Toyota thừa nhận xe điện là "mảnh ghép cuối", hứa theo đuổi đến cùng như cách đã làm với xe hybrid
Toyota cuối cùng cũng coi xe điện là tương lai.
Vậy còn tương lai của Toyota?
Chúng được gửi gắm trong loạt thiết kế, từ xe thể thao gầm thấp, xe tải hình hộp đến SUV 3 hàng ghế bóng bẩy. Điểm chung đặc biệt là tất cả chúng đều chạy bằng điện.
Kayoibako - giấc mơ của các tài xế giao hàng; Land Cruiser Se - phiên bản chạy điện của huyền thoại địa hình và EPU - máy bay chiến đấu Ford Maverick là 3 trong số những minh chứng cho thấy Toyota đang đặt xe điện lên hàng đầu - ngay cả khi vị giám đốc điều hành hãng hồi đầu năm nay đã có bài phát biểu khá thận trọng về EV.
Trong một cuộc phỏng vấn, Giám đốc điều hành Koji Sato tuyên bố Toyota cần áp dụng “tư duy đặt BEV lên hàng đầu” và thay đổi mạnh mẽ cách thức kinh doanh - từ sản xuất đến bán hàng và dịch vụ. Mục tiêu sau cùng là hiện thực hóa kế hoạch trung hòa carbon do người tiền nhiệm Akio Toyoda hoạch định.
“Tôi đã bảo rồi mà” - câu nói này có lẽ đã đúng một phần trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô gặp khó vì bỏ hết trứng vào một giỏ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, chính ông Akio Toyoda và Sato phải thừa nhận rằng xe điện sẽ là phương tiện của tương lai. Hãng nên tập trung nhiều hơn vào giá trị của pin xe điện cũng như đa dạng hoá mẫu mã.
Trước đó, Toyota lập luận rằng việc chuyển đổi sang xe điện sẽ vô cùng tốn kém, song ở khía cạnh nào đó, không một nhà sản xuất ô tô nào có vị thế tốt hơn Toyota để giải quyết những thách thức tồn đọng.
Theo Bloomberg, Toyota vừa công bố một loạt các kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc, đồng thời nâng dự báo thu nhập trong năm tài khoá thêm 50% lên 4,5 nghìn tỷ Yên (30 tỷ USD). Hãng cũng đã tích lũy được số tiền mặt kỷ lục 11,42 nghìn tỷ Yên ngay trong bối cảnh vừa tăng cường nghiên cứu, vừa phát triển tiềm năng pin xe điện.
“Toyota đang làm rất nhiều thứ mà mọi người không ai ngờ tới. Chúng tôi đang tạo ra sự đa dạng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”, Simon Humphries, vị giám đốc kế nhiệm ông Sato, cho biết.
Toyota kỳ vọng sẽ bán được 11,38 triệu xe trên toàn thế giới trong năm tài khoá, trong đó, dự đoán chỉ có khoảng 123.000 chiếc là xe điện. Ông Sato trước đó đã thành lập một tổ chức có tên gọi “Nhà máy BEV” nhằm phá vỡ phương pháp tiếp cận truyền thống của Toyota trong phát triển và sản xuất.
“Đây là một kết quả cực kỳ tốt vượt xa kỳ vọng. Thị trường ô tô đang phục hồi nhanh chóng sau 3 năm chịu ảnh hưởng từ đại dịch và cuộc khủng hoảng thiếu nguồn cung chip”, chuyên gia phân tích Christopher Richter của CLSA Securities Japan nói về Toyota.
Phát biểu trong Triển lãm ô tô Nhật Bản, ông Sato thừa nhận xe điện là “mảnh ghép còn thiếu” trong chiến lược đa hướng của Toyota. Hãng cũng sẽ theo đuổi mục tiêu BEV như cái cách đã làm với xe hybrid gần một phần tư thế kỷ trước.
Từng là thương hiệu hàng đầu dành riêng cho những người thích lối sống bảo vệ môi trường, Toyota không thể theo kịp sự thay đổi về thị hiếu cũng như chính sách ủng hộ xe điện trên toàn cầu nhằm giảm đáng kể hoạt động tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu. Quyết định dấn thân làm xe điện có nghĩa hãng này đang ngầm thừa nhận sự tụt so với Tesla và BYD. Việc giám đốc điều hành Akio Toyoda vào tháng 1 tuyên bố từ chức cũng được coi là cú huých thức tỉnh thương hiệu nhanh chóng chuyển đổi cùng toàn cầu.
Theo nhà báo Tatsuya Otani, tính cấp bách ngày càng tăng thêm sau triển lãm ô tô Thượng Hải hồi tháng 4. Các giám đốc điều hành Nhật Bản đã rất ngạc nhiên khi thấy sự tiến bộ vượt bậc của các đối thủ Trung Quốc.
“Cuộc chiến đã thay đổi và ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản nói riêng hành động rất chậm”, Sanshiro Fukao, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Itochu, cho biết.
Trở về từ Thượng Hải, họ lệnh cho nhân viên gấp rút chuẩn bị kế hoạch sản xuất xe điện trước sự tức giận của các cổ đông. Toyota, từng được ca ngợi là hình mẫu về công nghệ sạch, đã không còn được ưa chuộng.
“Họ không chuyển sang xe điện đủ nhanh vào thời điểm mà cả thị trường đang chạy đua”, Brad Lander, một chuyên gia tài chính nói.
Theo Anita Rajan, tổng giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại Mỹ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang chờ thời cơ để tạo ra những chiếc ô tô điện đáng tin cậy với giá cả phải chăng.
“Không biết việc lần đầu tiên đưa những phương tiện này ra thị trường có mang lại lợi ích gì không. Nó nằm ở cách bạn tham gia thị trường và tận tâm với khách hàng của mình”.
Tại thị trường nội địa của Toyota, người tiêu dùng tỏ ra không mấy mặn mà với ô tô điện chạy pin, trong khi chính phủ cũng khá miễn cưỡng trong việc thúc đẩy toàn ngành. Đây có thể là một vấn đề lớn đối với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản, vốn có truyền thống trau dồi công nghệ trong nước trước khi tiếp thị ra nước ngoài, theo Kazutoshi Tominaga, giám đốc điều hành tại Boston Consulting Group. “Nếu Nhật Bản không chuyển sang điện khí hóa, chúng tôi sẽ không có cơ sở để thử nghiệm sản phẩm”, ông nói.
Theo: Bloomberg