• :
  • :

Sắp xếp nguyện vọng xét tuyển để chắc suất vào đại học

Bắt đầu từ ngày 18.7 đến 17h ngày 30.7.2024, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần.

Sắp xếp nguyện vọng xét tuyển để chắc suất vào đại học

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Trang Hà

Vẫn còn hoang mang

Bạn Lê Hoàng Mai Nhi - học sinh lớp 12C1 Trường THPT Kim Liên (Nghệ An) dù đã trúng tuyển sớm, nhưng vẫn muốn tiếp tục đăng ký xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. “Vì chưa hài lòng với kết quả xét tuyển học bạ nên em dự định sẽ đăng ký thêm 10 nguyện vọng bằng phương thức xét điểm tốt nghiệp. Em đang tính toán việc sắp xếp thứ tự, cũng như hỏi ý kiến gia đình cùng thầy cô để có những lựa chọn chính xác nhất, chắc suất đỗ đại học” - Mai Nhi chia sẻ.

Dù đã đỗ xét tuyển sớm ở một số trường đại học, bạn Lê Thị Cẩm Tú - học sinh lớp 12A2 Trường THPT Kim Liên (Nghệ An) - cũng đang băn khoăn trong việc sắp xếp nguyện vọng. “Bản thân em đã đỗ xét tuyển sớm ở một số trường đại học, em dự định xếp những nguyện vọng ấy là phương án dự phòng. Thế nhưng theo tìm hiểu, có trường khi công bố điểm chuẩn đưa ra điều kiện về thứ tự nguyện vọng, nên em rất hoang mang và hết sức đau đầu khi cân nhắc thứ tự trong việc xếp nguyện vọng” - Cẩm Tú chia sẻ.

Cần có phương án hợp lý

Cô Đậu Mỹ Thanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 Trường THPT Kim Liên (Nghệ An) - là người có kinh nghiệm chủ nhiệm lớp 12 nhiều năm. Trong suốt quá trình giảng dạy của mình cô đã bắt gặp nhiều trường hợp do không nắm rõ quy chế dẫn đến việc vụt mất cơ hội vào được trường đại học mình mong muốn.

“Việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng là rất quan trọng. Các em nên đưa ngành học mà mình yêu thích nhất lên đầu tiên và sắp xếp giảm dần theo điểm chuẩn. Bởi khi các em đỗ nguyện vọng 1 thì tự động tất cả các nguyện vọng phía sau của các em sẽ bị đánh trượt. Nếu rơi vào trường hợp không đủ đỗ nguyện vọng 1 sẽ lùi dần về nguyện vọng phía sau. Vì thế các em nên cân nhắc kỹ lưỡng, thay đổi, điều chỉnh nguyện vọng cho đến khi phù hợp với bản thân mình nhất. Việc chỉnh sửa sẽ vẫn được tính là hợp lệ cho đến trước 17h ngày 30.7. Ngoài ra, đối với các em học sinh đã đỗ xét tuyển sớm vẫn cần đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GDĐT. Nếu không thực hiện bước này thì xem như kết quả đó của các em sẽ bị hủy” - cô Thanh nhắc nhở.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Lê Hoài Đức - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải - hướng dẫn các thí sinh chiến thuật để gia tăng khả năng đỗ đại học.

“Việc sắp xếp thứ tự nguyện vọng phải dựa vào sở thích, những nguyện vọng đầu tiên sẽ dành cho các ngành bản thân yêu thích. Bên cạnh đó cần cân nhắc đến học lực của mình. Tránh tình trạng đăng ký rất nhiều nguyện vọng nhưng có điểm sàn sàn nhau, điều này sẽ khiến cho các em tăng nguy cơ trượt đại học.

Các em có thể chia thành 3 nhóm ngành. Đầu tiên là nhóm ngành phù hợp với sở thích của bản thân và có điểm chuẩn đầu vào tương đối cao. Tiếp đến là nhóm ngành có điểm chuẩn vừa sức với bản thân, thỏa mãn được 70 - 80% sở thích của mình. Và cuối cùng là nhóm ngành có điểm chuẩn thấp hơn năng lực của bản thân tầm 4-5 điểm. Điều này sẽ giúp các em nâng cao tỉ lệ chắc suất trúng tuyển vào đại học, tránh được nguy hiểm việc điểm chuẩn tăng mạnh”- PGS Đức dặn dò.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết