• :
  • :

Áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông dự kiến mạnh lên thành bão, sắp đổ bộ

Áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông dự kiến mạnh lên thành cơn bão số 2 ở lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm nay.

Áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông dự kiến mạnh lên thành bão, sắp đổ bộ

Một con đường ngập nước sau mưa ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, ngày 27.5. Ảnh: China Daily

Tân Hoa Xã đưa tin, tối 30.5, Trung Quốc đã tăng cường ứng phó với bão vì áp thấp nhiệt đới ở Biển Đông có thể sẽ mạnh lên, trở thành cơn bão số 2 ở lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong mùa bão 2024 và đổ bộ vào bờ biển phía nam Trung Quốc vào tối 31.5.

Cơ quan cứu trợ hạn hán và kiểm soát lũ lụt Trung Quốc đã kích hoạt ứng phó khẩn cấp cấp IV và cử một nhóm làm việc đến tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc.

Áp thấp nhiệt đới được phát hiện cách thành phố Chu Hải ở Quảng Đông 560km về phía tây nam lúc 17h ngày 30.5, có thể mạnh hơn, trở thành cơn bão thứ hai trong năm nay vào sáng 31.5 và đổ bộ vào tối cùng ngày ở cấp độ bão nhiệt đới.

Trong ba ngày tới, các khu vực bao gồm Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến và Hải Nam sẽ hứng chịu mưa lớn hoặc giông bão.

Cơ quan kiểm soát lũ lụt đã chỉ đạo Quảng Đông và Hải Nam theo dõi chặt chẽ tình hình và đưa ra các phản ứng chi tiết để đảm bảo an toàn cho người dân và giảm thiểu thiệt hại.

Chính quyền địa phương liên quan cũng đã kích hoạt phản ứng khẩn cấp, kêu gọi tàu thuyền về bờ, sơ tán cư dân và loại bỏ rủi ro.

Đây là cơn bão số 2 trong mùa bão 2024 ở lưu vực Tây Bắc Thái Bình Dương sau bão số 1 Ewiniar và là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào Trung Quốc, được dự báo sẽ di chuyển về phía bắc và mạnh lên.

Lần đổ bộ này sẽ sớm hơn mốc thời gian trung bình của cơn bão đầu tiên tác động đến Trung Quốc. Dữ liệu từ năm 1949 đến 2019 cho thấy cơn bão đầu tiên thường xuất hiện vào khoảng ngày 27.6.

Ngoài ra, trong lịch sử, các cơn bão thường đổ bộ vào bất cứ nơi nào từ Chiết Giang ở phía bắc đến Hải Nam ở phía nam, nhưng Quảng Đông lại là khu vực bị ảnh hưởng thường xuyên nhất.

Trung tâm Khí tượng Quốc gia dự báo gió mạnh dọc theo bờ biển Quảng Đông.

Trong cùng thời gian này, lượng mưa lớn dự kiến xảy ra ở tỉnh An Huy, Chiết Giang, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, vào hồi 1h ngày 31.5, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Hoàng Sa.

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam

Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61 km/h), giật cấp 9; di chuyển theo hướng Bắc với tốc độ khoảng 5 km/h.

Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh.

Phía Đông của khu vực Bắc và Giữa Biển Đông, vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-3m. Biển động.

Vùng biển phía Tây của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) sóng biển cao 2,5-3,5m.

Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...