• :
  • :

Doanh nghiệp phương Tây rời khỏi Nga

Các công ty năng lượng hàng đầu như BP và Shell, ngân hàng toàn cầu HSBC và hãng cho thuê máy bay lớn nhất thế giới AerCap đã tham gia vào danh sách ngày càng tăng các doanh nghiệp tìm cách rút khỏi Nga sau khi phương Tây siết chặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, phương Tây đã ban hành hàng loạt các biện pháp trừng phạt, bao gồm đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, cấm một số ngân hàng Nga tham gia mạng lưới tài chính toàn cầu SWIFT và hạn chế khả năng sử dụng 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Nga.

Đầu tuần này, nền kinh tế Nga nhanh chóng cảm nhận được tác động của làn sóng trừng phạt. Đồng rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong khi ngân hàng trung ương Nga tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20%, đồng thời đóng cửa các thị trường chứng khoán và thị trường phái sinh.

Hãng xăn dầu Shell hôm thứ Hai cho biết họ sẽ rút khỏi tất cả các hoạt động của mình tại Nga, bao gồm cả nhà máy khí đốt hóa lỏng LNG hàng đầu Sakhalin 2 mà họ nắm giữ 27,5% cổ phần, và 50% do tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sở hữu và điều hành.

Trong khi đó, BP - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Nga, vào cuối tuần qua đã thông báo rút 20% cổ phần của mình trong công ty dầu khí Rosneft của nhà nước Nga,quyết định này khiến công ty của Anh mất đi 25 tỷ USD và hao hụt một nửa dự trữ dầu khí.

Equinor, công ty năng lượng do nhà nước Na Uy sở hữu, cho biết họ sẽ bắt đầu thoái vốn trong các liên doanh ở Nga. Động thái này khiến các công ty phương Tây khác chú ý đến các dự án dầu khí của Nga, chẳng hạn như ExxonMobil và TotalEnergies.

Vùng cấm

Phần lớn nền kinh tế Nga sẽ là vùng cấm đối với các ngân hàng và công ty tài chính phương Tây sau quyết định chặn một số ngân hàng của họ khỏi SWIFT, một hệ thống tài chính an toàn được sử dụng cho các giao dịch trị giá hàng nghìn tỷ đô la trên khắp thế giới.

Chi nhánh châu Âu của Sberbank, công ty cho vay lớn nhất của Nga, đang phải đối mặt với suy thoái, Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo hôm thứ Hai.

Ngân hàng Anh HSBC cho biết đang bắt đầu cắt đứt quan hệ với một loạt ngân hàng Nga, bao gồm cả ngân hàng lớn thứ hai đất nước - VTB, một trong những ngân hàng bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt.

Ngay cả Thụy Sĩ vốn trung lập cũng cho biết nước này đang áp dụng các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu và đóng băng tài sản của một số cá nhân và công ty Nga.

Một số công ty phương Tây đã tạm ngừng hoạt động trong khi những công ty khác đang lên kế hoạch dự phòng khi họ xem xét bối cảnh tình hình kinh doanh tại Nga đang thay đổi nhanh chóng.

Các nhà sản xuất ô tô và xe tải toàn cầu, bao gồm General Motors (GM) của Mỹ và Daimler Truck của Đức, đã bắt đầu tính đến chuyện rút khỏi Nga. Trong khi đó, hãng xe Volkswagen tạm ngừng giao xe cho các đại lý ở Nga, còn nhà sản xuất ô tô Thụy Điển Volvo và GM cho biết họ sẽ tạm ngừng xuất khẩu sang Nga.

Công ty vận tải container có trụ sở tại Singapore Ocean Network Express hôm thứ Hai đã đình chỉ việc đặt hàng đến và đi từ Nga trong khi hãng vận tải Maersk cho biết họ đang xem xét làm điều tương tự.

Giá cổ phiếu của một số công ty làm ăn với Nga đã giảm vào thứ Hai. Cổ phiếu của Societe Generale, công ty sở hữu ngân hàng Rosbank của Nga và nhà sản xuất ô tô Renault, công ty kiểm soát nhà sản xuất ô tô Nga Avtovaz, cũng không thoát khỏi vòng xoáy suy thoái.

Đáp trả lại, Nga đã cấm các hãng hàng không của 36 quốc gia khỏi không phận của mình, bao gồm cả các quốc gia châu Âu và Canada, những quốc gia trước đó đã đóng cửa không phận của họ đối với máy bay Nga. Các quan chức Mỹ cho biết Washington cũng đang xem xét một động thái tương tự.

Hai hãng hàng không Delta Air Lines và American Airlines đã tự nguyện ngừng bay qua Nga đối với các tuyến quốc tế, trong khi United Airlines đã định tuyến lại một số chuyến bay quốc tế thường bay qua Nga.

Các công ty cho thuê máy bay bao gồm AerCap Holdings và BOC Aviation cho biết họ sẽ chấm dứt hợp đồng thuê hàng trăm máy bay với các hãng hàng không Nga vì các biện pháp trừng phạt. Cổ phiếu của AerCap đã giảm hơn 12% vào đầu tuần này.

Các hãng công nghệ lớn đang đối mặt với những lời kêu gọi đóng cửa các dịch vụ tại Ng. Microsoft hôm thứ Hai cho biết họ sẽ xóa các ứng dụng di động của hãng truyền thông nhà nước RT khỏi kho ứng dụng Windows App của mình và cấm quảng cáo trên các phương tiện truyền thông do nhà nước Nga bảo trợ.

Google đã cấm RT và các kênh truyền thông khác của Nga nhận tiền quảng cáo trên các trang web, ứng dụng và video YouTube, tương tự như động thái của Facebook.

Lượt xem: 217
Tác giả: PV
Nguồn:ngaynay.vn Sao chép liên kết