• :
  • :

Tháo gỡ điểm nghẽn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) khi được thông qua sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, giúp thị trường phát triển lành mạnh, đồng thời công tác quản lý Nhà nước cũng được hiệu quả hơn...

Phát biểu tại hội trường sáng 31/10 về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) cho biết, đây là dự án luật rất quan trọng, có nhiều nội dung liên quan dẫn chiếu với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số luật khác, được cử tri, Nhân dân và các doanh nghiệp rất quan tâm.

Do đó, nếu luật được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; đồng thời giúp cho công tác quản lý Nhà nước hiệu lực và hiệu quả hơn...

Góp ý về các hành vi bị cấm, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung và quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản.

"Thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước", đại biểu Trình Lam Sinh nhấn mạnh.

Tháo gỡ điểm nghẽn để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình)

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cũng đánh giá, đây là luật rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, thị trường bất động sản, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.

Do đó, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, các quy định của luật cần chặt chẽ, tránh sơ hở, phải đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực này.

Tại khoản 6 Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, đối với giao dịch bất động sản, Nhà nước cần thực hiện chính sách bắt buộc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị sửa lại nội dung quy định này để đảm bảo thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng của Nhà nước ta.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Điều 6 của dự thảo luật quy định công khai minh bạch thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh còn có một số bất cập.

Tương tự, các Điều 24, Điều 30 quy định về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành cho công an ở, đất có hạ tầng kỹ thuật đưa vào kinh doanh thì phải có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện. Đại biểu cho rằng, đây thực chất là một loại giấy phép con đối với bất động sản đưa vào kinh doanh.

"Quy định giấy phép con có lợi ích là bảo đảm sự an toàn của giao dịch nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Tuy nhiên, dự thảo không quy định về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với việc xác nhận này", ông Cường nói.

Lượt xem: 6
Tác giả: Hậu Lộc
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...