• :
  • :

Đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng công nghiệp để thu hút lao động

Phát huy vai trò trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), TP Cần Thơ đã và đang thực hiện loạt giải pháp trước mắt và lâu dài, trong đó có đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng công nghiệp để thu hút lao động như kỳ vọng.

Đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng công nghiệp để thu hút lao động

TP Cần Thơ phải phát triển hạ tầng công nghiệp để giải quyết được thị trường lao động, vấn đề nhà ở, giáo dục, y tế,...Ảnh: Phong Linh

Nhìn từ thực tiễn

Theo Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2030, TP Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL; là trung tâm logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... của vùng.

Điều này đồng nghĩa để thực hiện được, Cần Thơ phải phát huy vai trò “anh cả vùng” thu hút và giải quyết thị trường lao động ĐBSCL, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Một tín hiệu đáng mừng khi tại mới đây, tại Kỳ họp thứ 16 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024) của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (ngày 3 - 5.7), các đại biểu đã biểu quyết thông Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỉ lệ 1/2000 Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2), TP Cần Thơ. Diện tích quy hoạch khoảng 559,86ha. Quy mô lao động dự kiến khoảng 25.000 - 32.000 người.

Trước đó, hồi tháng 9.2023, Dự án KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) Vĩnh Thạnh được đặt tại xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) có quy mô sử dụng đất 293,7ha (giai đoạn 1) cũng đã chính thức khởi động, tạo việc làm cho 20.000 - 30.000 lao động.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, vẫn còn nhiều người lao động miền Tây dè chừng trước suy nghĩ làm việc Cần Thơ. Chị Nguyễn Ngô Trang Thùy - quê ở Cần Thơ và từng là sinh viên trường Đại học Cần Thơ, đã ly hương lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. “Tốt nghiệp từ năm 2022 và tôi rất mong thị trường việc làm ở Cần Thơ sôi động nhưng thấy khó, do đó, tôi lên Sài Gòn làm từ tháng 7.2024 và hy vọng sớm về Cần Thơ làm việc”.

Giải pháp tạo việc và giữ chân

Vấn đề áp lực thị trường lao động ở vùng lõi ĐBSCL thường xuyên được Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp với các sở, ngành liên quan.

Tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo TP Cần Thơ với cán bộ công đoàn và công nhân lao động năm 2024 vào tháng 5, Bí thư Cần Thơ phân tích, do phát triển công nghiệp của thành phố và vùng ĐBSCL còn hạn chế nên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ở các trường trụ lại rất ít. Họ di cư đến Đông Nam Bộ, TPHCM, thậm chí một bộ phận phải ra miền Trung, miền Bắc để tìm việc làm.

“Chúng tôi rất tập trung giải quyết công ăn việc làm quy mô lớn. Khi có nhiều doanh nghiệp mở ra thì chắc chắn nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng, công nhân lao động tăng”, ông Hiếu cho hay.

Hay tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ thành phố (mở rộng) sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 vào cuối tháng 6, Bí thư Cần Thơ cũng nhận định: “Phải nỗ lực phát triển hạ tầng công nghiệp, quan trọng là vấn đề quy hoạch đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục pháp lý, tốt nữa là kết nối với ngân hàng cho vay lãi suất phù hợp. Quan trọng là có công ăn việc làm tại KCN để giữ chân nhân tài sau ra trường”.

Trong năm 2023, ông Hiếu cũng quyết liệt chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các trung tâm đào tạo phải có giải pháp chuẩn bị lao động tốt, đặc biệt là lao động chất lượng cao.

Toàn TP Cần Thơ có hơn 87.000 công nhân và người lao động. Trên địa bàn thành phố hiện có 6 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang triển khai xây dựng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 41.000 lao động. Theo định hướng đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 10 KCN. Khi đó, cùng với sự phát triển thương mại, dịch vụ, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của đô thị trung tâm vùng ĐBSCL, nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp sẽ tiếp tục tăng mạnh.