Xử phạt người hút thuốc lá điện tử: Liệu có dễ dàng?
Để thực thi lệnh cấm thuốc lá điện tử hiệu quả, Việt Nam cần phải xử lý từ gốc, là những người buôn bán trái phép, quảng cáo tiếp thị.
Bất chấp lệnh cấm, thuốc lá điện tử vẫn rao bán tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: chụp màn hình
Bộ Y tế vừa đề xuất phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi chứa chấp, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, phạt gấp đôi nếu tái phạm.
Các chuyên gia cho rằng, mức phạt như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải quyết liệt thực thi, tránh tình trạng "có luật mà như không", vì trên thực tế việc xử phạt người hút thuốc lá không hề dễ dàng.
TS Nguyễn Huy Quang, nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho rằng sau hơn 10 năm thi hành Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhận thức của cộng đồng đã có nhiều thay đổi tích cực.
Nhiều người dân đã hiểu về tác hại của thuốc lá, từ đó thay đổi hành vi sử dụng. "Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hành chính đối với người hút thuốc lá nơi công cộng, các địa điểm bán thuốc lá vi phạm... còn chưa được thực thi.
Bên cạnh đó việc xử lý vi phạm còn khó. Vi phạm này thường xảy ra rất nhanh, khó xác định đối tượng, vì vậy không kỳ vọng quá nhiều vào việc xử phạt", ông Quang nhận định.
Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới WHO tại Việt Nam cho biết: “Để thực thi lệnh cấm thuốc lá điện tử hiệu quả, Việt Nam cần phải xử lý từ cái gốc trước, là những người buôn bán trái phép, quảng cáo tiếp thị. Bên cạnh đó, phải kiểm soát các trường hợp nhập lậu qua các cửa khẩu và sản xuất trái phép để hạn chế sự sẵn có của sản phẩm trên thị trường”.
Việc xử lý vi phạm cần phải tiến hành trên cả thực địa và trực tuyến. Cần rà soát các điểm bán thuốc lá điện tử qua mạng xã hội bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng và đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến.
Đối với các chế tài xử phạt, ông Lâm đề xuất tham khảo một số nước đã thành công trong việc phòng chống thuốc lá điện tử như Singapore.
Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc lá điện tử nhập viện trong tình trạng ảo giác, hoang tưởng. Ảnh: Quỳnh Trang
Phải quyết liệt để ngăn chặn tận gốc vấn đề
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173, quy định nghiêm cấm việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử và các loại thuốc lá nung nóng, từ ngày 1.1.2025.
Để Nghị quyết này có thể đi vào thực tế và phát huy hiệu quả, Luật sư Nguyễn Minh Ngọc (Công ty luật The Light) cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm một cách nghiêm túc, quyết liệt hơn.
Điều quan trọng là ngoài việc xử lý các hành vi vi phạm, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là giới trẻ, nhận thức được mối nguy hiểm của thuốc lá điện tử và những chất cấm liên quan. Chỉ khi nào cộng đồng hiểu rõ sự nguy hại của sản phẩm này, việc tiêu thụ mới giảm đi, từ đó hạn chế được tình trạng buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử.
Luật sư Nguyễn Minh Ngọc (Công ty luật The Light). Ảnh: Quỳnh Trang
Thực trạng mua bán thuốc lá điện tử vẫn diễn ra công khai, không chỉ cho thấy sự lơ là trong công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, mà còn thể hiện một sự coi thường pháp luật của người bán lẫn người mua. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, các cơ sở buôn bán thuốc lá điện tử vẫn tìm cách né tránh sự kiểm soát, gây ra nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm.
"Chúng ta đã chứng kiến nhiều lần các vụ việc “bắt cóc bỏ đĩa”, khi các cơ quan chức năng xử lý vi phạm nhưng lại không đủ quyết liệt để ngăn chặn tận gốc vấn đề. Để bảo vệ sức khỏe người dân, nhất là thế hệ trẻ, không chỉ cần sự nghiêm minh trong xử lý vi phạm mà còn phải có những biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của cả cộng đồng, để đảm bảo rằng pháp luật không chỉ là một văn bản trên giấy mà còn là một công cụ thực thi quyền lợi và bảo vệ sức khỏe của toàn xã hội.
Chính phủ, Bộ Y tế, và các cơ quan liên quan cần phải nâng cao trách nhiệm và hành động quyết liệt hơn nữa, để không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn thể hiện quyết tâm thực thi pháp luật một cách nghiêm túc, minh bạch và mạnh mẽ hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm” - Luật sư Nguyễn Minh Ngọc nhấn mạnh.