Bão giật cấp 10 sắp vào Biển Đông, Hà Nội lên kịch bản ứng phó
Hà Nội chỉ đạo các xã, phường sẵn sàng phương án ứng phó với bão Wipha và mưa lũ lớn diện rộng, đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Hà Nội mưa lớn diện rộng do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), tháng 9.2024. Ảnh: Hải Danh
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, bão Wipha hình thành sáng 18.7 ở vùng biển phía đông Philippines.
Lúc 7h ngày 18.7, bão Wipha có sức gió mạnh nhất 74 km/h (cấp 8), giật cấp 10, theo hướng tây bắc với tốc độ 20 km/h.
Dự báo ngày mai đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh lên, có thể đạt cấp 12, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão Wipha, ở khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội), từ ngày 20 - 25.7, có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng tại vùng trũng thấp, khu đô thị…
Để chủ động ứng phó với bão Wipha và mưa lũ lớn diện rộng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội đề nghị UBND các xã, phường tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn và tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, để chủ động các biện pháp phòng tránh đảm bảo an toàn về người, tài sản.
Sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có); triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy những nơi bị tắc, nghẽn; tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cũng đề nghị các xã, phường ven đê khẩn trương hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục những sự cố, hư hỏng của công trình đê điều đã xảy ra trong thời gian vừa qua; kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để chủ động triển khai khi có sự cố, tình huống xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, các sở ngành và chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng nhận biết, biện pháp phòng tránh, ứng phó với mưa lớn có thể kèm theo dông, lốc, sét, gió giật mạnh, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến cộng đồng, đặc biệt là đối với người dân sản xuất nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, xây dựng, lao động ngoài trời, các phương tiện vận tải thủy, các bến đò... để giảm thiểu thiệt hại.