• :
  • :

Xếp lương nhà giáo cao nhất, tránh phải lo nghĩ dạy thêm

Việc ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ giúp cải thiện thu nhập, bớt gánh nặng mưu sinh.

Xếp lương nhà giáo cao nhất, tránh phải lo nghĩ dạy thêm

Theo kết luận của Bộ Chính trị, lương của nhà giáo được xếp cao nhất; có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Ảnh: Hải Nguyễn

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Kết luận số 91-KL/TW nêu rõ yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, bồi dưỡng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Ngày 27.8, trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho hay, trong các dịch vụ công, giáo dục là một dịch vụ công rất quan trọng đòi hỏi sự đầu tư lớn của nhà nước.

Khi bàn về việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục có đề cập tới việc ưu tiên xếp lương của nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước với ngành Giáo dục - một ngành rất quan trọng với sự phát triển của đất nước.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh -  nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước với ngành giáo dục. Ảnh: T.Vương

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, ưu tiên xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước với ngành Giáo dục. Ảnh: T.Vương

“Ngành Giáo dục là ngành “trồng người”, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Do vậy, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm, chăm lo cho sự phát triển của ngành Giáo dục” - ông Dĩnh nói.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh phân tích, có nhiều ý kiến cho rằng, nhà giáo là viên chức nhưng phải được coi là viên chức đặc biệt, nhà giáo là người lao động nhưng phải là người lao động làm nghề đặc biệt.

Để đổi mới giáo dục thì cần chăm lo cho đội ngũ nhà giáo. Giáo viên có được chăm lo chính sách đầy đủ, tiền lương, thu nhập tốt thì mới có thể toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học, cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

“Tiền lương, thu nhập tốt thì giáo viên mới toàn tâm, toàn ý dạy học trong nhà trường, không phải suy nghĩ lo việc dạy thêm, tránh tình trạng “chân ngoài dài hơn chân trong”, tránh tình trạng biến tướng các hình thức thu không hợp lý trong nhà trường…” - TS Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận.

Theo ông Dĩnh, tiền lương là một trong những yếu tố, nội dung của việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Nhưng đây là nội dung rất quan trọng. Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề liên quan như sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tình trạng thừa thiếu giáo viên, trường học… cần phải có sự sắp xếp phù hợp.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết