• :
  • :

Bí thư Hà Nội: Chưa phải thời điểm phù hợp cho thuê vỉa hè, lòng đường

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, chủ trương cho thuê vỉa hè lòng đường là việc sẽ làm, các quận cũng đang rà soát nghiên cứu, nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.

Bí thư Hà Nội: Chưa phải thời điểm phù hợp cho thuê vỉa hè, lòng đường

Một số đoạn vỉa hè Hà Nội bị "tái chiếm" sau 5 tháng ra quân giành lại cho người đi bộ. Ảnh: Vĩnh Hoàng (chụp ngày 8.8)

Ngày 9.8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì đối thoại với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp TP Hà Nội nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy tới 30 điểm cầu quận, huyện, thị xã với sự tham gia của 6.518 đại biểu Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố.

Trao đổi, trả lời kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, có một số ý kiến phản ánh liên quan đến chủ trương cho thuê lòng đường, vỉa hè của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, chủ trương cho thuê vỉa hè lòng đường là việc sẽ làm, các quận cũng đang rà soát nghiên cứu, nhưng giờ chưa phải thời điểm phù hợp để thực hiện.

Ông Đinh Tiến Dũng đưa ra hai lý do. Thứ nhất, muốn cho thuê lòng đường, vỉa hè thì phải có đủ căn cứ pháp lý.

Về việc này, TP Hà Nội đang yêu cầu các quận tổ chức thiết kế đô thị, lấy ý kiến nhân dân. Theo quy trình, khi lấy ý kiến nhân dân, có sự đồng thuận mới triển khai.

Một số quận, chẳng hạn như quận Hoàn Kiếm hiện nay đang rà soát, nghiên cứu các tuyến phố để có thể thí điểm sau khi lấy ý kiến nhân dân.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị. Ảnh: Hanoi.gov

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị. Ảnh: Hanoi.gov

Thứ hai, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, lúc này nên khoan sức dân, việc đưa ra chính sách cho thuê lòng đường, vỉa hè một cách vội vã lúc này là không ổn.

Đây là thời điểm kinh tế đất nước đang rất khó khăn, Quốc hội, Chính phủ đang phải ban hành nhiều chính sách như giảm thuế, giãn thuế để khoan sức dân.

Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, lòng đường vỉa hè gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân Thủ đô, ăn uống vỉa hè là văn hóa lâu đời. Cách làm cũ theo kiểu cứ ra quân truy đuổi, dọn dẹp vỉa hè không đạt được hiệu quả cao và vững chắc.

Do đó, việc quản lý lòng đường, vỉa hè cần thiết phải tổ chức lại. Tuy nhiên, việc triển khai chủ trương mới phải làm rất kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao của nhân dân và phải chọn thời điểm phù hợp.

Theo ghi nhận của Lao Động, đến nay, đã 5 tháng kể từ khi TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị đồng loạt ra quân xóa bỏ các điểm lấn chiếm vỉa hè để làm nơi buôn bán, trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, trên nhiều tuyến phố Thủ đô, tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ngày 8.8, các tuyến phố như Nguyễn Đình Thi, Thuỵ Khuê, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Khang,... vỉa hè vẫn đang bị người dân, các hộ kinh doanh “bức tử”, gây khó khăn cho người đi bộ.

Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội (Ban chỉ đạo liên ngành do công an làm thường trực) cho biết, 6 tháng đầu năm đã lập biên bản hơn 32.000 trường hợp vi phạm trật tự đô thị, phạt tiền hơn 17,7 tỉ đồng. Vi phạm chủ yếu là sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè để kinh doanh ăn uống, buôn bán.