• :
  • :

Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh chưa tương xứng với tiềm năng

Tín dụng xanh vẫn chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng tín dụng, chưa khai thác hết được dư địa và tiềm năng. Việc triển khai còn gặp nhiều thách thức về khung pháp lý, nhận thức, và năng lực thẩm định. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh chưa tương xứng với tiềm năng

Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam. Ảnh: Tuyết Lan

Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam?

- Tín dụng xanh tại Việt Nam đang trở thành một xu hướng quan trọng, đóng vai trò thúc đẩy phát triển bền vững và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hoàn thiện cơ chế và khuôn khổ pháp lý cho việc xác định các lĩnh vực, dự án được cấp tín dụng xanh, các tiêu chí đánh giá dự án xanh, các hình thức cấp tín dụng xanh, tạo cơ sở phát triển nguồn vốn và giải ngân tín dụng xanh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, chính sách nhằm thúc đẩy tín dụng xanh. NHNN đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo nguồn vốn cho tín dụng xanh, như khuyến khích các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu xanh, hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tín dụng xanh vẫn chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ so với tổng tín dụng và tiềm năng chưa được khai thác hết. Việc triển khai còn gặp nhiều thách thức về khung pháp lý, nhận thức và năng lực thẩm định, khiến tốc độ phát triển tín dụng xanh chưa tương xứng với mục tiêu chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Hiện nay một phần không nhỏ dư địa tăng trưởng tín dụng được đặt vào phát triển tín dụng xanh. Tuy nhiên, tín dụng xanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Những khó khăn, rào cản đó là gì thưa ông?

- Thứ nhất, hiện chưa có một khung pháp lý thực sự hoàn thiện cho lĩnh vực này. Các tiêu chí và danh mục dự án xanh vẫn chưa được thống nhất theo hệ thống phân ngành kinh tế, điều này gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xác định đối tượng cho vay. Các hướng dẫn chuyên ngành về lĩnh vực xanh còn khá hạn chế, làm cho việc triển khai trên thực tế gặp nhiều vướng mắc.

Thứ hai, năng lực thẩm định tín dụng xanh còn hạn chế. Nhiều TCTD và ngân hàng hiện vẫn thiếu đội ngũ nhân viên có đủ chuyên môn để đánh giá rủi ro và hiệu quả của các dự án xanh, đặc biệt là trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo.

Một khó khăn nữa nằm ở nguồn vốn và chi phí đầu tư. Các dự án xanh thường đòi hỏi nguồn vốn lớn và thời gian hoàn vốn dài, trong khi nguồn vốn của các TCTD chủ yếu lại là ngắn hạn, gây ra thách thức trong việc cân đối tài chính. Lãi suất cho vay tín dụng xanh đang dao động từ 5-8% cho ngắn hạn và 9-12% cho trung và dài hạn. Lãi suất này vẫn được cho là khá cao, làm giảm sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp và người dân, nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường đôi khi vẫn chưa đầy đủ. Doanh nghiệp thường dễ tập trung vào lợi nhuận ngắn hạn mà bỏ qua các tác động đến môi trường.

Rủi ro và quản lý dự án cũng là một yếu tố cần xem xét. Các doanh nghiệp vay vốn xanh thường có quy mô nhỏ và có thể thiếu kinh nghiệm quản lý, làm tăng nguy cơ dự án không thành công. Việc giám sát và đánh giá tác động môi trường của các dự án này cũng khá phức tạp, khiến các ngân hàng có phần e dè khi quyết định rót vốn.

Cuối cùng, thị trường và thông tin về tín dụng xanh còn hạn chế. Thị trường thứ cấp cho các khoản vay xanh chưa phát triển, chúng ta cũng thiếu các kênh truyền thông và thông tin hiệu quả về tín dụng xanh.

Việt Nam cần làm gì để gỡ vướng, phát triển tín dụng xanh mạnh mẽ? Đặc biệt là tiếp cận và khai thác hiệu quả cả những nguồn vốn FDI xanh?

- Để giải quyết được bài toán này, theo tôi chúng ta cần triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ trên nhiều mặt.

Đối với phát triển tín dụng xanh, trước hết, việc hoàn thiện khung pháp lý là vô cùng quan trọng. Chúng ta cần sớm ban hành một danh mục dự án xanh quốc gia với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, làm cơ sở vững chắc để các tổ chức tín dụng xác định được đối tượng cho vay. Đồng thời, cần cụ thể hóa các chính sách ưu đãi, như giảm lãi suất cho vay hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, để tăng tính hấp dẫn của tín dụng xanh đối với doanh nghiệp.

Thứ hai, cần chú trọng nâng cao năng lực và nhận thức về tín dụng xanh cho cả cán bộ ngân hàng, doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, vấn đề huy động và cân đối nguồn vốn cũng cần được quan tâm đặc biệt. Việc phát triển thị trường trái phiếu xanh và các công cụ tài chính xanh khác sẽ giúp huy động nguồn vốn dài hạn cho các dự án xanh. Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức tài chính quốc tế và các quỹ đầu tư xanh để tăng cường nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng trong nước.

Đối với việc tiếp cận và khai thác hiệu quả nguồn vốn FDI xanh, Việt Nam cần tăng cường các chính sách thu hút FDI xanh một cách chủ động và cạnh tranh để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn FDI xanh.

Tăng cường hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút FDI xanh. Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do, như EVFTA, để đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của EU và thu hút vốn FDI vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn là rất cần thiết.

Cuối cùng, việc kết nối doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cần được chú trọng để tạo ra sự lan tỏa về công nghệ và kinh nghiệm quản lý xanh.

Xin cảm ơn ông!

Lượt xem: 9
Nguồn:https://laodong.vn/kinh-doanh/toc-do-tang-truong-tin-dung-xanh-chua-tuong-xung-voi-tiem-nang-1496690.ldo Sao chép liên kết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...