• :
  • :

Dự báo lạm phát năm 2022-2023 nhìn từ các biến số kinh tế chính

Đó là chủ đề TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê sẽ trình bày tại Diễn đàn “Dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023: Kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính”. Diễn đàn do Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 12/5/2022 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 35, Hùng Vương, Hà Nội.

Dự báo lạm phát năm 2022-2023 nhìn từ các biến số kinh tế chính
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, ngay khi đại dịch được kiểm soát, các quốc gia đã thực hiện chính sách tài khoá nghịch chu kỳ với các gói kích thích kinh tế và chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm phục hồi, đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo năm 2019 - năm trước đại dịch. Tuy nhiên, các yếu tố về nguồn cung, căng thẳng địa chính trị đưa đến rủi ro làm gia tăng lạm phát trên toàn cầu.

Với Việt Nam, gần đây, IMF dự báo lạm phát năm 2022 nước ta tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra; Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023. Trong khi đó, dựa trên yếu tố giá dầu thô tăng cao, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo, nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%; tuy nhiên nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%...

TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam, đặt trong bối cảnh năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng của kinh tế Việt Nam, lạm phát của nước ta có thể vượt qua ngưỡng 5% trong năm này.

Vậy làm thế nào để thực hiện thành công mục tiêu lạm phát mà Quốc hội đề ra? TS. Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp. Tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Bích Lâm dự kiến nêu 8 giải pháp để lạm phát Việt Nam cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4%- đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong kiểm soát lạm phát cả thời kỳ kế hoạch 5 năm.

Dự báo lạm phát năm 2022-2023 nhìn từ các biến số kinh tế chính
Các diễn giả sẽ tham dự Diễn đàn dự báo kinh tế 2022-2023, ngày 12/5/2022

Cùng với TS. Nguyễn Bích Lâm, nhiều diễn giả uy tín sẽ chia sẻ tham luận về những chủ đề thời sự và quan trọng với kinh tế đất nước. TS. Cấn Văn Lực sẽ đưa ra nhận định về “Kịch bản và động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022-2023”; GS, TS. Trần Thọ Đạt, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Thành viên Hội đồng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo sẽ chia sẻ: “Dự báo và giải pháp phát triển nền kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới và dài hạn cho Việt Nam”; Ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam có bài phát biểu về: “Dự báo tác động của tình hình thế giới đối với việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực và tạo động lực cho phát triển kinh tế Việt Nam”; Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup chia sẻ về: “Dự báo bức tranh tăng trưởng của các ngành kinh tế chính tại Việt Nam giai đoạn 2022-2023 nhìn từ phân tích chuỗi dữ liệu thực”…

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ điều phối thảo luận tại Diễn đàn, nhằm kết nối các góc nhìn phân tích, dự báo giữa cơ quan quản lý, chuyên gia với lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội ngành tài chính, xuất nhập khẩu, đầu tư…

Diễn đàn hướng đến 3 mục tiêu chính: Thứ nhất, trên nền tảng các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, các diễn giả sẽ phân tích, dự báo bức tranh kinh tế Việt Nam, nhất là dự báo về tăng trưởng và lạm phát, đặt trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đang tạo nên những sự thay đổi rất lớn về cơ hội và thách thức phát triển kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu.

Thứ hai, các diễn giả sẽ cùng bình luận và dự báo các động lực tăng trưởng cho kinh tế Việt Nam 2022-2023. Nhận diện các ngành, các lĩnh vực có triển vọng tích cực và kiến nghị giải pháp để tận dụng cơ hội cho kinh tế Việt Nam đạt được các mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra.

Thứ ba, Diễn đàn tạo không gian để trao đổi, kết nối các nhà hoạch định chính sách với chuyên gia, doanh nghiệp, cùng chia sẻ nhận định về bối cảnh kinh tế trong giai đoạn tới và khuyến nghị cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Sự kiện được tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS); Nhãn hàng Đạm Phú Mỹ - NPK Phú Mỹ của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo); Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) và Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức (Timexco). /.

Lượt xem: 180
Nguồn:https://kinhtevadubao.vn/du-bao-lam-phat-nam-2022-2023-nhin-tu-cac-bien-so-kinh-te-chinh-22537.html Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...