Bão mạnh sắp vào khu vực dự báo của Philippines hôm nay
Philippines đang theo dõi cơn bão mạnh có tên quốc tế là Bebinca, dự kiến đi vào khu vực dự báo (PAR) của nước này hôm nay.
Bản tin dự báo bão của Cục Quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines cho hay, vào hồi 8h ngày 13.9, vị trí tâm bão Bebinca ở vào khoảng 22,1 độ vĩ bắc, 136,9 độ kinh đông, cách Cực Bắc Luzon 1.565 km về phía đông (bên ngoài khu vực dự báo PAR). Sức gió mạnh nhất gần tâm bão đạt 85 km/h, giật 105 km/h. Bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 20 km.
PAGASA dự báo bão Bebinca có thể đi vào PAR trong ngày 13.9, khi đó sẽ được đặt tên địa phương là "Ferdie".
Do ảnh hưởng của bão, gió mạnh và mưa lớn, biển động mạnh, sóng cao từ 2,8-3,7m dự kiến xảy ra ở phía đông Visayas và Mindanao trong 24 giờ tới.
Ở Metro Manila, các khu vực khác của Luzon, Ilocos, Vùng hành chính Cordillera, Thung lũng Cagayan, Quezon trời nhiều mây với mưa rào và giông rải rác.
PAGASA cảnh báo người dân ở những khu vực này về nguy cơ lũ quét hoặc lở đất.
Khi đi vào khu vực dự báo PAR, Bebinca sẽ trở thành cơn bão số 6 ảnh hưởng đến Philippines trong năm nay.
Các mô hình dự báo bão chỉ ra rằng bão Bebinca sẽ tiến gần đến Minamidaitojima, Nhật Bản vào đầu ngày 14.9, có khả năng di chuyển về phía tây bắc và tiến gần đến Quần đảo Amami vào cuối ngày 14.9.
Bebinca dự kiến sẽ mạnh lên khi di chuyển về phía tây bắc qua Biển Hoa Đông đến đông nam Trung Quốc cho đến ngày 15.9 trước khi đổ bộ vào tỉnh Chiết Giang sáng sớm 16.9.
Sau khi đổ bộ, bão Bebinca dự kiến sẽ suy yếu nhanh chóng thành áp thấp nhiệt đới khi di chuyển theo hướng tây tây bắc qua tỉnh An Huy cho đến đầu ngày 18.9. Vẫn còn một số bất ổn về đường đi và cường độ dự báo và những thay đổi có thể xảy ra trong những ngày tới.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cảnh báo về gió mạnh và biển động trên khắp các khu vực Amami và Okinawa cho đến ngày 15.9. Sóng cao nhất lên tới 9 mét và lượng mưa lớn nhất lên tới 150 mm được dự báo vào ngày 14.9.
Mưa lớn kéo dài có thể gây ra lũ lụt ở những vùng trũng thấp và những nơi có hệ thống thoát nước dễ bị quá tải. Nếu điều kiện thời tiết trở nên nguy hiểm, có thể xảy ra tình trạng sơ tán cục bộ, lũ quét và lở đất.