• :
  • :

Khi đồng USD mất giá trong thế trận lạ kỳ

Đồng USD đang có cú trượt dài bất thường giữa lúc nước Mỹ gia tăng căng thẳng thương mại toàn cầu và triển khai các chính sách kinh tế khó lường.

Khi đồng USD mất giá trong thế trận lạ kỳ

Từ giữa tháng 1 đến nay, USD đã giảm tới 9% so với rổ tiền tệ quốc tế. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ giữa tháng 1 đến nay, USD đã giảm tới 9% so với rổ tiền tệ quốc tế, đánh dấu mức suy yếu sâu nhất trong vòng 3 năm. Nhưng điều khiến các nhà kinh tế lo ngại hơn cả không phải là con số, mà là nguyên nhân sâu xa đằng sau sự sụt giảm - một tín hiệu báo động: mất dần lòng tin vào đồng bạc xanh của Mỹ.

Đồng USD không chỉ là tiền tệ, nó là công cụ quyền lực. Trong nhiều thập kỷ, sự thống trị của đồng USD trong giao dịch xuyên biên giới và vai trò “nơi trú ẩn an toàn” cho các nhà đầu tư toàn cầu đã cho phép Washington vay rẻ, chi tiêu mạnh, và áp đặt trừng phạt tài chính lên các quốc gia.

Đó là một thứ mà các nhà kinh tế gọi là "đặc quyền quá mức" (exorbitant privilege) - một đặc ân mà không quốc gia nào khác có được. Nhưng giờ đây, đặc quyền ấy đang lung lay. AP dẫn lời Giáo sư S.Barry Eichengreen, Đại học UC Berkeley cho hay, niềm tin toàn cầu vào đồng USD được xây dựng trong hơn nửa thế kỷ. Nhưng nó có thể sụp đổ chỉ trong chớp mắt.

Đồng USD đang mất giá trong thế trận lạ kỳ. Thông thường, khi Mỹ áp thuế nhập khẩu, nhu cầu hàng ngoại giảm và đồng USD sẽ mạnh lên do sự hồi phục cán cân thương mại. Nhưng trong lần áp thuế mới đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump, điều ngược lại đã xảy ra - đồng USD yếu đi nhanh chóng.

Các chuyên gia nhận định đây không đơn thuần là phản ứng của thị trường đối với chính sách thuế. Thay vào đó, nó là biểu hiện của một cuộc khủng hoảng niềm tin vào khả năng điều hành kinh tế vĩ mô của nước Mỹ - từ việc quản lý nợ công, lạm phát, cho tới tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Theo Deutsche Bank, "tính an toàn" của USD đang bị xói mòn. Còn Capital Economics cảnh báo: “Không còn là phóng đại nữa khi nói rằng vị thế dự trữ toàn cầu của USD đang bị đặt dấu hỏi”.

Sự mất giá của đồng USD khiến giá hàng nhập khẩu vào Mỹ leo thang - không chỉ vì thuế quan, mà còn vì tiền tệ yếu. Điều đó đồng nghĩa người tiêu dùng Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho rượu vang Pháp, xe hơi Đức hay đồ điện tử Hàn Quốc.

Nếu niềm tin vào đồng USD tiếp tục suy yếu, lãi suất vay tiêu dùng và vay thế chấp có thể tăng vọt, khi các tổ chức tài chính buộc phải tăng mức bù rủi ro.

Hiện nợ liên bang Mỹ đã lên tới 120% GDP, mức mà nếu xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào khác có thể gây khủng hoảng tài chính lập tức.

Trong khi đó, nhiều quốc gia đã thúc đẩy giao dịch thương mại không dùng đồng USD, trong quá trình được gọi là phi USD hóa.

Thậm chí, tiền số như Bitcoin cũng đang được nhìn nhận như một “ứng viên” thay thế USD trong tương lai. Chủ tịch BlackRock, ông Larry Fink, cảnh báo: “Nếu thâm hụt ngân sách tiếp tục phình to, nước Mỹ có thể đánh mất vị thế vào tay tài sản số”.

Lượt xem: 8
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...