• :
  • :

Phụ cấp thâm niên càng cao, chứng tỏ giáo viên trụ nghề càng lâu

"Phụ cấp thâm niên một mặt công nhận những nhà giáo lâu năm, một mặt khuyến khích các nhà giáo trẻ. Khoản phụ cấp này vẫn luôn là niềm mong ước của nhiều giáo viên" - thầy giáo tại Tiền Giang bộc bạch.

Phụ cấp thâm niên càng cao, chứng tỏ giáo viên trụ nghề càng lâu

Phụ cấp thâm niên có ý nghĩa với nhiều giáo viên. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Phụ cấp thâm niên như món quà

Là một trong hàng triệu giáo viên trên cả nước ủng hộ chính sách cải cách tiền lương từ 1.7.2024, thế nhưng cô Nguyễn Thị Thu Hà – giáo viên Trường Tiểu học Hồng Long (Nghệ An) lại cảm thấy chạnh lòng khi nhắc đến cụm từ "phụ cấp thâm niên". Nhìn lại chặng đường gần 30 năm công tác, cô Hà cho rằng, khoản phụ cấp này là minh chứng cho hành trình nỗ lực cống hiến của giáo viên với sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nhớ lại những ngày đầu công tác, nữ giáo viên cho biết, bản thân được phân công công tác ở vùng miền núi Tân Kỳ (Nghệ An), thuộc vùng sâu vùng xa. Vì vậy, cô được hưởng thêm phụ cấp vùng đặc biệt khó khăn. Thế nhưng, mức lương lúc bấy giờ chỉ vài trăm nghìn đồng một tháng.

Những ngày mưa bão, cô cùng đồng nghiệp vẫn phải vượt qua nhiều cung đường đất trơn trượt, với mong muốn mang con chữ đến học sinh vùng khó. Những ngày đó, trường học đơn giản là những ngôi nhà cấp 4 với những trang thiết bị đơn sơ. Thế nhưng giáo viên vẫn không ngại khó, ngại khổ công tác.

Những năm đầu bước chân vào nghề, cô Hà sống rất chật vật, khó khăn. Với số tiền lương ít ỏi khó có thể xoay sở cho cuộc sống hàng ngày. Vừa phải nuôi con nhỏ, vừa phải công tác xa nhà, đã có lúc cô nghĩ tới việc tìm một công việc mới để có thể trang trải cho cuộc sống. Thế nhưng tình yêu nghề đã giữ chân cô ở lại.

"Thời gian trôi qua, ngành Giáo dục ngày càng được quan tâm, đời sống của giáo viên cũng được cải thiện. Mặc dù so với các ngành nghề khác, đồng lương của chúng tôi vẫn còn thấp, song có nhiều khoản phụ cấp hỗ trợ, cũng là sự động viên, ví dụ như phụ cấp thâm niên.

Mỗi năm, mức phụ cấp này được tăng lên lại tiếp thêm cho tôi động lực để tiếp tục công việc. Phụ cấp thâm niên như món quà, vừa là cột mốc đánh dấu chặng đường dạy học của tôi, vừa đỡ đần cho cuộc sống thường ngày" - cô Hà chia sẻ.

Vì những lý do trên, nữ giáo viên cảm thấy hụt hẫng khi bị cắt bỏ phụ cấp thâm niên sau cải cách tiền lương. "Mong sao các cấp có thể xem xét đưa phụ cấp thâm niên trở lại là một trong các khoản phụ cấp mà giáo viên được hưởng trong bảng lương. Đó là sự ghi nhận, cũng như lời động viên đến đội ngũ nhà giáo chúng tôi” - cô Hà bộc bạch.

Không thể quên dáng vẻ lần đầu nhận phụ cấp thâm niên

Từng dành trọn sức trẻ cho ngành Giáo dục, giờ đây tính thâm niên công tác đã hơn con số 30 năm, thầy Trần Văn Minh – giáo viên Trường Tiểu học Phước Trung (Tiền Giang) bày tỏ sự tiếc nuối khi phụ cấp thâm niên bị bãi bỏ.

“Sau khi ra trường, tôi phải đi dạy một thời gian khá dài thì mới có chính sách hưởng phụ cấp thâm niên. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cảm giác vui vẻ, sung sướng khi được nhận khoản phụ cấp ấy. Đó là mốc đánh dấu hành trình dạy học của bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp. Thâm niên càng cao thì chứng tỏ chúng tôi trụ nghề càng lâu.

Phụ cấp thâm niên một mặt công nhận những nhà giáo lâu năm, một mặt khuyến khích các nhà giáo trẻ. Khoản phụ cấp này vẫn luôn là niềm mong ước của nhiều giáo viên. Vì thế tôi mong sao Đảng và Nhà nước có thể xem xét giữ lại phụ cấp thâm niên cho chúng tôi”- thầy Minh bày tỏ.

Cải cách tiền lương từ 1.7.2024 sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); Phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); Phụ cấp công tác Đảng, Đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); Phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).