Trời mờ đục từ sáng, Hà Nội ô nhiễm thuộc tốp đầu thế giới
Hôm nay (14.7), chất lượng không khí của Hà Nội ghi nhận ở ngưỡng đỏ, không tốt cho sức khoẻ. Chỉ số ô nhiễm xếp thứ 2 thế giới.
Trời mờ đục từ sáng, Hà Nội ô nhiễm tốp đầu thế giới. Ảnh: Huy Hùng
Ngay từ đầu giờ sáng, nhiều người dân đã cảm nhận được bầu trời mờ đục, chất lượng không khí xấu gây nên cảm giác khó chịu. Theo ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQ Air lúc 9h15 sáng 14.7, Hà Nội xếp thứ 2 về chỉ số ô nhiễm với AQI ở mức 168 (Ngưỡng đỏ - có hại cho sức khoẻ). Xếp trên Hà Nội là Kinshasa (Congo).
Còn theo ứng dụng VN Air lúc 9h sáng nay, Hà Nội là địa phương có chỉ số ô nhiễm đứng đầu cả nước. Trạm đo 556 Nguyễn Văn Cừ ghi nhận AQI ngưỡng 118 (Cam - không tốt cho nhóm nhạy cảm); ĐHBK cổng Parabol cũng ghi nhận chỉ số AQI cùng ngưỡng cam 109.
Theo chỉ thị về môi trường vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, từ ngày 1.7.2026 không có xe môtô, xe gắn máy, hạn chế xe ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 1,5 triệu ôtô. Tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân của thành phố là 4,5%/năm, riêng ôtô khoảng 10% nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông chỉ khoảng 0,28%.
Trước đó, tại cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia khắc phục ô nhiễm và quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2025-2030, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho hay, ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường ở các thành phố, các đô thị lớn đã và đang thành thách thức lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế các địa phương như Hà Nội, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp để kiểm soát, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí nhưng kết quả chưa được như kỳ vọng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng hợp từ rất nhiều nguồn thông tin cho thấy: Nguyên nhân cơ bản từ hoạt động giao thông vận tải gồm cả bụi đường do phương tiện tham gia giao thông cuốn lên và khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, niên hạn lưu thông trong thành phố.
Theo số liệu kiểm kê phát thải PM2.5 tại khu vực Hà Nội, khí thải phương tiện giao thông vận tải đường bộ chiếm khoảng 15% và từ bụi đường khoảng 23%.