• :
  • :

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Lảnh Giang trong Kỷ nguyên số

Sáng 30/6/2022, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Lảnh Giang trong Kỷ nguyên số” đã được tổ chức ngay sau khai mạc lễ hội Đền Lảnh Giang (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 6 năm ngày UNESCO vinh danh di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đồng thời nỗ lực giúp những di tích cổ xưa tỏa sáng trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Tham dự hội thảo có các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện nghiên cứu tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển…cùng sự tham gia của lãnh đạo Thị xã Duy Tiên, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch tỉnh Hà Nam. 

Các đại biểu tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Hồng Thanh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Duy Tiên khẳng định: Trong lịch sử văn hiến của Hà Nam, vùng đất Duy Tiên xưa và nay nổi lên như một dấu son đỏ thắm. Dấu son ấy được tạo dựng nên bởi trí tuệ, tâm hồn, mồ hôi và xương máu của biết bao những thế hệ người dân Duy Tiên có truyền thống yêu nước nồng nàn, hiếu học, thông minh, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, đoàn kết, dũng cảm trong đấu tranh cách mạng. Phát huy truyền thống quê hương, từ một huyện thuần nông, Duy Tiên đã vươn lên về đích Nông thôn mới của tỉnh Hà Nam; trở thành thị xã với tốc độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Duy Tiên cũng là mảnh đất có nhiều di tích lịch sử - văn hóa , ngành nghề đặc sắc. Từ đó, Hội thảo có sự nhìn nhận Đền Lảnh trong mối quan hệ với vùng đất tại vị, Thị xã Duy Tiên với công tác bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc của toàn tỉnh Hà Nam và mối quan hệ với vùng lân cận - Phố Hiến. Chính trong mối quan hệ ấy đã có sự tương tác, cộng hưởng, lan tỏa khiến cho Lảnh Giang được tồn tại, phát triển rồi “vượt trội trong sự hài hòa”.

Tiến sĩ Nguyễn Minh San - Phó TBT Tạp chí Văn hiến Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Qua các bài phát biểu, đặc biệt là qua 35 bài tham luận chất lượng cao mà Tiến sĩ Nguyễn Minh San - Phó TBT Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã dày công biên tập và tập hợp, hội thảo đã có cái nhìn toàn diện, sâu sắc và tập trung vào các nội dung: khẳng định sự phong phú, đa dạng, đặc sắc, những nét riêng của đền Lảnh Giang, bao gồm văn hóa hữu thể và văn hóa phi vật thể; những kết quả nghiên cứu mới về văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể ở tiểu vùng văn hóa Mộc Nam; công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của thị xã Duy Tiên nói chung và di tích Lảnh Giang linh tự nói riêng trong thời gian qua, định hướng trong “Kỷ nguyên số"; phát triển văn hóa, tâm linh, sinh thái gắn với du lịch theo hướng phát triển bền vững.

Hội thảo tập trung vào những khuyến nghị nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Nghệ thuật kiến trúc Quốc gia đền Lảnh trong Kỷ nguyên số, với các biện pháp cụ thể như: tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức cho cán bộ và nhân dân về Di sản văn hóa phi vật thể tại đây; tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, sưu tầm các huyền tích, truyền thuyết, nghi lễ diễn xướng dân gian, tư liệu chữ Hán; khôi phục và bảo tồn “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”; khuyến khích các hoạt động thực hành tính ngưỡng thờ Mẫu tại địa phương; tổ chức truyền dạy các giá trị của lễ hội đền Lảnh Giang với thế hệ trẻ; lập chuyên đề riêng về vấn đề “Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về di sản, công tác quản lý quy hoạch điểm du lịch Lảnh Giang, ưu tiên tập trung các nguồn lực để đầu tư cho các dự án hạ tầng du lịch, các dự án về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của địa phương, tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn, thu hút…đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách du lịch; xây dựng Khu di tích đền Lảnh giang trở thành Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ và tôn vinh bản sắc tình yêu Việt Nam…

Thủ nhang đền Lảnh Giang Phạm Hải Hậu trong giá hầu đồng Quan Tam phủ

Các bản tham luận đánh giá cao vai trò của Đồng Thầy trong tín ngưỡng thờ Mẫu, đánh giá cao vai trò của Đền Lảnh góp phần vào sự thành công của Câu lạc bộ bảo tồn và phát huy giá trị di sản Chầu Văn của tỉnh Hà Nam, đánh giá cao đền Lảnh Giang với hoạt động văn hóa – xã hội – từ thiện và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, góp phần phát triển du lịch tỉnh Hà Nam.

Điểm mới của Hội thảo chính là đặt di tích trong bối cảnh Kỷ nguyên số. Một lần nữa, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được các đại biểu nhấn mạnh: Chuyển đổi số là xu thế tất yếu không chỉ ở riêng nước ta mà trên bình diện toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh đối diện với “thách thức kép” - vừa chống đại dịch Covid-19, vừa chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, các khuyến nghị về việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đền Lảnh Giang phải gắn bó mật thiết với thực tiễn và xu thế phát triển của xã hội hiện đại, kịp thời nắm bắt những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong việc phát huy những giá trị cổ xưa.

Bên cạnh đó hội thảo còn đi đến thống nhất ý kiến đề nghị cơ quan chức năng nâng cấp xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa quốc gia đền Lảnh Giang thành Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt.

Đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên được Nhà nước xếp hạng là di tích cấp Quốc gia năm 1996. Đền toạ lạc trong khuôn viên 3000m2 và được xây dựng từ lâu đời với kiến trúc đặc sắc, thờ Tam vị Thuỷ thần đời Hùng Vương thứ 18, công chúa Tiên Dung con gái vua Hùng và Chử Đồng Tử - một trong bốn vị thần bất tử của dân tộc. Tháng 6/2017, Lễ hội đền Lảnh Giang đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể.

Như Thiệp - Hoài Thanh