ: “Mặc dù tham gia khá nhiều giải bóng đá phong trào ở Hà Nội, nhưng tôi rất bất ngờ khi chứng kiến Giải bóng đá CNVCLĐ Cúp báo Lao động Thủ đô lần thứ VII được tổ chức khá chuyên nghiệp và các đội tham gia với tinh thần thể thao rất fair play. Tôi mong rằng Ban Tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức các mùa giải sau để người lao động có điều kiện nâng cao đời sống văn hóa tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi; đồng thời có cơ hội giao lưu, học hỏi với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố”.
Đa dạng các hoạt động văn hóa thể thao
Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai nhiều hoạt động để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CNVCLĐ. LĐLĐ Thành phố đã tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thành lập mới, củng cố và duy trì hoạt động của 35 Cụm văn hóa thể thao, 53 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, 92 tổ tự quản các khu nhà trọ công nhân… Đây là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu, hội họp, học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết xã hội, đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; là địa điểm để công nhân lao động quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống… Tại đây luôn có các hoạt động đọc báo, xem tivi, bảng tin, sinh hoạt văn nghệ, các hoạt động thể thao, nơi sinh hoạt Công đoàn cơ sở.
Sau những giờ làm việc cần mẫn, mệt nhọc trong các nhà máy hay trên công trường, công nhân lao động đã tích cực tham gia chương trình giao lưu văn nghệ “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”. Chương trình được LĐLĐ Thành phố chỉ đạo Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô phối hợp với Công đoàn cấp trên tổ chức, phục vụ nhu cầu của hàng ngàn công nhân lao động trên địa bàn Thủ đô. Các tiết mục biểu diễn được dàn dựng công phu với chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tổ chức Công đoàn, khát vọng tuổi trẻ. Đêm giao lưu “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát” đã khơi dậy phong trào văn hóa văn nghệ, là cơ hội để công nhân lao động được hát, được nghe, được giao lưu, gửi gắm khát vọng và mơ ước của mình, tăng cường sự gắn bó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
LĐLĐ Thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa thể thao để tạo sân chơi cho CNVCLĐ; đồng thời chỉ đạo tổ chức Hội khỏe cán bộ, giảng viên, người lao động khối các Trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội năm 2022; chỉ đạo các Cụm thi đua LĐLĐ Thành phố tổ chức Hội khỏe CNVCLĐ Thủ đô năm 2022. Qua đó, góp phần tăng cường gặp gỡ, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm và hiểu biết lẫn nhau trong cán bộ, CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Phúc Thọ, Cụm trưởng Cụm thi đua số 4 LĐLĐ Thành phố cho biết, thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, Cụm thi đua số 4 LĐLĐ Thành phố đã tổ chức thành công Hội khỏe CNVCLĐ Thủ đô năm 2022 với hơn 400 vận động viên tham gia. Tại Hội khỏe, các vận động viên là CNVCLĐ thuộc LĐLĐ các huyện: Phúc Thọ, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng đã tham gia thi đấu với 3 nội dung thi đấu, gồm: Cầu lông, bóng bàn, kéo co.
“Ở mỗi nội dung thi đấu, dưới sự cổ vũ nhiệt tình của các cổ động viên, các vận động viên đã thể hiện tinh thần thi đấu đoàn kết, trung thực, cao thượng và tiến bộ, cống hiến cho khán giả những trận đấu hay, đẹp mắt. Kết thúc Hội khỏe, Ban Tổ chức đã giao giải Nhất, Nhì, Ba cho các vận động viên ở các nội dung thi đấu; trao giải Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn cho các LĐLĐ trong Cụm thi đua. Qua hoạt động này góp phần thúc đẩy sự phát triển của phong trào thể dục thể thao, từng bước xây dựng đời sống văn hóa, lối sống lành mạnh trong công nhân, viên chức, lao động”, bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.
Có thể khẳng định, với việc triển khai đa dạng các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của các cấp Công đoàn Thủ đô đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống tinh thần của CNVCLĐ. Từ đó, CNVCLĐ thêm tin tưởng vào tổ chức Công đoàn, yên tâm làm việc, lao động sản xuất, gắn bó và nỗ lực góp sức vào sự phát triển bền vững của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp./.