• :
  • :

Dự án hơn 8 tỷ USD xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng sẽ khởi công tháng 12/2025

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 13/5/2025 nhằm triển khai Nghị quyết số 187/2025/QH15 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.

Đây được xem là bước đi cụ thể nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu và giải pháp của Quốc hội, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, thời hạn thực hiện để đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch trong quá trình triển khai.

Tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng sẽ là hành lang có nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa lớn thứ 2 của cả nước.

Dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tích hợp nhiều chuyên ngành và được triển khai trong bối cảnh ngành đường sắt Việt Nam còn thiếu và yếu về nhân lực kỹ thuật. Dự án đường sắt điện khí hóa đầu tiên tại Việt Nam và được Quốc hội cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt.

Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ lớn để đảm bảo khởi công dự án vào tháng 12/2025.

Một là, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Các chính sách đặc thù của dự án được áp dụng tương tự như Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Riêng chính sách về thiết kế kỹ thuật tổng thể sẽ được tích hợp vào nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì ban hành.

Hai là, triển khai thực hiện Dự án theo tiến độ cụ thể. Bộ Xây dựng đóng vai trò cơ quan chủ quản, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án, đồng thời thực hiện các thủ tục ủy quyền để triển khai nhanh chóng. Các nhiệm vụ trọng tâm gồm: Hoàn thành thủ tục phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 5/2025; Chỉ định thầu liên danh tư vấn khảo sát, thiết kế kỹ thuật tổng thể trong tháng 5/2025; Khởi động khảo sát, lập và phê duyệt thiết kế từ tháng 6/2025, hoàn tất một số gói thầu trong tháng 9/2025; Đàm phán và ký Hiệp định xây cầu chung tại biên giới Việt – Trung trong tháng 7/2025; Hội đồng thẩm định Nhà nước trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 8/2025; Tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công xây dựng trong tháng 12/2025.

Các địa phương sẽ chủ động đầu tư, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, ứng vốn ngân sách và di dời hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và di dời công trình điện lực sẽ được thực hiện từ tháng 4/2025 đến tháng 9/2026. Dự án dự kiến hoàn thành chậm nhất vào năm 2030.

Ba là, triển khai phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) tại các ga đường sắt. Các địa phương được giao chủ trì rà soát, điều chỉnh quy hoạch phân khu, chi tiết tại vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện dự án khai thác quỹ đất theo mô hình TOD. Nguồn vốn địa phương sẽ được bố trí để bồi thường, tái định cư và tổ chức đấu giá đất phục vụ phát triển đô thị.

Dự án có tổng chiều dài hơn 403km, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng. Điểm đầu tại ga Lào Cai mới (nối với ga Hà Khẩu Bắc, Trung Quốc), điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng). Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 194.929 tỷ đồng, tương đương hơn 8 tỷ USD.

Lượt xem: 9
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...