• :
  • :

Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ khắc phục những vướng mắc trong bảo tồn di sản

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, việc Chính phủ thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế sẽ khắc phục được những vướng mắc trong việc bảo tồn di sản kéo dài lâu nay.

Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ khắc phục những vướng mắc trong bảo tồn di sản

Di sản Huế sẽ được bảo vệ và trùng tu tốt hơn nhờ Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Ảnh: Tường Minh

Chính phủ thành lập, địa phương quản lý

Như tin đã đưa, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký ban hành Nghị định số 84 của Chính phủ về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế nhằm tạo ra nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. Nghị định nêu rõ, Quỹ bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia do Chính phủ thành lập và giao cho UBND tỉnh trực tiếp quản lý, nhằm huy động nguồn lực để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí hoặc bố trí kinh phí chưa đủ.

Quỹ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tiền gửi đối với nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước và mở tài khoản tiền gửi đối với nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật. Theo nghị định này, quỹ sẽ có 6 nhiệm vụ. Đó là tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài chính của quỹ theo quy định; tài trợ cho các dự án, đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách Nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc Chính phủ thành lập Quỹ Bảo tồn di sản thời điểm này có  ý nghĩa vô cùng qua trọng đối với với công cuộc bảo tồn di sản Huế hiện nay. Bởi với vị thế là Cố đô của đất nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 902 di tích; trong đó, có 7 di sản được UNESCO công nhận, 29 cụm di tích được Nhà nước công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, 118 di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh và những đặc thù về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên.

Bên cạnh những di sản do Nhà nước trực tiếp quản lý, có nhiều di sản văn hóa Huế thuộc sở hữu của các tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân (không do Nhà nước quản lý) như nhà rường, đình làng, miếu… “Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của tỉnh Thừa Thiên - Huế mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của các địa phương, nhân dân trong cả nước và bạn bè quốc tế. Để trùng tu, bảo tồn các công trình Cố đô, cùng nhiều di sản cấp quốc gia và nhiều công trình đặc thù về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên... đòi hỏi nguồn lực rất lớn; công tác quản lý dự án phức tạp, kéo dài, hoạt động quản lý tài chính phải có những đặc thù riêng”, ông Nguyễn Văn Phương cho biết.

Khắc phục những vướng mắc trong bảo tồn di sản

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Thời gian qua, một số địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước mong muốn được đóng góp kinh phí nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế. Việc huy động nguồn lực xã hội để trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản là phù hợp với quy định tại Điều 58 Luật Di sản văn hoá. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn vốn huy động này như một khoản thu của ngân sách nhà nước (NSNN), được hạch toán chung vào thu NSNN và quản lý chi như chi đầu tư công từ nguồn NSNN.

Trong một số trường hợp thì việc hạch toán chung như thế này là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, nhất là đối với các khoản chi từ nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức và cá nhân, chi hỗ trợ đầu tư trùng tu cho các di sản văn hóa ngoài công lập. Trường hợp NSNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mong muốn hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua các hình thức chuyển trực tiếp vào thu NSNN tỉnh Thừa Thiên - Huế hoặc thông qua tài trợ cho Quỹ tài chính đặc thù do Thừa Thiên - Huế thành lập đều không đảm bảo quy định pháp lý.

“Việc Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế sẽ khắc phục được vướng mắc nêu trên. Theo đó, khi ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ cho Quỹ sẽ được xem là nhiệm vụ chi khác của ngân sách địa phương đó theo quy định của nhà nước hiện hành. Người dân địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoàn toàn có thể đóng góp trực tiếp vào Quỹ bảo tồn di sản Huế để cùng chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế chung tay thực hiện việc bảo vệ, giữ gìn các di tích, di sản văn hóa Huế. Việc quản lý và phân bổ nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước được sử dụng linh hoạt theo yêu cầu của nhà tài trợ (nếu có)…”, ông Hoàng Việt Trung nói.

“Việc thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế sẽ góp phần huy động nguồn lực để tập trung đầu tư bảo tồn, tu bổ quần thể di tích thoát khỏi trình trạng cứu nguy khẩn cấp. Qua đó nâng cao hiệu quả trong việc việc khai thác tiềm năng, lợi thế của các di sản để phát triển văn hóa, du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...”, ông Nguyễn Văn Phương khẳng định.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...