• :
  • :

Đầu cơ tích lũy đẩy giá bất động sản cao bất thường

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, giá bất động sản cao bất thường do người mua bất động sản để tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào bất động sản cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất; nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm.

Đầu cơ tích lũy đẩy giá bất động sản cao bất thường

Quốc hội thảo luận về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Ảnh: Quochoi

Giá bất động sản vượt túi tiền người dân

Ngày 28.10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản (BĐS) và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, trong giai đoạn này, quy mô giá trị tăng thêm ngành kinh doanh BĐS tăng dần qua từng năm, từ 83.247 tỉ đồng đến 121.090 tỉ đồng, bình quân tăng trưởng 2,72%/năm.

Theo Đoàn giám sát của Quốc hội, tình trạng chậm định giá đất còn diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án BĐS bị đình trệ. Trong đó bao gồm cả những dự án cần định giá đất để hoàn thành nghĩa vụ tài chính trước khi đưa vào kinh doanh và những dự án thuộc diện phải rà soát, xác định lại giá đất để truy thu.

Không chỉ vậy, các dự án BĐS mới cũng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, lãi suất còn cao. Hình thức huy động vốn chủ yếu của doanh nghiệp BĐS trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong khi đó, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng còn hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp có khả năng tài chính còn yếu nhưng vẫn tăng cường phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu quy mô lớn nhưng không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu, tiềm ẩn rủi ro trong bảo đảm thanh toán trái phiếu đến hạn.

Kết quả giám sát cũng chỉ ra rằng, giá BĐS còn cao so với thu nhập của đa số người dân. Trong khi đó, nhiều khu đô thị bỏ hoang, chung cư mini còn nhiều bất cập và chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả; các khu tập thể cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân. Đặc biệt, thời gian qua, còn nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Tại Thành phố Hà Nội có 712 dự án và TPHCM có 220 dự án vướng mắc.

Bong bóng BĐS của lợi ích nhóm

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) nêu thực tế thị trường BĐS tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng mắc về thể chế, chính sách, thì có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng BĐS của một nhóm lợi ích.

Đại biểu đoàn Quảng Nam cho rằng: “Cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra giải pháp cụ thể, căn cơ. Dự thảo Nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật, nhưng vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân”.

Cũng theo đại biểu, một trong những giải pháp giảm giá thị trường BĐS là trái phiếu BĐS. Tuy nhiên, hiện nay, trái phiếu BĐS phát hành ra với mức lãi suất 12-15%, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy dư nợ trái phiếu lĩnh vực BĐS đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn. Nếu không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường BĐS, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. Trong thời gian khoảng 3 năm phải trả lãi suất cao như vậy, dễ tạo ra gánh nặng cho Nhà nước và nhân dân. Thậm chí gây nguy cơ dẫn đến nợ xấu gia tăng và thậm chí là vỡ nợ.

“Vì vậy, thời gian tới thị trường BĐS chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường. Do đó, cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường BĐS lành mạnh và đúng hướng”, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị.

Đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đồng thời cho rằng, cần xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, giá BĐS cao bất thường do người mua BĐS để tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào BĐS cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất; nguồn cung BĐS ngày càng khan hiếm; các lực lượng thị trường như môi giới, đấu giá cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lợi nhuận.

“Điều nổi cộm đó là giá BĐS tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở”, đại biểu nhận định.

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...