Diễn biến các dòng vốn trên thị trường bất động sản
Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn ngoại vào bất động sản đã tích cực hơn, trong khi dòng vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tắc nghẽn.
Tự chủ nguồn vốn là thách thức với doanh nghiệp
Dòng vốn tín dụng luôn là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản. Trong bối cảnh các kênh huy động vốn ngày càng khó khăn, việc tự chủ được nguồn vốn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản hiện nay.
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty PropertyGuru Việt Nam, trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp bất động sản dựa vào 3 nguồn vốn chính, đó là vốn tự có, vốn vay ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng mua nhà.
Trong đó, nguồn vốn tự có rất hữu hạn, trong khi nguồn vốn vay ngân hàng phụ thuộc nhiều vào yếu tố pháp lý của các dự án bất động sản mà doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Ông Quốc Anh cho rằng: “Rõ ràng các dự án bất động sản muốn vay được ngân hàng thì tính pháp lý phải được được đảm bảo, những vướng mắc pháp lý phải được tháo gỡ. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng tháo gỡ được những khó khăn này để có thể vay vốn ngân hàng”.
“Theo thống kê của chúng tôi, các khoản trái phiếu đến hạn hoặc là quá hạn trên thị trường lên tới 197.000 tỉ đồng, trong đó 70% đến từ bất động sản, tức là hơn 130.000 tỉ đồng. Với lượng vốn lớn như vậy, bây giờ phải làm sao để có thể “thúc” ra thị trường? Ở chu kỳ trước, chúng tôi đã cùng phân tích rằng phải có chính sách tháo gỡ nguồn tiền này. Ví dụ, bây giờ tôi có tài sản là 10 đồng, tôi đầu tư 8 đồng vào trái phiếu nhưng sau đó không rút ra được. Vậy thì làm sao đầu tư tiếp được? Vì vậy, điểm nghẽn này cần nhanh chóng được tháo gỡ để đưa dòng vốn này ra thị trường”, ông Quốc Anh phân tích.
Về chính sách tiền tệ, theo ông Quốc Anh: “Có rất nhiều yếu tố chúng ta đang xử lý rất tốt như giảm mặt bằng lãi suất, nền lãi suất hiện tại khá ổn với nhiều chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, các khoản vay với lãi suất ưu đãi thường chỉ diễn ra trong vòng 2 năm đầu, từ năm thứ 3 áp dụng lãi suất thả nổi. Nhưng cần lưu ý rằng, đa phần khi mua bất động sản, người mua có thể phải vay đến 10- 15 năm. Vì vậy, chúng ta cần có thêm chính sách tiếp để hỗ trợ thị trường và người mua nhà”.
Tín dụng ngân hàng và vốn ngoại đã tích cực hơn
Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn ngoại vào bất động sản đã tích cực hơn, trong khi dòng vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa khởi sắc. Đối với tín dụng ngân hàng, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 6, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó kinh doanh bất động sản tăng 10,29%. Tỉ trọng quy mô tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 39-40% trong tổng tín dụng bất động sản trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản chỉ tăng 1,15%.
Với nguồn vốn trái phiếu, trong báo cáo mới đây, bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán MB (MBS Reseach) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 148.700 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Trong đó, tổng giá trị phát hành của ngành bất động sản đạt 32.600 tỉ đồng (cùng kỳ năm 2023 giá trị phát hành là 47.500 tỉ đồng).
Đối với dòng vốn ngoại, theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới cuối tháng 6 năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam đạt 15,2 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.